Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2023

Thời hạn sở hữu chung cư, đừng đẩy khó về dân

 

Thời hạn sở hữu chung cư, đừng đẩy khó về dân

Tiến Long

Mục tiêu của chính sách 

Bộ Xây dựng hiểu mục tiêu của chính sách mà mình đang soạn thảo là gì: Tước đoạt tài sản của dân ở những khu chung cư xuống cấp hay Bảo đảm an toàn cho các cư dân trong những khu nhà ấy? 

Nếu muốn tránh nguy cơ đe dọa tính mạng người dân trong những khu căn hộ xuống cấp thì nhà nước có rất nhiều công cụ để thi hành. Nếu muốn tước đoạt tài sản của những người dân đã khó khăn đến đường cùng, phải ở trong những căn nhà không còn an toàn, thì chỉ khi từ bỏ tính chính danh của nhà nước mới mong làm được. 

Hệ thống báo Đoàn chịu khá nhiều áp lực thông qua dạng gửi gắm, "ủng hộ ông anh Bộ trưởng", nhưng tòa soạn Tuổi Trẻ vẫn như truyền thống, luôn có những người hiểu biết pháp luật, đặc biệt là dân luật, và đủ chính trực để nêu ý kiến.

Huy Đức – FB Trương Huy San

Việc đề xuất quy định chủ sở hữu chung cư phải chấm dứt quyền sở hữu khi nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ không chỉ không gỡ được vướng mắc về di dời người dân ra khỏi chung cư xuống cấp mà còn áp mệnh lệnh hành chính can thiệp quyền sở hữu của dân.

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó quy định về quyền sở hữu nhà chung cư đang gây nhiều ý kiến trái chiều.

clip_image002

Hiện nay nhiều chung cư tại TP.HCM, Hà Nội được đánh giá xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa di dời được người dân ra vì nhiều vướng mắc. Trong ảnh: Chung cư 440 Trần Hưng Đạo (TP.HCM) đã xuống cấp trầm trọng buộc chính quyền phải vận động người dân di dời ra khỏi chung cư để đảm bảo an toàn - Ảnh: Đ.T.

Hiện nay tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội có nhiều chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí cấp độ nguy hiểm mức cấp D nhưng người dân không chịu di dời, gây khó khăn cho cải tạo, xây mới khi nhà chung cư hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn.

Có thể hiểu, cơ quan soạn thảo dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) muốn đưa ra giải pháp quy định "khống chế" quyền sở hữu gắn với thời hạn sử dụng nhà chung cư để "phá băng" những khó khăn khi chung cư xuống cấpnghiêm trọng.

Tuy nhiên, giải pháp này gây khó cho người dân, vì vậy sẽ rất dễ gặp phản ứng khi nhà nước can thiệp hành chính vào quyền sở hữu hợp pháp của người dân.

Giải pháp nào hiệu quả hơn sẽ được trả lời khi phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc trong chương trình di dời, cải tạo, xây mới chung cư cũ.

Thực tế, những vướng mắc hiện nay trong cải tạo, xây dựng mới chung cư xuất phát chính từ việc không tách bạch việc di dời người dân và việc lựa chọn nhà đầu tư cải tạo, xây mới chung cư.

Các quy định trong Luật Nhà ở, và nghị định 69 năm 2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (trước đó là nghị định 101 năm 2015), gắn việc di dời người dân ra khỏi chung cư nguy hiểm phải gắn chặt với việc lựa chọn được chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng mới sau khi đã di dời người dân.

Có nghĩa là, dù chung cư được đánh giá xuống cấp nghiêm trọng nhưng phải chọn được chủ đầu tư (bằng các cách như người dân chọn, nhà nước đứng ra tìm hoặc đứng ra làm) mới có phương án bồi thường, di dời người dân ra. Đồng nghĩa, nếu không tìm được nhà đầu tư sẽ không di dời được người dân ra khỏi chung cư.

Để giải quyết vướng mắc này, cơ quan quản lý chỉ cần tách bạch việc di dời người dân và lựa chọn chủ đầu tư. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu gợi ý, cơ quan nhà nước cần quy định cụ thể chức năng, thời gian cơ quan chức năng tiến hành thẩm định chất lượng công trình chung cư.

Cùng với đó, quy định thời gian bắt buộc người dân phải di dời ra khỏi chung cư khi được đánh giá xuống cấp nghiêm trọng, không còn khả năng sử dụng (nếu không di dời sẽ bị cưỡng chế).

Ví dụ, khi một chung cư được đánh giá xuống cấp nghiêm trọng, cơ quan nhà nước phát thông báo cho người dân trong tòa nhà phải di dời ra khỏi chung cư trong vòng 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng…

Trong thời gian đó, cư dân có quyền lựa chọn chủ đầu tư cải tạo, xây dựng mới chung cư để có phương án di dời, bồi thường hoặc thương lượng cùng góp vốn làm. Nếu đến hạn di dời, cư dân chưa chọn được chủ đầu tư, họ phải di dời ra khỏi chung cư.

Cư dân tự bố trí nơi ở mới nhưng quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất đối với chung cư vẫn giữ nguyên và họ có quyền tiếp tục bàn việc tìm chủ đầu tư mới cho khu đất. Nhà nước cũng không cần quá lo lắng về việc tự sắp xếp chỗ ở cho người dân, bởi áp lực từ việc tìm nhà cũng giúp tiến trình đàm phán của doanh nghiệp "dễ thở" hơn với những người dân cố tình đòi hỏi cao.

Nhà nước nếu có tham gia chỉ tham gia ở việc giới thiệu nhà đầu tư, hoặc để công ty nhà nước xây dựng một phương án di dời, xây dựng mới để người dân lựa chọn (đặt ngang với phương án của các doanh nghiệp tư nhân).

Quy định như vậy sẽ xác định rõ vai trò chính của nhà nước là đảm bảo an toàn tính mạng, của cải cho người dân khi chung cư có nguy cơ đổ sập. Nhà nước có công cụ mạnh để cưỡng chế ra khỏi chung cư nếu họ không chấp hành. Còn việc khó tìm chủ đầu tư, đừng đổ cái khó đó bằng cách tước quyền sở hữu của người dân.

Quy định rõ việc xử lý phần nhà nước sở hữu khi chung cư xuống cấp

Một khó khăn nữa hiện nay của việc di dời, cải tạo, xây dựng mới chung cư là khó xử lý phần sở hữu nhà nước (căn hộ, không gian chung).

Theo quy định, tài sản công phải đấu giá, nhưng nếu một chủ đầu tư đã thương lượng nhận chuyển nhượng hết phần căn hộ của người dân, đến phần căn hộ (không gian chung) của nhà nước lại phải đấu giá (có khi bên trúng đấu giá là doanh nghiệp khác) sẽ rất khó để làm dự án.

Do vậy, cần quy định lại việc xử lý phần tài sản công trong chung cư xuống cấp để gỡ vướng mắc này.

T.L.

Đọc thêm:

'Quyền sở hữu chung cư, không thể xóa bằng một quyết định hành chính'

Nguồn: Tuoitre.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.