Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2023

Nguy cơ mất 5000 ha rừng ở Lâm Đồng vì dự án bauxite từng bị chỉ trích?

 


Nguy cơ mất 5000 ha rừng ở Lâm Đồng vì dự án bauxite từng bị chỉ trích?

Mỹ Hằng

BBC News Tiếng Việt

20 tháng 3 2023

Công nhân làm việc tại mỏ bauxite ở Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng vào ngày 13/4/2009. Các kế hoạch khai thác bauxite ở Việt Nam sử dụng công nghệ hoặc đầu tư từ Trung Quốc đã bị các chuyên gia lên án về các tác động tới xã hội và môi trường. Hơn nữa, họ lo ngại Bắc Kinh có thể chiếm một khu vực chiến lược

ẢNH: AFP/GETTY IMAGES. Mỏ bauxite ở Bảo Lâm tháng 4/2009. Các kế hoạch khai thác bauxite dùng công nghệ hoặc đầu tư TQ từng bị phê phán vì tác động tới xã hội và môi trường và lo ngại Bắc Kinh làm chủ một khu vực chiến lược

Mới đây, thông tin về dự án bauxite ở Lâm Đồng đã làm dấy lên lo ngại trong dư luận Việt Nam về sự tàn phá đối với môi trường. Đây được coi như một trong số những lần hiếm hoi kể từ năm 2009 báo chí chính thống ở Việt Nam nhắc đến những tác hại tiềm ẩn của các dự án này.

Ngày 3/3/2023, một số báo lớn ở Việt Nam đăng tải thông tin Lâm Đồng có nguy cơ mất 5.000 ha rừng do khai thác bauxite.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho hay đây là diện tích đất nằm trong hon 21.000 ha đất đã được cấp phép, thăm dò, khai thác quặng bauxite trên địa bàn tỉnh.

'Không phải là tời điểm tệ để lên tiếng'

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, ông Hunter Marston, nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Úc, người từng có đề tài nghiên cứu khoa học về dự án bauxite Tây Nguyên và vai trò của các tổ chức xã hội dân sự, nói:

BBC

"Năm 2009, người dân Việt Nam đã phản ứng rất mạnh trước sự hợp tác của chính phủ Việt Nam với Trung Quốc trong các dự án bauxit ở Tây Nguyên.

"Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đó được coi là 'lãnh đạo tinh thần' trong các phong trào phản đối bauxite vào thời điểm đó và đã tạo ra sự bảo vệ cho xã hội dân sự khi họ chỉ trích chính phủ."

"Cái khác chính hiện nay là các dự án boxite vắng bóng sự tham gia của Trung Quốc. Đồng thời, không có một sự lãnh đạo thống nhất nào hay một nhà hoạt động môi trường tiên phong nào để có thể huy động các cá nhân lên tiếng phản đối.

"Bên cạnh đó, các chỉ trích trong quần chúng hiện tập trung vào vấn đề Biển Đông, theo sau các cuộc biểu tình vào 2014 (khi Trung Quốc mang giàn khoan đến vùng biển của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa). do đó đã lấy đi một phần lớn năng lượng của dư luận đối với vấn đề bauxite.

Lam Dong province, bauxite mining

"Chỉ mới gần đây thì vấn đề này mới xuất hiện trở lại trên mặt báo về dự án mới khá quy mô 5.000 ha, nhưng không thu hút sự phản đối vì không có sự hợp tác với Trung Quốc ở đây, và đây là một câu chuyện cũ.

"Công chúng nay tập trung vào các vấn đề khác như sự thay đổi về chính trị ở Việt Nam. Tôi vừa đi Việt Nam vào dịp Tết vừa qua và thấy ai ai cũng nói về sự thay đổi này. Thật là một thời điểm thú vị để có mặt ở Việt Nam.

"Ở Việt Nam, người dân khá là mạnh miệng. Internet và Facebook cũng được sử dụng rộng rãi. Trong các cuộc tranh luận trong dân chúng, người ta có thể chỉ trích chính phủ nếu họ cảm thấy muốn như thế. Thế nhưng khi có các hoạt động phản đối chính phủ thì luôn mang tính tự phát chứ không phải hoạt động có sự lãnh đạo, dẫn dắt kiểu phương Tây.

"Tôi nghĩ rằng chính phủ nên thực hiện các hoạt động đánh giá môi trường vì dự án này xem ra ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn và nhạy cảm, quan trọng cho nông nghiệp và cả cảnh quan tự nhiên.

