Lập pháp ở Việt Nam cần cải tổ?
Hà Nguyên
(VNTB) – ‘Tay nghề’ của những nhà lập pháp ở Quốc hội có vấn đề.
Lập pháp là một trong ba chức năng của nhà nước, cùng với quyền hành pháp và quyền tư pháp hợp thành quyền lực nhà nước.
Lập pháp, hiểu theo nghĩa rộng, trong mối quan hệ với quyền lực nhà nước, bao gồm vừa làm hiến pháp và sửa đổi hiến pháp, vừa làm luật và sửa đổi luật, nhưng xét trong khuôn khổ, phạm vi của ngành luật hiến pháp, tức hiểu theo nghĩa hẹp thì quyền lập pháp chỉ bao gồm “làm luật và sửa đổi luật”, còn làm hiến pháp và sửa đổi hiến pháp thuộc quyền lập hiến.
Từ cách hiểu trên cho thấy rất cần thực thi quyền lập pháp trong các vấn đề về y tế hiện nay.
Một cựu phó giám đốc phụ trách ngành dược của Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận rằng đang có xu hướng hình sự hóa đối với nhiều phần việc chuyên môn của nhân viên y tế.
“Nhiều bác sĩ tâm sự với tôi, khi dịch bệnh lên đến đỉnh điểm ở TP.HCM, họ đã theo lệnh, xây dựng các bệnh viện dã chiến với tài sản duy nhất là một tờ A4 – quyết định thành lập bệnh viện. Họ phải nghĩ cách tự thân vận động, bươn chải để trang bị đầy đủ phương tiện cần thiết nhằm cứu chữa bệnh nhân.
Nhưng khi dịch bệnh được đẩy lùi, nhiều người liên tục phải giải trình với các cấp thẩm quyền về việc tại sao lại làm thế này, thế kia và thường bị áp đặt những động cơ đen tối.
Hoàn cảnh này tạo thành nỗi sợ lan rộng trong y giới, dẫn đến hàng loạt hệ luỵ trong đó nghiêm trọng nhất là tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế cho các bệnh viện công lập. Nguyên nhân do tâm lý sợ sai, sợ bị xử lý cả hành chính lẫn hình sự của những người phụ trách mua sắm.
Giám sát kiểm tra là việc phải làm, vấn đề là làm thế nào để xử lý đúng đối tượng tiêu cực, song song với việc bồi dưỡng, gây dựng lại ngành sau cơn bão đại dịch. Chúng ta đang thiếu trầm trọng những cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề đặc biệt phù hợp với bối cảnh đặc biệt của nó” – vị cựu phó giám đốc kể trên của Sở Y tế TP.HCM, cho hay như vậy.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận vấn đề y tế có nhiều bất cập, do quá trình thực hiện không tốt và do quy định của các văn bản dưới luật. “Vừa qua chúng ta phải giải quyết từng việc bằng từng nghị quyết, rất phức tạp, mất công mà không đáp ứng được, ai cũng sợ”, ông Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận.
Vậy thì luật hóa các văn bản sao cho đáp ứng, đó là trách nhiệm của các nhà lập pháp, và điều này cho thấy cho đến hiện tại vẫn chưa cụ thể những địa chỉ nào về “lập pháp” chịu trách nhiệm cho các vấn đề này.
Ở đây sở dĩ cần nhấn mạnh vai trò của nhà lập pháp, vì đơn cử như tháng 8-2022, cả nước tưởng đã đỡ lo khi Trung tâm Đấu thầu Mua sắm tập trung Quốc gia (Bộ Y tế) hoàn tất ba gói thầu mua sắm thuốc năm 2022 – 2023 cho ba miền Bắc, Trung, Nam. Tổng giá trị ba gói thầu lên tới gần 6.300 tỉ đồng.
Thở phào, bởi gói thầu này đã chậm hơn tám tháng so với thời hạn, và việc thiếu thuốc thời điểm đó như vậy là do chưa đấu thầu quốc gia xong.
Nhưng đấu thầu xong rồi, công bố rồi, thuốc vẫn thiếu cho đến tận hôm nay.
Hồi cuối năm ngoái, Trung tâm Đấu thầu Mua sắm tập trung Quốc gia đã có báo cáo cho biết trong số 67 mặt hàng trúng thầu, chỉ có 43 mặt hàng (64%) có thuốc để cung ứng theo dự trù của bệnh viện. Có 15/67 mặt hàng (22%) có số lượng tồn kho thấp không đủ cung ứng, và 9/67 mặt hàng (13%) chưa có thuốc để cung ứng cho cơ sở y tế.
Như vậy nếu tính từ tháng 11-2021 khi gói thầu cũ hết hạn, chuẩn bị cho gói mới 2022-2023 này đến nay đã hơn một năm. Trong hơn một năm qua, thuốc thiếu tơi bời, vật tư y tế thiếu tơi bời…; và những nhà lập pháp thì vẫn thờ ơ trước hàng loạt “kiến nghị đầy kiên nhẫn” từ các bệnh viện trong cuộc khủng hoảng y tế hậu dịch giã Covid-19.
Nhìn rộng hơn, nhà lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam cần đảm bảo tính có thể dự báo, tính nhất quán và ổn định của chính sách – là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành môi trường vĩ mô tốt.
Niềm tin dù là vô hình nhưng là tài sản quan trọng nhất mà chính quyền có từ người dân. Và làm chính sách, điều hành chính sách để dân tin, dân theo trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay, càng là yếu tố phải đặt lên hàng đầu.
H.N.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.