Về cây gậy trong giáo dục
28-3-2023
Sau khi vỡ ra vụ việc một cô giáo ngang nhiên cắt tóc học trò trên bục giảng, nhà báo Hoàng Hải Vân đăng bài “HÃY TRẢ QUYỀN SƠ ĐẲNG NÀY LẠI CHO THẦY GIÁO!”. Là quyền gì? Nhà báo HHV bảo, là quyền “phạt học trò”.
Tôi không rõ quyền này của thầy giáo đã bị cướp mất từ khi nào mà để đến nỗi ông HHV lại phải hô lên như thế…
Ngành giáo dục có riêng một bộ luật, lại thêm điều lệ trường học, nội quy trường học và rất nhiều văn bản dưới luật khác hướng dẫn, quy định về quyền của cả thầy, cả trò và người quản lý. Thầy có rất nhiều quyền, trong đó có việc thi hành kỷ luật đối với học trò, lẽ nào ông HHV chưa từng đọc qua những văn bản pháp quy ấy?
Nhưng không phải thế. Sau khi giảng về chữ Giáo (敎), HHV nhận định: “Dù viết theo cách nào thì bên trái vẫn là đứa con, bên phải là bàn tay cầm roi đánh khẽ. Cho nên dạy dỗ nhất thiết phải có phạt nhẹ để uốn nắn nếu như học trò hư hỏng hay không tuân thủ sự chỉ dẫn của thầy”. Thì ra “quyền phạt học trò” mà ông HHV nói đến ở đây là đánh, tức là “phạt” bằng vũ lực.
Đã gần hết ¼ của thế kỷ 21, khi mà giáo dục khai phóng và các quyền con người/quyền trẻ em đều được hầu hết các nước trên thế giới thừa nhận và coi là thường thức, nhưng ở VN vẫn có nhà báo “nổi danh” công khai đòi đánh học trò vì coi đó là “biện pháp giáo dục” mẫu mực. Thật ngạc nhiên.
“Biện pháp” giáo dục là phải tìm trong các sách vở khai phóng của những nhà tư tưởng lớn như Rousseau, Kant, Schopenhauer, Humbold, Nietzsche…; tìm trong các thực hành giáo dục tiến bộ mà Mỹ, Phần Lan hay Tây phương nói chung đã và đang thành công với việc đào luyện con người tự do – chứ không phải bằng cách chiết tự một cái chữ Tàu có gốc từ ngàn năm trước!
Cũng theo nhà báo HHV, sở dĩ bây giờ “thầy giáo không phạt được học trò, không ít nơi học trò và phụ huynh của học trò xúc phạm thầy giáo, thậm chí xâm hại thầy giáo mà không bị sự chế tài nào” là cũng bởi thầy giáo đã bị tước mất quyền sử dụng cây gậy trong tay.
Xin thưa, không nền giáo dục nào không có các biện pháp “phạt” học trò cả, nhưng phạt thế nào lại là điều rất hệ trọng, vì nó quyết định rằng xã hội sẽ tiến về văn minh hay lùi vào hoang dã. Giáo dục Việt Nam cũng có một danh sách các quy định về xử phạt học sinh, nhưng không mấy ai chịu tuân thủ, người ta vẫn thích “đánh người” hơn. Đó là chưa nói đến “Kỷ luật tích cực” vốn không còn xa lạ gì với những người làm giáo dục tiến bộ trên thế giới nữa, ấy thế mà nhà báo HHV còn luyến tiếc khôn nguôi về một sự trừng phạt vốn là nguyên nhân đã làm ra cái căn tính nô lệ Đông phương di truyền và di hại đến tận hôm nay…
Lý do của sự “mất mát cây gậy” khiến nhà báo HHV bất bình và đau lòng này chính là “Việc tiêu hoá một cách sống sượng quan điểm bình quyền thể hiện trong một số quy định như gà mắc tóc của ngành giáo dục và sự cẩu thả của truyền thông”.
