Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Tranh luận tổng thống: Ai thắng, ai thua?

 

Tranh luận tổng thống: Ai thắng, ai thua?

Nhã Duy

30-9-2020

Hình ảnh tranh luận đêm quan giữa hai ứng viên Trump – Biden. Nguồn: SAUL LOEB / AFP

Nếu nước Mỹ còn sót lại chút danh dự, thanh danh và quyền lực rệu rã nào đó của một quốc gia từng được xem là siêu cường số một trong mắt thế giới, thì cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa tổng thống Donald Trump và cựu phó tổng thống Joe Biden đêm thứ Ba vừa qua, đã giật sập tất cả. Có thể là nụ cười hả hê, thương hại hay bỡn cợt về nước Mỹ; còn với người dân Mỹ, nó là một sự xấu hổ cho những ai còn chút lương tri và lý trí để đánh giá và nhìn nhận.

Gần bốn năm qua, tổng thống Donald Trump đã cho thế giới và người dân Mỹ thấy được nhân cách một người đứng đầu quốc gia như thế nào. Nhưng chân dung của một tổng thống trong vai người tranh luận đêm qua đã phô bày tất cả hiện trạng nước Mỹ: Hỗn loạn, thô bạo, bất chấp luật lệ và đầy dối trá.

Ba phần tư người theo dõi cuộc tranh luận cho biết, họ xem để biết ứng viên mà mình ủng hộ sẽ tranh luận thế nào và chỉ 6% cho biết, họ theo dõi cuộc tranh luận để quyết định lá phiếu còn phân vân do dự của mình, theo một thăm dò của CBS. Dù với lý do gì, có lẽ cũng ít ai ngờ được họ sẽ phải chứng kiến một cuộc tranh luận tổng thống chưa bao giờ tệ hại và tạo ra nhiều trạng thái cảm xúc cho người xem đến vậy.

Người dân mong đợi, ít ra trước mặt công chúng và tất nhiên cả thế giới, cuộc tranh luận giữa một tổng thống và người có khả năng trở thành tổng thống Hiệp Chúng quốc Hoa Kỳ sắp tới, sẽ biện luận các vấn đề quốc gia trong tư cách và phong cách những người đứng đầu quốc gia, nhưng họ đã thất vọng. Bởi cuộc tranh luận đã trở thành cuộc tranh cãi nảy lửa, tấn công, cắt lời, mạt sát không nhân nhượng ngay từ những phút đầu tiên.

Và những ai theo dõi cuộc tranh luận ắt cũng thấy được: Donald Trump là người đã cố tình đưa cuộc tranh luận vào sự hỗn loạn này. Như chính ông đã đưa nước Mỹ đến tình trạng báo động hiện nay.

Chris Wallace, ký giả kỳ cựu của Fox News cho biết trước cuộc tranh luận rằng, ông sẽ cố là một điều hợp viên “vô hình” trong vai trò dẫn dắt cuộc tranh luận để người xem chỉ nghe và thấy rõ chân dung của hai ứng viên. Nhưng Wallace không thể làm người vô hình, ông đã phải vất vả cắt lời Trump, nhắc nhở luật lệ cuộc tranh luận đã được cả hai ban tranh cử đồng ý. Rồi lại tái nhắc nhở. Suốt gần 100 phút đồng hồ.

Bởi Trump liên tục phá luật, cắt lời Biden, cắt lời người điều hợp, chưa đợi đối phương kết thúc hai phút trình bày của mình. Hơn 70 lần, theo các đài truyền hình thống kê. Ngay từ đầu và tái diễn nhiều lần đến độ Wallace phải lặp lại đôi lần: “Thưa tổng thống, tôi là người điều hợp, xin ngài để tôi hỏi rồi hẳn trả lời“. Và cũng chính Trump cũng tự nhận ra khi nói rằng: “Tôi đến đây để tranh luận với anh ta (Biden) chứ không phải với ông“, để tự ngừng việc muốn tranh luận cả với điều hợp viên.

Có thể là sự hung dữ, lỗ mãng thường lệ hay bởi vì là một “chiến binh”, như lời con trai ông là Eric Trump giải thích về thái độ cha mình ngay sau cuộc tranh luận, là điều đang được người ủng hộ Trump tung hê, thích thú ngoài kia. Nhưng cũng có thể đó là chiến thuật đầy tính toán nhằm cắt ngang mạch suy nghĩ của Biden, đặc biệt với những điều quan trọng mà Biden đang hay muốn trình bày nhằm lái sang chuyện khác khi bị hỏi về những điều Trump muốn né tránh.

Chính vì vậy người xem dường như chẳng nghe được gì nhiều, những thông tin, chính sách, đường hướng, giải pháp cho cuộc khủng hoảng quốc gia, từ chủ đề Tối cao Pháp viện, đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế, sự bất ổn xã hội… Bởi những điều Trump nói là lặp lại những lời đầy dối trá mà người dân đã biết, đã từng nghe ông bao biện. Và Biden thì không có cơ hội để trình bày trọn vẹn những điều cần nói, do thái độ này của Trump.

