Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long: Có khả thi và tin cậy không?
Phạm Phan Long
17-3-2023
Dẫn Nhập
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mênh mông vẫn có rất nhiều nước với rất nhiều công trình thủy lợi, nhưng dân vẫn khao khát nước sạch, chìm ngập trong nước bẩn, đói phù sa, dư phèn, thừa muối và khổ sở với ô nhiễm. Các chất thải lỏng, rắn và rác rưới sinh hoạt cứ thế cho xả hết vào nguồn nước không thể kiểm soát và xử lý. Không có một xã hội văn minh nào có thể để tệ trạng (tiểu tiện, đại tiện vào miệng giếng) này kéo dài mãi như thế được. Do đó một quy hoạch (QH) với tầm chiến lược quốc gia như thế vô cùng khẩn thiết, không ai không ước mong QH này đạt mục đích đến thành công. Những phân tích khả thi và khả tín nêu ra trong bài này không có gì vui, người viết ước mong những lo ngại ấy không xảy ra, hay giảm bớt để mang thêm một bát nước trong lành giải khát cho con cháu và thế hệ tương lai.
Giới thiệu: Quy hoạch tổng hợp Lưu vực sông Cửu Long [1]
Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long (QH) hay Mekong Delta Master Plan vừa được ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng phê duyệt vào ngày 6 tháng 3 2023, qua Quyết định 174/QĐ-TTg mang tên Quy hoạch tổng hợp Lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Báo cáo và Quyết định phê duyệt QH-Nguồn tham khảo [1,2] (Hình: Gov.vn và chinhphu.vn)
Người viết rất trân trọng với nỗ lực các chuyên gia đã đóng góp trí tuệ vào QH này và nhìn nhận nhiệm vụ này rất khó khăn. Chuyển đổi lộ trình và lịch trình, cho một con tàu đang đi lạc đã khó, huống chi cho con tàu to lớn như ĐBSCL cưu mang vận mạng của 18 triệu người. Người viết sẵn sàng đón nhận những quan điểm phản hồi khác biệt nhưng vẫn khách quan mổ xẻ và rà soát QH này với khả năng khiêm tốn của mình và trình bày sau đây:
QH này có mục đích bảo đảm an ninh tài nguyên nước “tôn trọng quy luật tự nhiên” và “lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi”, đây là một văn bản pháp quy về quyết sách bảo vệ an ninh nguồn nước, xử lý nước thải, kiểm soát ô nhiễm, bảo đảm chất lượng nước cho ĐBSCL. QH này là một bản tuyên ngôn, một khế ước long trọng với 18 triệu dân là trong 7 năm QH này sẽ giải quyết được 100% nhiều tệ trạng bi thảm hiện có. Với sứ mạng đó, nếu thành công, QH này sẽ là một kỳ tích ngoạn mục của lịch sử dân tộc. Nếu QH thực hiện manh mún, bỏ dở và thất bại, niềm tin và sản nghiệp của người dân sẽ bị nhấn chìm dưới cả đáy vực.
Thật vậy, đây là một canh bạc chơi hết vốn, QH này phân loại ĐBSCL thành ba vùng kinh tế nông nghiệp: Ngọt, Lợ và Mặn theo hình sau; một số rất lớn dân cư hai bên đường biên phân vùng sẽ phải chuyển đổi sinh kế để thích hợp với nó. Dựa vào những văn bản chính thức và các nguồn tin công khai về QH này hiện có trên mạng, ta có thể để đánh giá độ khả thi và khả tín của QH này trước những thách đố tiềm tàng sau đây:
Bản đồ phân vùng nước theo QH [1] (Hình: Gov.vn)
1. Chỉ tiêu quá tham vọng [1]
Quyết Định QH cam kết thực hiện các chỉ tiêu cơ bản sau đây:
- 100% vị trí giám sát dòng chảy xuyên biên giới được giám sát tự động, trực tuyến;
- 100% nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải;
- 100% công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước được giám sát vận hành và kết nối hệ thống theo quy định;
- 50% nguồn nước thuộc đối tượng lập hành lang bảo vệ nguồn nước được cắm mốc theo quy định;
- 100% nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn quốc gia trước khi xả vào nguồn nước, hệ thống thoát nước chung.
