Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2023

Quy hoạch bô-xít ‘đè’ rừng phòng hộ

 


Quy hoạch bô-xít ‘đè’ rừng phòng hộ

Nguyễn Cảnh

TheLEADER– Hàng nghìn hecta ở Lâm Đồng được kiến nghị loại bỏ khỏi quy hoạch bô-xít do chồng lấn với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ cũng như ảnh hưởng tới các quy hoạch khác.

Qua rà soát, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng vừa kiến nghị Bộ Công thương và UBND tỉnh một số nội dung về quy hoạch khoáng sản bô-xít trên địa bàn. 

Cụ thể, sở đề nghị UBND tỉnh có ý kiến điều chỉnh đưa toàn bộ diện tích quy hoạch bô-xít khoảng 1.072 ha ra khỏi phạm vi TP. Bảo Lộc, vì diện tích thành phố quá nhỏ (khoảng 230 km2), nhằm không phá vỡ các quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.

TP. Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và huyện Di Linh là đô thị hạt nhân phía Nam của tỉnh và vùng phụ cận, phát triển tiệm cận tiêu chuẩn đô thị loại I (Quyết định 1848 của Thủ tướng ngày 27/12/2018). 

Một số dự án trọng điểm của tỉnh, huyện đã đang được triển khai, như dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, hồ, đập… liên quan đến nhiều lĩnh vực (chưa lập hồ sơ thủ tục về đất đai) nên chưa có ranh giới, diện tích cụ thể. 

Sở Công thương đề nghị các cơ quan thẩm quyền cần khảo sát, đánh giá thêm, không đưa vào thăm dò, cấp phép, khai thác, chế biến bô-xít ở các điểm trung tâm xã, thị trấn, khu dân cư tập trung, khu đô thị và một số dự án, để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. 

Đáng chú ý, theo các số liệu rà soát đối chiếu, quy hoạch bô-xít tác động đến khu vực qui hoạch đất ở nông thôn và các điểm dân cư nông thôn, nông thôn mới, giao thông, các công trình kinh tế xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến khu dân cư đông đúc và khu vực trung tâm của các huyện Bảo Lâm, Di Linh, TP. Bảo Lộc. 

Do đó, Sở đề nghị xem xét điều chỉnh giảm diện tích của 4 giấy phép thăm dò bô-xít là khoảng 2.370 ha (huyện Bảo Lâm là 1.860 ha, TP. Bảo Lộc khoảng 414 ha, huyện Di Linh khoảng 95 ha).

Bên cạnh đó, khu vực đã được cấp phép thăm dò khai thác quặng bô-xít chồng lấn đối tượng rừng tự nhiên (khoảng 2.400 ha). Cơ quan chức năng ngành công thương đề nghị xem xét điều chỉnh ra khỏi khỏi quy hoạch bô - xít, nhất là đối tượng rừng phòng hộ.

Như TheLEADER đã thông tin, đầu năm 2023, Bộ Công thương đề nghị các tỉnh (Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước): tiến hành rà soát hiện trạng ranh giới các dự án Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô-xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 (gọi tắt là Quy hoạch bô-xít 167) xác định cụ thể ranh giới, diện tích nhà ở dân sinh, dự án phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng cơ sở xây dựng không phép, sai phép, có phép chồng lấn ranh giới khoáng sản bô-xít.

Rà soát các dự án thăm dò bô-xít trên địa bàn cho thấy, Bộ Tài nguyên và môi trường đã cấp 4 giấy phép thăm dò (cho Công ty TNHH MTV Hóa chất cơ bản Miền Nam thuộc Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam) với tổng diện tích khoảng 20.257 ha (thuộc địa bàn TP. Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và huyện Di Linh). 

Đến nay tỉnh Lâm Đồng chưa chấp thuận chủ trương cho bất kỳ dự án phát triển dân cư trên diện tích thăm dò của 4 giấy phép trên.

Về quy hoạch rừng, khu vực đã được cấp phép thăm dò khai thác quặng bô-xít chồng lấn quy hoạch lâm nghiệp như sau: đối tượng rừng phòng hộ (diện tích 11 ha), rừng sản xuất (khoảng 4.900 ha) và phần còn lại là đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp (khoảng 16.250 ha).

Căn cứ Bản đồ kèm theo Quyết định 299 (năm 2015) về phê duyệt kết quả kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2014, thì khu vực đã được cấp phép thăm dò khai thác quặng bô-xít sẽ ảnh hưởng đến diện tích đất có rừng khoảng 4.460 ha (trong đó rừng tự nhiên khoảng 2.400 ha).

Theo Luật Lâm nghiệp 2017 và Luật Khoáng sản, hoạt động thăm dò khai thác khoáng sản không được phép thực hiện trên diện tích đất rừng phòng hộ. Ngoài ra, qua kiểm tra sơ bộ cho thấy các giấy phép đã được cấp phép thăm dò khai thác quặng bô-xít có chồng lấn lên khoảng 12 doanh nghiệp thuê đất thuê rừng để thực hiện dự án đầu tư, Sở Công thương cho biết.

Bên cạnh đó, theo chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh hiện nay là phải giữ vững vốn rừng hiện có, nhất là rừng tự nhiên, nếu thực hiện khai thác quặng bô-xít theo quy hoạch đã được cấp phép sẽ làm suy giảm một diện tích rất lớn đất có rừng…, Sở Công thương cảnh báo. 

N.C.

Nguồn: TheLeader

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.