Ai bảo kê cho Hà Văn Phúc, giám đốc Sở Y tế Kiên Giang?
Thu Hà
16-3-2023
Đại án test kit Việt Á với số tiền đưa hối lộ khủng, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố 29 vụ với 102 bị can, phong toả được 1670 tỷ đồng. Tuy nhiên, còn một số “sâu bự” ăn không chừa bất cứ thứ gì, vì được nhiều thế lực bảo kê, vẫn chưa bị khởi tố điều tra, như Ngô Thị Kim Yến, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cựu giám đốc Sở Y tế hoặc Hà Văn Phúc, giám đốc Sở Y tế Kiên Giang.
Y tá làng quê lột xác thành Tiến sĩ Y khoa
Hà Văn Phúc sinh năm 1967, quê Vĩnh Thuận, Kiên Giang, vào đảng năm 1996. Trước khi bị kỷ luật hạ cánh, Hà Văn Phúc là Tỉnh uỷ viên, Bí thư đảng uỷ, giám đốc Sở Y tế, đại biểu HĐND tỉnh Kiên Giang ba khoá (2011-2016, 2016-2021, 2021-2026).
Hà Văn Phúc xuất thân từ một Y tá miệt vườn tại Trạm Y tế xã, rồi xin một chân sai vặt tại Khoa Cấp cứu bệnh viện huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, để được giới thiệu đi học “chuyên tu” bác sĩ tại đại học Y Cần Thơ. Dân mình có câu, “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”, sau khi có bằng chuyên tu, Phúc đã bò lên để có được học vị Tiến sĩ y khoa, Cao cấp Chính trị, Thầy thuốc ưu tú… rồi len vào guồng máy lãnh đạo.
Chừng đó thôi, đủ để thấy tại sao dàn đảng viên cao cấp trong các bộ ban ngành ở Trung ương, cho đến lãnh đạo các địa phương, đều nhan nhãn học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ, học hàm Giáo sư, Phó giáo sư, dù chẳng có công trình nghiên cứu, sáng tạo nào giúp cho đời.
Trở lại câu chuyện Hà Văn Phúc. Năm 2004, lúc ông Phúc leo lên được ghế Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, Thanh tra huyện Vĩnh Thuận phát hiện hàng loạt sai phạm trong vấn đề quản lý đất công ở xã Vĩnh Bình Nam. Trong đó, giám đốc Phúc cũng xí phần nhiều diện tích đất công một cách phi pháp. Dù thanh tra phát hiện sai phạm, nhưng ông Phúc chỉ bị khiển trách về mặt Đảng.
Năm 2013, Hà Văn Phúc nắm giữ vị trí Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Tại đây, ông Phúc cùng cán bộ BV Đa khoa huyện Vĩnh Thuận xà xẻo ngân sách hơn 8 tỷ đồng. Vụ việc nghiêm trọng nên tháng 9-2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC46) Công an Kiên Giang đã khởi tố vụ án, điều tra làm rõ sai phạm của các cá nhân liên quan. Có 7 cán bộ của BV bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra, nhưng ông Phúc thoát nạn. Theo đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra huyện ủy Vĩnh Thuận, Đảng ủy và Ban Giám đốc Sở Y tế chỉ họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với ông Phúc.
Mặc dù sai phạm có hệ thống như vậy, nhưng Hà Văn Phúc vẫn tiến thân như diều gặp gió. Năm 2010, Hà Văn Phúc đã là Thầy thuốc ưu tú, Phó bí thư đảng uỷ, Phó giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Kiên Giang. Chưa hết, ông Phúc còn nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Huân chương lao động hạng 3…
Năm 2015, Dự án BV Đa khoa tỉnh Kiên Giang khởi công xây dựng, tổng mức đầu tư dự án là 3000 tỉ đồng, với quy mô 1200 giường bệnh, do Sở Y tế Kiên Giang làm chủ đầu tư. Ngày lễ khởi công, có mặt cả hai ông quê Kiên Giang là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh về dự.