Tôi không rõ ông HHV lấy ở đâu ra “quan điểm bình quyền” giữa thầy và trò để rồi chỉ trích? Các văn bản luật đều quy định, thầy là thầy, trò là trò, mỗi người có vị trí, quyền lực và quyền lợi khác nhau, chứ sao mà nói là “bình quyền” khơi khơi như thế được?
Hay ông HHV hiểu nhầm về quyền bình đẳng trước pháp luật? “Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”, chứ không phải “bình quyền” với nhau theo kiểu cá mè một lứa mà ông HHV đang nghĩ. Cao hơn nữa, về mặt nguyên lý, như Hồ Chí Minh đã dẫn trong Tuyên ngôn độc lập: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; hay “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đây là quyền con người, tức nguyên lý cao nhất của tất cả các xã hội văn minh.
Đánh tráo khái niệm, từ quyền con người và quyền bình đẳng trước pháp luật thành chuyện “cá mè một lứa” rồi phê phán, đây là lối dẫn dắt rất phổ biến hiện nay ở không ít cây viết có tiếng tăm trên mạng. Những quyền con người đã được Công ước quốc tế và cả Hiến pháp VN ghi nhận, chính là nền tảng có giá trị lớn lao nhất để làm cơ sở bảo vệ con người và xây dựng xã hội. Ông HHV muốn xóa bỏ chúng? Ông xóa nhầm chỗ, vì có thứ đáng gạch bỏ thì ông lại quên…
Đi xa hơn, HHV nhận định: “Trong xã hội ta, hầu hết trẻ em phải đến trường theo chương trình phổ cập giáo dục. Dù lựa chọn thầy hay buộc phải gửi con cho thầy thì các bậc phụ huynh đều phải hiểu như thế nào là giáo dục” [tức giáo dục là gắn với cây gậy trong tay ông thầy – TH chú thích]. “Đưa tư tưởng bình quyền sống sượng vào trường học chỉ làm hư hỏng trẻ và góp phần làm cho xã hội thêm suy đồi”.
Giáo dục và xã hội VN sở dĩ “suy đồi” như ông HHV nhận định, không phải bởi tư tưởng bình đẳng, mà là do thiếu những điều kiện đầu vào tiên quyết cho sự phát triển lành mạnh, như: triết lý khai phóng, phương pháp hiện đại, tinh thần nhân bản và sự quản lý – điều hành một cách khoa học, v.v.. Đổ lỗi cho “bình quyền” và đòi trao cây gậy vào tay ông thầy giáo, đó vừa là một sự thiếu trung thực, vừa đi ngược với giáo dục văn minh để nhằm trở về thời trung cổ, nhằm đào tạo ra con người công cụ, con người tuân phục và nô lệ. Nó trái hẳn với “nhân đạo và chính nghĩa” – như lời Hồ Chí Minh đã phê phán Thực dân Pháp trong bản Tuyên ngôn độc lập đã nói.
Ông HHV đang gieo vào những người đọc cả tin một ý niệm rằng nếu không trao cây gậy vào tay ông thầy thì giáo dục sẽ loạn, và trên thực tế là (theo ông) bây giờ đang loạn cũng chính là vì lý do ấy. Đây là một bài “đổ thừa” rất ngoạn mục, xóa trắng đi những nguyên nhân nhức nhối có tính gốc rễ lẫn trực tiếp đã dẫn đến bức tranh nhàu nhĩ hiện nay của giáo dục VN. Xin hãy yên tâm, không thiếu bạo lực đâu, thưa ông HHV. Nhà báo làm như thể đang không có những bạo hành đủ kiểu của thầy đối với trò diễn ra ngày ngày trong nền giáo dục vậy. Vài vụ bị quay clip và đưa lên báo chỉ là muỗi so với sự tràn lan bởi tính chất bạo lực đang hiện diện khắp nơi.
