Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2023

Vì sao tôi phải lên tiếng?

 

Vì sao tôi phải lên tiếng?

Nguyễn Xuân Diện

21-3-2023

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh lên tiếng

“Việc các cuốn sách cổ Hán Nôm bị mất (không phải mới đây và không phải một lần) hoàn toàn không phải là việc nội bộ của Viện Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm KHVN. Đó là việc của quốc gia giao cho Viện Hán Nôm bảo quản, gìn giữ. Làm không tốt, ảnh hưởng đến việc minh chứng cho lịch sử dân tộc thì đó là việc hệ trọng, không thế xem nhẹ và phải điều tra, xử lý đúng mức. Quan trọng hơn, phải có ngay, dù muộn, biện pháp đối phó với tình trạng có dấu hiệu " âm mưu làm mất dấu vết lịch sử" nguy hiểm này.”

Có thể là hình ảnh về 1 người, núi và cây

Bà Nguyễn Thế Thanh - nguyên Tổng biên tập báo Phụ nữ TP.HCM, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM. Bà là phu nhân của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa.

GS.TS Trương Quốc Bình (Bộ VH) lên tiếng

"Các tài liệu Hán Nôm nếu đã được đăng ký tại Kho Sách của Viện Hán Nôm là những di sản văn hóa có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Việc lưu giữ, khai thác những di sản này đặt dưới sự bảo hộ của hệ thống pháp luật, trong đó có Luật Di sản văn hóa. Chính vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng phải điều tra làm rõ và xử lý nghiêm để bảo vệ những di sản quý giá của tiền nhân."

Có thể là hình ảnh về 1 người và văn bản cho biết 'TP. Há Chí Minh 20 tháng 02 năm'

Ảnh: Trụ sở Viện Nghiên cứu Hán Nôm. GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Như tôi đã loan báo, vào lúc 11h25 ngày hôm qua (20.3.2023), Ban lãnh đạo và Chi ủy Viện Nghiên cứu Hán Nôm có mời tôi làm việc. Gọi là vậy, chứ thực ra chỉ có đối thoại giữa Viện trưởng Nguyễn Tuấn Cường và tôi.

Mở đầu, Viện trưởng Nguyễn Tuấn Cường có đọc một đoạn của bản “Kết luận của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại cuộc họp giữa Lãnh đạo Viện Hàn lâm với Viện Nghiên cứu Hán Nôm”. Đó là cuộc họp sáng ngày 16/2/2023, tại trụ sở Viện Hàn lâm KHXH VN, ông Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm đã chủ trì cuộc họp giữa lãnh đạo Viện Hàn lâm với Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Và tôi là cán bộ lãnh đạo cấp phòng nên cũng thuộc thành phần tham gia.

Đúng một tháng sau, vào ngày 16/3/2023, Viện Hàn lâm có công văn số 458/TB-KHXH do Chánh văn phòng Nguyễn Đình Chúc ký, truyền đạt “Kết luận của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại cuộc họp giữa Lãnh đạo Viện Hàn lâm với Viện Nghiên cứu Hán Nôm”.

Trong Thông báo Kết luận đó, cuối Điều 2 mục d có câu: “quán triệt, yêu cầu viên chức và người lao động phải tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước, về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí”.

Và Viện trưởng hỏi tôi, có phải FB Nguyễn Xuân Diện là của anh đã đăng thông tin “Kinh hoàng! Lại phát hiện mất thêm 110 cuốn sách Hán Nôm. Trong kho có 877 cuốn đã mủn nát không thể bồi vá, cứu vãn“?

Tôi nói luôn: Anh không có quyền hỏi tôi câu hỏi này.

Sau đó tôi cũng nói: Tôi đã đọc bản thông báo Kết luận của Chủ tịch Viện, và tôi đã tham vấn hai luật sư của mình về việc tôi có được tiếp tục đưa thông tin liên quan đến việc mất sách cổ nữa hay không? Sở dĩ tôi hỏi điều này là vì chính tôi là người đã đến cơ quan công an để TỐ GIÁC SỰ VIỆC mất hàng loạt sách cổ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Thực vậy, ngoài việc gặp đưa đơn tố giác và cung cấp thông tin ban đầu tới Công an Hà Nội (27 Phan Chu Trinh, Hà Nội) vào ngày 29/12/2022; thì ngày 3/1/2023 tôi còn có đơn gửi tới các Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Bùi Hoài Sơn và Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Ban Dân nguyện của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã chuyển đơn tới Bộ trưởng Công an Tô Lâm ngày 5/1/2023; TS. Lưu Bình Nhưỡng đã gửi công văn tới Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, ngày 6/1/2023.

Các luật sư cho biết: “Thông tin mất sách và để sách mủn nát không phải là bí mật Nhà nước (Viện trưởng cũng đồng ý điểm này); Anh không phải là người phát ngôn của Viện; nhưng anh có quyền cung cấp thông tin cho báo chí và cơ quan an ninh điều tra vì anh là người TỐ GIÁC VỤ VIỆC TỚI CƠ QUAN CÔNG AN“.

Tuy nhiên rất nhiều nhà báo gọi điện, hẹn phỏng vấn, nhắn tin inbox đề nghị cung cấp thông tin nhưng tôi từ chối hết; giữ sự tôn trọng đối với yêu cầu của Chủ tịch Viện Hàn lâm.

Viện trưởng Nguyễn Tuấn Cường cũng nói Viện hoàn toàn tôn trọng quyền tự do cá nhân của cán bộ, và đề nghị tôi những gì là thông tin nội bộ thì là thông tin thuộc nội bộ. Tôi cũng nói luôn là tôi luôn tôn trọng các bước xử lý của lãnh đạo, nhưng những gì mà lãnh đạo thông tin không chính xác, hoặc thiếu, có ý giấu giếm đối với lãnh đạo cấp trên và anh em trong cơ quan hoặc với dư luận thì tôi vẫn tiếp tục lên tiếng.

Viện trưởng Nguyễn Tuấn Cường cũng đề nghị tôi tiếp tục có ý kiến tham mưu, tư vấn, góp ý đối với công tác giải quyết vụ việc mất sách. Và tôi cũng nhắc lại là nếu các góp ý của tôi được tiếp thu và nghiêm chỉnh thực hiện từ 2017, và nhất là từ 15/7/2022 thì sự việc không đến mức như thế này.

Vì vậy, tôi tiếp tục thông tin về vụ việc ĐẶC BIỆT NGHIÊM TRỌNG NÀY, đồng thời tôi cũng thông tin về bất cứ sự trù dập nào hoặc cản trở nào đối với việc tố giác của tôi, hoặc các công việc khác của tôi.

_____

Ghi chú: Những hình ảnh kèm theo trong bài này cho thấy tôi đã gửi đơn cho các Đại biểu Quốc hội và các ĐBQH đã chuyển đơn đề nghị vào cuộc từ ngày 5 và 6 tháng 1 năm 2023. Chứ không phải chờ đến ngày 16/2/2023 là sau cuộc gặp giữa Viện Hàn lâm với Viện Hán Nôm. Cuộc gặp diễn ra từ 09h00 đến 12h10 phút. Và ngay trong đầu giờ chiều cùng ngày, các nhân viên an ninh điều tra đã vào làm việc với Viện, và lúc đó chưa có một công văn nào của Viện Nghiên cứu Hán Nôm gửi đến cơ quan công an đề nghị họ vào cuộc.

N.X.D.

Nguồn: FB Nguyễn Xuân Diện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.