Tất cả các chỉ tiêu trên của QH này đều phải đạt chỉ tiêu 100% trừ việc cắm mốc nguồn nước 50%. Ngay từ mục này, người từng làm quy hoạch phải thấy QH này là một ”phi vụ nhiều rủi ro rất khó thành”. Không thể là chuyện nói chơi rồi vì QH ghi rõ như thế trong văn bản pháp quy và công bố rầm rộ liên tục trên các nguồn truyền thông báo chí chính thức. Khi thấy những hứa hẹn quá sức như thế, người dân vốn đã ái ngại vì những thất bại từ các QH quá khứ vẫn chưa hồi phục, dân sẽ không khỏi ngờ vực tính khả thi của QH này.
2. Ngân sách kinh phí quá thấp
Câu hỏi đầu tiên người Việt đặt ra là tiền đâu? Tính khả thi của QH này rất mong manh vì kinh phí đầu tư dành cho QH rất thấp. Theo trang 309 của QH, tổng mức đầu tư thực hiện QH được phê duyệt sẽ là 510 tỉ đồng (22 triệu USD) trong hình trên [1].
Kinh phí và lịch trình QH [ 1] (Hình: Gov.vn)
Văn phòng Việt Đức Nghiên cứu về phát triển bền vững tại Việt Nam ghi nhận ngày 21 tháng 6 2022, Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư ĐBSCL (Mekong Delta Regional Master Plan and Investment Promotion) có ngân sách tới năm 2025 là 20 tỉ USD hay 910 lần nhiều hơn [3].
Hôm sau ngày 22 tháng 6 2022, World Bank, nguồn cung cấp tài trợ vốn, cơ quan tài chính đáng tin cậy nhất, đã ước tính Quy hoạch trên cần kinh phí 57 tỉ USD hay 2590 lần nhiều hơn [4]; số vốn đầu tư kinh khủng này cao gần 10 lần ngân sách quốc phòng, và còn nhiều hơn cả ngân sách quốc gia. Dù phạm vi các quy hoach không giống nhau nhưng với ngân sách khác nhau cả ngàn lần dân phải hiểu làm sao?
Nếu lãnh đạo đã tin vào con số 22 triệu USD trong báo cáo QH mà phê duyệt tưởng sẽ đạt được 100% các chỉ tiêu phần 1 thì họ đã nuốt phải một cú lừa ngoạn mục. Nếu cho báo cáo QH này bị lỗi khi dịch hay viết sai, tổng mức đầu tư là con số khác lớn hơn khuất nấp ở nơi nào khác, giới giang hồ sẽ xem đây là một canh bạc bịp. Người dân không thể nào tin cậy vào số liệu kinh phí QH thấp như thế, nó còn phải giãn nở hơn nhiều. Người viết tin chắc kinh phí QH này đã đưa ra là con toán QH sai, và sai chưa từng có. QH lần này lại do chính ông Trần Hồng Hà, với chức vụ Bộ trưởng BTNMT từ 2016 đã tự đề nghị cho chính ông với chức vụ Phó Thủ tướng phê duyệt, do đó ông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm xem xét và trả lời một lần sòng phẳng với dân về QH này nếu không nói cho cả QH những năm trước.
3. Người dân đứng trước canh bạc hết vốn và cạn kiệt niềm tin
Ngay cả khi có đủ kinh phí, QH này chỉ thành công khi nào có một đội ngũ nhân sự chuyên môn tại tất cả địa phương từng giờ kiểm soát phẩm chất và phân bố lượng nguồn nước theo QH. Cho đến nay, qua nửa thế kỷ, sau bao nhiêu công trình QH thủy lợi, dân nhìn xuống dòng nước sinh hoạt khắp nơi, chỉ thấy ngày càng đen đậm, rác rưởi và hôi thối; đội ngũ tài nguyên môi trường và quy hoạch vẫn chưa thực hiện và duy trì được một dự án tầm vóc nào thanh lọc hết ô nhiễm và đảo ngược được suy thoái. Tính khả tín của QH này không nằm trong văn bản QH mà ở năng lực trình độ các cán bộ và quan chức hữu trách.
