Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Rắc rối về mặt pháp lý vụ bốn tiếp viên của VNA – Cần phải gỡ như thế nào?

 

Rắc rối về mặt pháp lý vụ bốn tiếp viên của VNA – Cần phải gỡ như thế nào?

Ngô Huy Cương

23-3-2023

Tôi đã từng là người soạn thảo chính Luật Hàng không Dân dụng 1991 và Luật Hàng không Dân dụng 1994, và đã từng là phụ trách pháp chế của Cục Hàng không Dân dụng thuộc Chính phủ trong vòng nhiều năm.

Do đó tôi không thể không yêu Vietnam Airlines nói riêng và ngành hàng không dân dụng nói chung. Tuy nhiên đứng trước lùm xùm về việc vận chuyển ma túy của bốn tiếp viên vừa qua, tôi không thể giữ im lặng hoặc ủng hộ phi lý cho Vietnam Airlines và cho họ. Nếu họ phạm tội mà không bị xử lý thì có thể dẫn tới tình trạng nguy hại vô cùng cho xã hội ta và khiến các hãng hàng không của ta có thể bị sụp đổ vì tệ nạn vận chuyển ma túy.

* Câu hỏi thứ nhất: Bốn tiếp viên hàng không nói trên có chiếm hữu ma túy không?

Khi bị phát hiện, thì ma túy đang thuộc quyền nắm giữ và kiểm soát của họ.

Lưu ý rằng: luật hình sự là một ngành luật có chức năng bảo vệ, tức là nó bảo vệ cho các quan hệ pháp luật trọng yếu mà đã được các ngành luật khác quy định. Vì vậy khi luận giải một hành vi nguy hiểm để kết tội và áp đặt một chế tài đặc biệt (hình phạt) đối với hành vi đó, thì không thể xa rời các quy định của các ngành luật liên quan.

Bộ luật Dân sự 2015 (Điều 179) quy định:

“1. Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản.

2. Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu”.

Luận giải từ nguồn gốc của quy định này, có thể hiểu chiếm hữu có hai thành tố là corpus (thành tố vật chất, tức là đang thực hiện hành vi có tính cách vật lý trên vật) và animus (thành tố tinh thần, tức là có ý chí thực hiện hành vi đó). Người chiếm hữu có thể tự mình chiếm hữu, có nghĩa là tự mình thực hiện hành vi vật chất của chiếm hữu) hoặc thông qua người đại diện, tức là một người khác thực hiện hành vi này nhân danh người chiếm hữu.

Bộ luật Dân sự Nhật Bản 2005 quy định tuy ngắn hơn nhưng rành mạch hơn các thành tố của chiếm hữu và các dạng chiếm hữu như sau:

“Điều 180 (Thủ đắc quyền chiếm hữu)

Quyền chiếm hữu được thủ đắc bởi nắm giữ đồ vật với ý định là như vậy nhân danh chính mình.

Điều 181 (Chiếm hữu bởi người đại diện)

Quyền chiếm hữu có thể thủ đắc bởi người đại diện”.

* Câu hỏi thứ hai: Chiếm hữu có thể mang tới hệ quả gì liên quan?

Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

“Điều 184. Suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu

1. Người chiếm hữu được suy đoán là ngay tình; người nào cho rằng người chiếm hữu không ngay tình thì phải chứng minh.

2. Trường hợp có tranh chấp về quyền đối với tài sản thì người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền đó. Người có tranh chấp với người chiếm hữu phải chứng minh về việc người chiếm hữu không có quyền”.

Điều luật này cho phép bốn tiếp viên hàng không kia loại trừ bất kể ai từ việc nắm giữ, chi phối những đồ vật mình đang chiếm hữu. (Tất nhiên là khi phát hiện ra đồ vật hoặc những đồ vật đó là bất hợp pháp thì những ai có thẩm quyền đều có thể kiểm soát chúng theo quy định của pháp luật).

Nghĩa vụ chứng minh chiếm hữu không ngay tình và vi phạm thuộc về người nại ra việc này.

Trong vụ lùm xùm này, các cơ quan có thẩm quyền đã chứng minh được họ mang ma túy- một loại vật phẩm bị nghiêm cấm bởi pháp luật rộng rãi trên thế giới. Chiếm hữu của họ là không ngay tình theo định Điều 181 của Bộ luật Dân sự 2015 với tinh thần rằng chiếm hữu không ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu phải biết hoặc nhẽ ra phải biết mình không có quyền đối với đồ vật đang chiếm hữu.

Là nhân viên hàng không thì không thể không biết việc bao gói, đóng kiện hành lý, hàng hóa để vận chuyển phải hết sức cẩn trọng. Hành khách bay các chuyến bay qua lại các quốc gia thường được cảnh báo không mang xách hộ hành lý, hàng hóa, và phải tự tay hoặc phải kiểm soát, biết rõ vật phẩm được bao gói, đóng kiện vì lý do an ninh và an toàn hàng không.

Giả định rằng đây không phải là đồ vật bị cấm hoặc không ai phát hiện là đồ vật bị cấm và không bị đòi hỏi phải chuyển giao, thì Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:

“Tài sản vô chủ là tài sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó.

Người phát hiện, người đang quản lý tài sản vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó, trừ trường hợp luật định khác; nếu tài sản là bất động sản thì thuộc về Nhà nước.” (Điều 228, khoản 1).

* Câu hỏi thứ ba: Vậy các tiếp viên có thực hiện hành vi phạm tội không?

Theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi và bổ sung 2017) có quy định về “Tội vận chuyển trái phép chất ma túy” tại Điều 250 với các mô tả hành vi này rành mạch, thì hành vi của họ trong vụ lùm xùm này là khó tránh khỏi bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vấn đề còn lại là ai có nghĩa vụ chứng minh ý chí phạm tội.

Lưu ý rằng: hiện nay luật hình sự hiện đại nhiều khi không cần yếu tố lỗi. Do vậy có trường hợp thì người truy cứu trách nhiệm hình sự phải chứng minh yếu tố lỗi; nhưng có trường hợp người bị tình nghi phạm tội phải chứng minh mình không có lỗi; và có trường hợp đặc biệt tội không cần yếu tố lỗi. Thông thường chỉ trở thành chủ thể của tội phạm khi chủ thể này có thể thực hiện hành vi vật chất của tội phạm và có ý chí phạm tội.

Muốn thoát tội, bốn người này phải chứng minh được mình không có ý chí vận chuyển ma túy, có nghĩa là phải chứng minh việc chiếm hữu thiếu yếu tố animus. Vì vậy một nền tài phán tốt không bao giờ hạ thấp vai trò của luật sư. Đây là bàn về khoa học pháp lý, không liên quan tới tình cảm đơn thuần như đã nói trên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.