"Những người phản đối có thể chỉ ra những vấn đề cần giải quyết của dự án theo một cách mang tính xây dựng cho chính phủ chứ không theo cách có thể dẫn đến bị đàn áp. Người dân hiện không có được sự bảo vệ chưa từng có như họ từng có từ đại tướng Võ Nguyên Giáp có trước đây, họ có thể hiểu rõ điều này.

"Tôi không nghĩ là cần phải đợt đến khi xuất hiện một lãnh đạo tinh thần như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vì đó là trường hợp rất hiếm, mới lên tiếng. Mà nay, cần sự tham gia của nhà khoa học, luật sư,những người có kiến thức kỹ thuật cùng tham gia để có thể khiến chính phủ lắng nghe, bằng cách trình ra một cách rõ ràng các tác động bât lợi của dự án này tới môi trường và xã hội ra sao.

"Nhưng thay vì chỉ lên tiếng từ tầng lớp cơ sở, có thể tham khảo thêm sự tham gia của các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực môi trường để chỉ ra cho chính phủ rằng có những vấn đề cần phải xem xét lại, làm chậm lại tiến độ dự án hoặc thu hẹp quy mô dự án.

"Những cuộc biểu tình trước đây dù có lên mặt báo hay không cũng đã thực sự gây áp lực cho chính phủ, có một số vụ đã lên báo chí quốc tế. Cho dù chính phủ chọn có đàn áp những người biểu tình hay không, nó tạo áp lực khiến chính phủ phải có phản ứng, dè chừng. Vì thực hiện quá nhiều những dự án như vậy có thẻ khiến người dân nổi giận, như vụ Đồng Tâm, một vụ việc rất là làm xấu mặt chính phủ và lực lượng công an.

"Có những vấn đề khẩn cấp và chính phủ cần biết người dân nghĩ gì, đó có phải là một ý tưởng tồi không, nó có gây hại đến môi trường không, có khiến hàng ngàn người dân phải di dời không, nếu có thì đáng để lên tiếng đánh động sự chú ý của bất cứ chính phủ nào.

"Tôi không nghĩ có thể sẽ ngay lập tức dẫn đến sự thay đổi chính sách nào từ phía chính phủ,nhưng ít nhất chính phủ sẽ trở nên nhạy cảm hơn với các tiếng nói phản đối của công chúng.

"Dù dư luận Việt Nam khá im ắng về dự án bauxite Tây Nguyên so với hơn một thập kỷ trước, nhưng chưa bao giờ là thời điểm tồi để đưa lại vấn đề này ra công luận.

Dư luận về dự án bauxite Tây Nguyên cách đây một thập kỷ

Năm 2009 được coi là đỉnh điểm của sự phản đối trong nhiều tầng lớp người dân Việt Nam đối với dự án bauxite ở Tây Nguyên mà chính phủ dự định bắt tay thực hiện với Trung Quốc.

Nhiều người dân, nhà khoa học, nhà bảo vệ môi trường đã lên tiếng phản đối dự án, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sinh thời, Đại tướng Giáp đã hai lần gửi thư ngỏ tới Bộ Chính trị Việt Nam, cảnh báo về nguy cơ 'quyết đinh sai lầm, gây nên tai họa lớn cho đất nước.'

Tướng Giáp đánh thẳng vào quan điểm khai thác bằng mọi giá nhân danh 'hiện đại hóa', vốn được một số nhà lãnh đạo nêu ra.

Ông viết: "Hiện nay chưa khai thác bauxite ở Tây Nguyên, dành tài nguyên đó cho thế hệ mai sau và không khai thác bô xít thì chúng ta vẫn tiếp hành được công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước."

Nhiều cuộc họp của giới khoa học đã được tổ chức, trong đó các nhà khoa học đã phân tích và chỉ ra sự chưa sẵn sàng của Việt Nam trong đại dự án này, cũng như các nguy cơ về bùn đỏ, môi trường, công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới một vùng đất trọng yếu của đất nước.

Trung tướng, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng Đồng Sỹ Nguyên cũng nhấn mạnh Tây Nguyên là 'yếu huyệt', nên không muốn thấy 'bất kỳ nước nào vào Tây Nguyên'.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, Bộ Công an cũng công bố một tham luận nêu ra vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên có thể tác động đến vấn đề an ninh Việt Nam.