Trang 26 của QH là một bản tự kiểm thảo những công trình tai hại và đầu tư sai lầm không hề được phục hồi đã làm dân mất niềm tin:
“Vùng ven biển LVSCL đã xây dựng 450km đê biển, 1.290km đê sông và khoảng 7.000km bờ bao ven các kênh rạch nội đồng để ngăn mặn, triều cường và sóng bão cho vùng ven biển. Có thể nói do vốn và tiến độ không cho phép nên đầu tư còn thiếu tính đồng bộ, không tập trung, nên nhiều khu vực dự án chưa phát huy hiệu quả, thậm chí còn nảy sinh những tác động tiêu cực kéo dài, như hệ thống Bắc Bến Tre (trong đó có cống – đập Ba Lai), hệ thống Quản Lộ – Phụng Hiệp, hệ thống Nam Măng Thít.”
Lần này không thấy có biện pháp nào được mang vào QH để ngăn ngừa những bài học trên tái diễn. Do đó bước đầu QH phải chứng minh bằng các dự án thí điểm với thành quả thực tế để thuyết phục dân cư và gầy dựng lại niềm tin trước khi tiến hành toàn bộ QH. Đầu tư vào năng lực cán bộ và gây dựng niềm tin dân hiện là những yếu tố then chốt còn thiếu vắng trong QH này.
Thật vậy, hiện tượng trái ngược với QH đang diễn ra ngay trên đồng bằng sông Cửu Long đã được báo Tuổi trẻ báo động và lan tỏa trên mạng xã hội [5].
“Bây giờ sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL rất quái lạ: ngành thuỷ lợi lấy hàng ngàn tỷ đồng để ráng làm các cống đập ngăn mặn vùng ven biển để… trồng lúa dù nước ngọt rất khan hiếm. Trong khi vùng Đồng Tháp Mười, nước ngọt quanh năm thì nông dân đào ao, hút nước mặn dưới đất lên để… nuôi tôm!
Ngành nông nghiệp và tài nguyên môi trường chỉ biết lập biên bản và xử phạt, rồi cứ để tình trạng tiếp tục mở rộng thôi sao?”
Vẫn cứ nuôi tôm giữa vùng nước ngọt [5] (Hình: TuoiTre.vn)
Không chỉ thế thôi, theo báo Nông nghiệp VN [6], hiện giờ dân đã rơi vào đáy thung lũng tuyệt vọng và cạn kiệt niềm tin, họ cào vét luôn lớp đất màu mỡ có trên ruộng đem bán đi [6] để sống tạm hiện tại, bất kể tuyệt lộ chờ họ ngay trước mắt.
“Sau khi thu hoạch lúa đông xuân, nhiều nông dân ở tỉnh Vĩnh Long thuê máy xới, máy cày cào xới lớp đất mặt ruộng lúa để bán. Ghi nhận của Báo NNVN, thực trạng này diễn ra ở nhiều nơi như: xã Song Phú, Phú Lộc, Mỹ Lộc huyện Tam Bình; xã Phú Đức, huyện Long Hồ và xã Mỹ An, huyện Mang Thít…
Những ngày này, phong trào diễn ra rầm rộ hơn cả. Chạy theo con đường từ Khu đô thị mới Song Phú (huyện Tam Bình) về chợ Cái Ngang (xã Mỹ Lộc) huyện Tam Bình sẽ thấy nhiều núi đất khổng lồ do người dân thuê máy cày, máy xới cào xới và xe tải chở từ ruộng vào chất đống dự trữ. Còn riêng tại xã Mỹ An trên đường tỉnh 909 cũng có việc nhiều người cặm cụi xúc từng cục đất bỏ vào bao, sau đó sẽ có xe chở thu gom về điểm tập kết ven lộ.”
Cạo vét lớp đất trên mặt ruộng bán để sống [6] (Hình: nongnghiep.vn)
Sau nửa thế kỷ qua người dân ĐBSCL đã gánh chịu những tệ hại từ các công trình cải tạo thủy lợi thành thủy hại, việc đóng cổng ngăn sông để ô nhiễm tích tụ không xử lý và xả nước thải vào dòng không kiểm soát đã để cho tài nguyên và môi sinh ngày càng suy thoái. Thậm chí trẻ con lớn lên không biết bơi vì nước sông hồ quá dơ bẩn và làm chúng ngứa ngáy. Niềm tin vào các quy hoạch không còn mà thay vào là nỗi ngờ vực và tương lai bấp bênh.
