Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

Vĩnh biệt anh Đặng Ngọc Minh

 

Vĩnh biệt anh Đặng Ngọc Minh

Tạ Duy Anh

25-3-2023

Năm 1987, cõng theo chiếc ba lô lính chiến có đựng tập bản thảo tiểu thuyết đầu tay viết về Thủy điện Hòa Bình, tôi cứ tần ngần nhìn ngôi nhà 49 Trần Hưng Đạo từ bên kia đường, rồi lặng lẽ bỏ đi. Hôm đó trời mưa rả rích khiến nỗi buồn vô cớ trong tôi thêm ướt sũng. Một ngôi đền thiêng không dành cho mình – lúc đó tôi đã nghĩ như vậy về Nhà xuất bản Văn học.

Hơn 2 năm sau, vừa về học trường Viết văn Nguyễn Du được mấy tháng, tôi nhận được giấy mời họp “Cộng tác viên”, do giám đốc Lữ Huy Nguyên kí. Tôi đã mất ngủ mấy đêm liền vì cái giấy mời đó.

Quá sợ hãi, tôi đến cổng NXB và cứ loanh quanh bên ngoài không dám vào. Nỗi sợ càng tăng lên khi tôi nhìn thấy nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (lúc ấy tôi chỉ thầm đoán là ông do đã nhìn ảnh của ông trên báo), được một nhà phê bình nổi tiếng, cũng là cán bộ của NXB đon đả chạy ra đón từ ngoài cổng, đỡ lưng đưa vào tận phòng khách, nơi đang có mặt hàng chục nhà văn đình đám khác mà tôi chỉ dám nhìn từ xa.

Đúng lúc tôi định bỏ về, thì từ trong cổng, một người đàn ông rất điển trai, gần giống nhân vật Rhett Butler trong phim “Cuốn theo chiều gió” đi ra, nheo mắt độ lượng và thấu hiểu nhìn tôi.

– Anh chờ em mãi, tốt rồi.

Anh đưa tôi vào giới thiệu với chú Lữ Huy Nguyên, chú Thúy Toàn, chú Nguyễn Bao và chỉ ghế cho tôi, đồng thời ngồi xuống bên cạnh. Anh nói nhỏ: “Mình là Đặng Ngọc Minh”.

Cuộc họp diễn ra những gì, tôi không còn tâm trí đâu để theo dõi. Bởi tâm hồn tôi đang như buồm căng gió, khi nghe anh Đặng Ngọc Minh thủ thỉ bảo rằng NXB muốn in một tập truyện ngắn của tôi. Anh quay sang bằng cử chỉ thân thiết và lại nheo mắt nhìn tôi: “Từ đây về, em chuẩn bị luôn bản thảo cho anh nhé”.

Tập truyện ngắn “Bước qua lời nguyền”, cũng là cuốn sách xuất bản đầu tiên trong đời cầm bút của tôi, ra đời sau đó gần một năm.

Trong gần một năm ấy, chúng tôi cũng đã kịp nói với nhau vô số chuyện về cuộc đời mỗi người. Anh, rồi chị Hoan, sau đó là cháu Thạch Sơn, trở thành những người mà tôi coi như ruột thịt. Mỗi khi có chuyện gì vui buồn, thậm chí mỗi khi cái bụng sinh viên sôi réo, tôi lại tìm đến căn nhà nhỏ của anh ở 19 Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Anh còn biên tập cho tôi 2 cuốn sách nữa, đều do NXB bỏ tiền đầu tư. Nhiều hôm hai anh em ngồi cò kè nhau từng chữ. Anh gạch đi, tôi giằng bút lấy lại. Anh đòi sửa, tôi đòi giữ nguyên. Mỗi khi nhượng bộ tôi, anh lại nheo mắt cười, lắc đầu, rồi lặng lẽ mở tủ rót ra hai ly rượu ngâm thuốc.

Lần gặp anh gần đây nhất, tôi biếu anh chai rượu, anh rất vui. Cũng hôm đó tôi biết khi về hưu, anh sống rất thanh đạm và bằng lòng về điều đó. Biết tôi sắp đi châu Âu, anh dặn mua cho anh một cái ba-toong. Lúc hứa với anh, tôi không biết rằng để tìm một cây ba-toong cổ châu Âu, lại khó đến thế, khi tới đâu trong 6 nước tôi lướt qua, tôi đều chỉ kịp thở lấy sức đã lại lên đường.

Trở về, tôi thanh minh với anh, anh chỉ nheo mắt cười độ lượng, như suốt thời gian thân thiết nhau, anh luôn độ lượng coi tôi là chú em nhỏ nhiều truân chuyên.

Giờ đây dù có cây ba-toong bằng vàng, tôi cũng không còn cơ hội tặng anh nữa.

Ông Đặng Ngọc Minh và tờ cáo phó. Nguồn: Tạ Duy Anh

Tôi cảm thấy một nỗi buồn và nỗi day dứt cứ lặng lẽ thấm sâu mãi vào tâm can tôi.

Chẳng thể nói thêm được gì nữa.

Thôi đành vĩnh biệt đại ca của em!

Nhớ ánh mắt và nụ cười của anh, mãi mãi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.