Giáo sư Ngô Bảo Châu, TS Cù Huy Hà Vũ, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cũng từng lên tiếng về vấn đề khai thác bauxite Tây Nguyên.

Riêng TS Cù Huy Hà Vũ từng khởi kiện nguyên Thủ trướng Nguyễn Tấn Dũng vào 3/7/2009 về quyết định phê duyệt quy hoạch khai thác bauxite.

Các dự án bauxite hiện nay ở Việt Nam

Chính phủ Việt Nam thời kỳ 2009 - 2014 không có phản hồi chính thức nào cho các cá nhân và tổ chức, mà khẳng định điều họ gọi là 'khai thác bauxite là chủ trương nhất quán của Đảng và nhà nước.'

Từ đó tới nay, trên các báo chính thống ở Việt Nam chỉ đưa tin lác đác về các dự án bauxite lỗ lãi ra sao, có hoạt động đúng thiết kế hay không.

Hai dự án bauxit Tây Nguyên, gồm ở Lâm Đồng (alumin Tân Rai) và Nhân Cơ (Đăk Nông), có công suất thiết kế mỗi nhà máy 650.000 tấn alumin một năm, tổng mức đầu tư khoảng 32.000 tỷ đồng, theo VNExpress.

Tháng 4/2022, Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ nâng công suất hai dự án này lên 800.000 tấn alumin mỗi năm.

Dư luận Việt Nam nói gì?

Dưới bài viết của VnExpress về nguy cơ mất 5000 ha đất rừng ở Lâm Đồng, một số bạn đọc viết:

Lê Xuân: Vì khai thác khoáng sản mà mấy năm nay Lâm Đổng quê tôi cảm thấy nóng hơn, đứng từ xa nhìn thì thấy các ngọn đồi chỉ còn màu đất các cây to đã biến mất. Đường xá thì thụt lún hư hỏng, xe chạy rầm rầm vèo vèo bấm còi inh ỏi.

Lam: Chúng ta lo kiếm tiền, phát triển kinh tế cũng để cho con cháu sau này đỡ khổ. Nhưng có tiền mà môi trường sống ô nhiễm thì để làm gì. Mong đánh giá lại dự án này, cần giữ gìn tài nguyên đất nước trong đó có rừng.

styx.rack: Quá chát , vừa mất rừng vừa phải chịu ô nhiễm do khai thác boxit , chất thải khi khai thác boxit thì không xử lý được chỉ có chôn lấp .

Hoàng Trọng Đại (Ẩn Sỹ Quận 6): Quá đau lòng khi chứng kiến những cánh rừng thông đầy thơ mộng của cao nguyên Lâm Viên bị tàn phá từng ngày. Tôi từ ngày tiếp quản 40 ha cao su mà bố vợ cho luôn tâm nguyện phải gìn giữ không để mất 1 cây nào dù có nhiều lời đề nghị phá bỏ để phân lô bán nền rất hấp dẫn.

Dưới bài chia sẻ về thông tin bauxite ở Lâm Đồng của TS Nguyễn Xuân Diện trên Facebook cá nhân ngày 3/3/3032, một số bạn đọc bình luận:

Thi Đào: Cái kinh khủng nhất là bauxite đã làm bao nhiêu người tù tội, bị theo dõi, gây khó dễ, nếu lên tiếng. Ấy là mấy năm được ké cánh cửa dân chủ. Bây giờ bauxite có phá hết Tây Nguyên thì cũng chẳng ai dám kiến nghị gì đâu.

Hanh Nguyen: Kinh khủng quá. Theo quy định mới tại Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư, Luật lâm nghiệp 2017, Nghị định 83/2020/NĐ-CP rừng tự nhiên chỉ được chuyển mục đích dử dụng trong trường hợp đặc biệt (do TTg quyết định), thế mà họ đổi bauxite lấy gì

Nguyễn Hữu Thắng: Lâm Đồng là cái túi nước sạch nuôi miền nam. Phá Lâm Đồng là phá cả Miền Nam. Âm mưu chúng rất thâm độc. Chẳng phải vì lợi ích đâu.. chúng phá mọi ngõ ngách phá không chừa chỗ nào. Quá là phản động

Đặng Chương Ngạn: Vấn đề cần được báo cáo: bô xít : hiện có mang lại lợi nhuận gì không, hay vẫn khai thác lỗ. Nếu lỗ nên đóng cửa ngay. Có lãi, tính tiếp bài toán: nên tiếp tục hi sinh rừng và an ninh …cho bô xít nữa không?

M.H.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.