Câu chuyện thời sự về hồ sơ thuế thu nhập mà báo New York Times công bố cuối tuần qua được nhiều người mong đợi câu trả lời từ Trump, cũng đã được Chris Wallace đặt ra. Không trả lời thẳng câu hỏi của Wallace và cũng không lên án New York Times là “fake news” như thường lệ, Trump lập lờ rằng, ông ta có đóng “hàng triệu đô la”.

Rồi Trump nói thêm: “Đó là (theo) luật lệ thuế vụ. Tôi không muốn trả thuế. Trước khi ở vị trí này, tôi là chủ tư nhân, là người kinh doanh tư nhân. Như mọi người tư nhân khác, trừ khi là đồ ngu, còn thì họ cứ làm theo luật mà thôi. Và nó là vậy“.

Vâng! Chính Trump đã một lần nữa tự thú nhận trước người dân, chỉ có “kẻ ngu” mới không lách luật, né thuế trong vai trò người đứng đầu quốc gia đang hô hào “luật pháp và trật tự”. Nó cho lý do để những kẻ ngoài kia hãnh diện về sự gian manh, tham lam của mình.

Nhưng hơn hết, Trump né tránh khi được hỏi về việc có sẵn sàng lên án những nhóm da trắng tối thượng cực hữu hay không, cũng như không cam kết sẽ chuyển giao quyền lực trong ôn hòa nếu thua cuộc. Bị Joe Biden thách thức lên án “Proud Boys”, một nhóm bị xem là nhóm thù hận, đã gây ra các cuộc đụng độ với người biểu tình tại Porland thì Trump chỉ nói “Proud Boys, lui lại và phòng bị” (Stand back and stand by). Nếu hiểu theo ngôn ngữ “chiến binh” của Trump thì đó là lời hiệu triệu “lui binh và trực chiến”.

Trực chiến sẵn sàng bảo vệ tổng thống và những người da trắng mang tinh thần thượng đẳng, kỳ thị và bài ngoại? Nó là cơ hội cho những kẻ da màu đang còn ủng hộ Trump thấy được họ không thuộc con thuyền của những kẻ thượng đẳng muốn tấn công bất cứ màu da nào khác mình. Nếu như họ còn đôi chút lý trí hay cảm nhận thông thường để hiểu và nhận biết điều này.

Dù điềm tĩnh và mạch lạc, đôi lúc sự tấn công của Trump cũng có làm Biden mất tự chủ, cuốn vào cảm xúc, như khi ông đang giận dữ nói về việc Trump sỉ nhục quân đội, rồi xúc động nhắc về người con trai đã qua đời cũng từng tham gia quân đội của mình. Và ông bị Trump lái sang tấn công cá nhân Hunter Biden, con trai ông để né câu chuyện.

Nhưng điều này cũng là cơ hội để Biden vô tình chứng tỏ tư chất một người lãnh đạo. Một cách chân thật và rất người. Như lòng thương cảm, sẻ chia đến những gia đình đã mất mát người thân vì Covid-19, không còn cơ hội hiện diện trong bữa cơm gia đình mà ông bày tỏ trước đó. Như cảnh vợ chồng ông ôm nhau đầy xúc động sau cuộc tranh luận.

Nhìn thẳng như bộc bạch cùng người dân đang theo dõi, ông nói: “Con trai tôi như nhiều người ngoài kia đã có vấn đề nghiện ngập và đã vượt qua, đã sửa chữa, đã giải quyết. Tôi hãnh diện về con trai tôi”. Nhìn nhận vấn đề một cách thắng thắn và thành thật, không bao biện né tránh trước vấn đề. Nó là một phẩm cách đáng quý của bất cứ ai, không chỉ với người lãnh đạo. Điều mà Trump không có được qua việc đối phó và né tránh trách nhiệm trước đại dịch Covid-19 vừa qua.

Nếu Joe Biden nhìn thẳng vào ống kính truyền hình như đang nói chuyện với quốc dân, đồng bào thì Donald Trump hầu như chỉ nhìn về Biden và người điều hợp để tranh cãi. Nó cho thấy phẩm cách của một trong hai người sẽ dẫn dắt quốc gia: Biden nhắm đến quốc gia và người dân còn Trump chỉ muốn làm người chiến thắng cho riêng mình. Và đó là Donald Trump.

Vậy rốt cuộc ai đã thắng trong cuộc tranh luận đầu tiên này?

Cả hai phe binh – chống đều cho rằng ứng viên mà mình ủng hộ đã giành chiến thắng. Nó nằm sẵn trong đầu mỗi người từ cả trước khi cuộc tranh luận diễn ra đêm qua. Kiểu như hồi 2008, ban tranh cử đảng Cộng Hòa đã vô tình tung ra clip ứng viên của mình đã thắng cuộc ngay trước khi cuộc tranh luận diễn ra trong một tai nạn bất cẩn đầy xấu hổ.

Nhận xét từ các hãng truyền thông cùng thăm dò người theo dõi cho biết, Joe Biden đã thắng. Nhưng điều này không quan trọng, bởi cuộc tranh luận này đã cho thấy rõ ràng rằng, nước Mỹ đã thua. Thua nặng nề và sâu đậm khi có một tổng thống như Donald Trump trong bốn năm qua. Và chắn chắn nó sẽ kết liễu thời đại vàng son của một đế chế, nếu Donald Trump tái đắc cử thêm bốn năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.