Dự án này do Hà Văn Phúc theo dõi, phụ trách. Có quá nhiều lùm xùm, nhiều nhà thầu gửi đơn tố cáo rằng chủ đầu tư là Sở Y tế đã có nhiều hoạt động “mờ ám, khuất tất” vi phạm luật Đấu thầu, có thể gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Ngày 17-10-2019, Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, có ý kiến chỉ đạo làm rõ các dấu hiệu vi phạm trong công tác đấu thầu tại dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang. Nhưng thay vì phải dừng lại để kiểm tra, thì chủ đầu tư là Sở Y tế kiên Giang lại gấp rút… chốt thầu. Mọi thứ rồi cũng lờ luôn.
Tháng 12-2020, tỉnh Kiên Giang khánh thành Bệnh viện Sản Nhi lớn nhất khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, với số vốn đầu tư lên đến 915 tỷ đồng. Có quyền lực trong tay, Hà Văn Phúc bố trí vợ ông ta là bà Lại Thị Ngọc Điệp ngồi vào ghế Phó giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Kiên Giang.
Ngày 8-5-2021, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang khánh thành. Có điều dự toán ban đầu là 2929 tỷ, đã bị Hà Văn Phúc đẩy lên với tổng kinh phí 4200 tỷ đồng.
Tháng 4-2022, trong Kết luận Thanh tra, Thanh tra tỉnh Kiên Giang đã chỉ ra nhiều sai phạm của Sở Y tế, có đề cập đến sai phạm mua hóa chất, sinh phẩm kit xét nghiệm Covid-19 của tỉnh Kiên Giang, đều do Sở Y tế và CDC Kiên Giang ký hợp đồng mua sắm với Công ty Việt Á, tổng cộng 4 gói thầu giá rất cao, tới gần 60 tỷ đồng.
Theo dư luận Kiên Giang, số tiền mà ông Phúc kiếm được từ các dự án xây dựng bệnh viện, đấu thầu mua sắm vật tư y tế, mua bán “ghế” trong ngành và hoa hồng từ Việt Á, sẽ không dưới vài trăm tỷ đồng. Vì vậy, các “đại ca” muốn bao che cũng chịu, không che chắn nổi.
Tháng 8-2022, Tỉnh uỷ Kiên Giang công bố quyết định kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng đối với Giám đốc Hà Văn Phúc và Ban Chấp hành Trung ương đảng cũng đã ra văn bản vào tháng 2-2023.
Sau đó, Tỉnh uỷ thống nhất cho ông Phúc thôi các chức vụ trong đảng và chính quyền, cũng như sẽ họp Hội đồng nhân dân tỉnh để làm quy trình cho Phúc thôi Ủy viên UBND tỉnh, thôi chức giám đốc Sở Y tế, thôi đại biểu HĐND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2021 – 2026. Tuy nhiên, vì lý do “tế nhị” nên mọi việc “treo” mãi.
Chiều 13-3-2023, HĐND tỉnh Kiên Giang mới tổ chức kỳ họp thứ 15 để làm quy trình miễn nhiệm đại biểu HĐND, miễn nhiệm uỷ viên UBND tỉnh đối với ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế.
Tại sao phải đến ngày 13-3 mới họp?
Sở dĩ mọi hình thức kỷ luật phải tạm hoãn là vì, ngày 12-3-2023 vợ chồng ông Phúc tổ chức lễ thành hôn cho con trai là Hà Minh Phương. Thì ra đảng bộ Kiên Giang rất “nhân văn” với đồng đảng của họ. Việc hoãn bãi miễn mọi chức vụ của Hà Văn Phúc, nhằm giúp ông ta “vét cú chót” phong bì từ quan khách, hầu hết là cán bộ quan chức lắm tiền trong ngành Y tế và các cơ quan liên quan.
Đến giờ này Hà Văn Phúc đã hạ cánh an toàn. “Vinh quang thuộc về đảng” cộng sản, lãnh đạo đảng bộ và chính quyền tỉnh Kiên Giang, đã bảo kê cho tay y tá miệt vườn thăng tiến, thành đạt và dồi dào bổng lộc cho đến hơi thở cuối cùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.