Chưa dừng lại, nhà báo HHV còn đòi loại những học sinh hư và học sinh có cha mẹ hư ra khỏi hệ thống giáo dục, và đòi họ “tự tìm cách học khác cho con em họ”. “Hư” ở đây là hành hung thầy cô giáo. Nhà nước có pháp luật mà, tùy tính chất mức độ mà hành vi ấy có thể bị kỷ luật, đình chỉ 1 năm hay đuổi học vĩnh viễn, thậm chí bị đi trại giáo dưỡng, chứ đâu phải vô pháp đâu. Vậy ông HHV thật sự muốn gì? Vẫn là điều đã nói từ đầu, cây gậy. HHV muốn có cây gậy dựng đứng trong nền giáo dục, vì theo ông thiếu nó chính là nguyên nhân của sự xuống cấp hiện nay. Những học sinh nào không nghe lời, không theo “sự chỉ dẫn” thì phải làm cho tuân phục/khuất phục. Đây là mưu toan giáo dục con người nô lệ để phục vụ cho các xã hội chuyên chế, chứ không phải đào luyện con người tự do cho xã hội văn minh.
Nhà giáo-TS Phượng Nguyễn vẫn thường hay nhắc một câu mà tôi rất đồng tình này: “Đằng sau một nền giáo dục là thể chế chính trị, đằng sau thể chế chính trị là một nền văn hóa”. Muốn thay đổi giáo dục, phải thay đổi các nền tảng chính trị, nhưng muốn thay đổi văn hóa thì cũng không gì nhanh và hiệu quả bằng thay đổi chính trị. Tất nhiên, điều ấy sẽ không loại trừ việc nỗ lực thay đổi văn hóa trong hoàn cảnh mà sự thay đổi về chính trị chưa đủ điều kiện. Thậm chí, trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, việc thay đổi nhận thức-văn hóa ở mỗi cá nhân còn mang tính quyết định, bằng việc khai dân trí trong cộng đồng. Lối văn hóa tập thể (không có cá nhân) lấy sự vâng phục làm mẫu mực cần được được tiễn ra khỏi xã hội hiện đại, chứ không phải là luyến tiếc và rắp tâm duy trì.
Cách đây gần đúng 100 năm, nhà khai sáng Phan Châu Trinh trong bài diễn thuyết “Đạo đức và luân lý Đông Tây” đã đau đớn mà than rằng: “dạy con thì tát, thì chửi, thì đánh thì nói rằng thương con cho roi cho vọt, mà không biết rằng làm như thế là nuôi cho con một cái tính phục tùng nô lệ. Khi còn ở trong gia đình thì thở cái không khí chuyên chế của gia đình, khi đến trường học thì thở cái không khí trong trường học (tính người mình hay thích giao con cho một ông thầy dữ đòn) thì làm sao khi bước chân ra ngoài xã hội khỏi quen tính nô lệ, chịu lòn cúi người. Cái tính nô lệ của người mình ngày nay chính là mang từ lúc trong gia đình chuyên chế mà ra vậy”.
Ấy thế mà, cho đến hôm nay, một nhà báo “nổi tiếng” có hơn 120 ngàn người theo dõi trên FB, khi đứng trước hành động bạo hành như thời trung cổ của cô giáo đối với học trò, đã lại kêu gọi một lối giáo dục hủ nho tàn tệ mà các bậc tiền bối nặng lòng với đất nước đã dành cả đời lao nhọc để mong tống tiễn nó đi. Qua sự kiện “cắt tóc” kia, càng đọc càng buồn thảm, vì phát hiện ra rằng lượng người ủng hộ “biện pháp giáo dục” của cô giáo nhiều đến kinh ngạc, trong đó có không ít người đang làm cha làm mẹ và cả những kẻ nhiều chữ đang ngày ngày vung bút trên các tờ báo. Thật bi ai…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.