Tại sao người dân phải có những hành động thách thức luật pháp và tự sát như thế. Chỉ có thể hiểu người dân không tin vào QH, không tin khi phân vùng xong thì nguồn nước các nơi sẽ ngoan ngoãn ngọt mặn mà hiện ra theo. Chưa kể QH này khiến người dân phải đem cả sản nghiệp và mồ hôi của họ phiêu lưu vào một canh bạc chuyển đổi sinh kế làm họ có thể mất tất cả và thêm gánh nợ nần không vực lại được. Nếu chuyển ruộng thành ao mà không có nước lợ tôm họ sẽ chết, nếu đổi tôm trồng lúa mà thiếu nước ngọt lúa họ sẽ lép. Không thể kéo dài tệ trạng để việc trở thành khó vạn lần rồi đem giao cho dân liệu. Giải pháp và quy định có cả rừng, nhưng khi cán bộ muốn làm còn phải nhìn quanh vì “lòng còn ngại núi e sông.” Hậu thuẫn pháp luật và quyết tâm chính trị phải được cơ chế hóa cho cán bộ thi hành QH.
4. Quỹ Bảo hiểm Mekong cho người dân
Sự e ngại của người dân cần phải giải tỏa bằng một khế ước bảo hiểm. Một Quỹ Bảo hiểm Mekong song hành với QH, bảo đảm lợi nhuận tối thiểu và đền bù 100% thiệt hại cả vốn lẫn nợ cho dân ở những vùng QH không thành, mà không phải qua thủ tục xin cho; ví dụ như phẩm chất nước không đúng và lượng nước không đủ cho họ canh tác vì đó không phải lỗi của họ.
Kết luận
ĐBSCL mênh mông vẫn có rất nhiều nước với rất nhiều công trình thủy lợi, nhưng dân vẫn khao khát nước sạch, chìm ngập trong nước bẩn, đói phù sa, thừa muối và khổ sở với ô nhiễm. Các chất thải lỏng, rắn và rác rưới sinh hoạt cứ thế cho xả hết vào nguồn nước không thể kiểm soát và xử lý. Không có một xã hội văn minh nào có thể để tệ trạng (ỉa đái vào miệng giếng) này kéo dài mãi như thế được. Do đó một QH ở tầm chiến lược quốc gia vô cùng khẩn thiết, không ai không ước mong QH này đạt mục đích đến thành công. Những phân tích khả thi và khả tín nêu ra trong bài không có gì vui nhưng bất cứ lo ngại nào nêu ra trên đây nếu không xảy ra hay giảm bớt tránh né được, người viết ước mong chúng sẽ biến thành những con tôm, hạt gạo hay bát nước trong lành giải khát cho con cháu mình và thế hệ tương lai.
California 17 tháng 3 2023.
Về tác giả:
KS Phạm Phan Long, P.E.
Chairman, Viet Ecology Foundation
Principal, Moraes/Pham and Associates, Carlsbad, California
Principal, Advanced Technologies Consultants, Inc.
Air Quality Engineer, South Coast Air Quality Management District, California
Thiết kế hệ thống giải nhiệt cho dự án hạ tầng Thế kỷ GWR Advanced Water Treatment Plant
Cố vấn trưởng dự án công nghệ cao cho ASML, Abbot Lab, Genentech, ST Microelectronics, Kaiser Permanente, Solar Turbines, Hughes Research Laboratory, OCWD, UCSD, IVC, RCC, SBC Colleges.
Highest Value Saving Award, Hughes Aircraft Company
Engineer of the Year, AIPE, San Diego, California
Industrial Water Conservation Award, San Diego County Water Authority
Facilities Management Excellence Award, AIPE, USA
Nguồn tham khảo
[2] https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2023/3/174-ttg.signed.pdf
[3] https://www.vd-office.org/en/master-plan-for-mekong-delta-in-2021-2030-announced/
[5] https://tuoitre.vn/nuoi-tom-o-ron-nuoc-ngot-dong-thap-muoi-20230304093717519.htm
[6] https://nongnghiep.vn/ban-dat-mat-ruong-tran-lan-o-vinh-long-d345383.html
P.P.L.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.