Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Lucky Luke không lớn lên ở Việt Nam

 

Lucky Luke không lớn lên ở Việt Nam

Báo Sạch

Trung Bảo

22-10-2020

Tuổi thơ của nhiều người Việt, đặc biệt là ở miền Nam, đều chẳng xa lạ với bộ truyện tranh trứ danh Lucky Luke của hoạ sĩ Moris người Bỉ. Bộ truyện tranh kể về cuộc phiêu lưu của chàng cao bồi Lucky Luke với chú ngựa Jolly Jumper khắp miền Viễn Tây Hoa Kỳ. Bộ truyện sau đó còn có góp sức của tác giả René Goscinny và nhiều hoạ sĩ khác nhưng chưa bao giờ mất đi tinh thần gốc: Sự tự do phóng khoáng và nghĩa hiệp của chàng cao bồi Lucky Luke.

Điều khiến nhiều người nhớ đến bộ truyện không chỉ ở nội dung mà còn ở nét vẽ hài hước và cách sử dụng màu sắc kỳ lạ của tác giả. Bầu trời trong truyện có khi là màu tím, vàng, hồng, đỏ, xanh lá cây… tác giả không câu nệ những khuôn phép màu sắc đóng khung. Chính vì lẽ đó, Lucky Luke mang lại cho người đọc tự do hưởng thụ mỹ thuật, khiến bao thế hệ say mê.

Thế nhưng, 74 năm sau kể từ ngày bộ sách Lucky Luke ra đời, học trò Việt Nam vẫn chưa được dạy tự do chơi đùa với màu sắc. Câu chuyện “Tô màu cho đúng”, dạy “khi em vẽ tranh, nhớ tô màu cho đúng”, với cái đúng được định nghĩa là “nắng màu vàng hoe, hoa cúc vàng tươi, hoa hoè vàng nhạt” là đơn cử tiêu biểu nhất của tư duy áp đặt trong bộ sách Tiếng Việt 1 của nhóm “Bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” của NXB Giáo Dục.

Sự áp đặt đó vạch giới hạn cho trí tưởng tưởng của trẻ, giết chết sáng tạo, bắt ép trẻ chấp nhận một tiêu chuẩn thẩm mỹ đóng khung của người lớn.

Và xa hơn, là giá trị đạo đức.

Như câu chuyện “Cò và vạc” dạy rằng “Cò ngoan ngoãn, chăm chỉ… ai cũng khen” còn “vạc thì lười biếng, ngủ suốt ngày… ai cũng chê cười”, nhằm biến “ngoan ngoãn chăm chỉ” thành giá trị tốt, còn “lười biếng” thành giá trị đáng xấu hổ.

Hay dạy “ăn miếng trả miếng” qua bài Cò và Cáo: Cáo mời cò đến ăn tối với cháo loãng đổ ra đĩa, cò trả miếng bằng cách mời cáo đến nhà ăn tối nhưng để thức ăn vào cái lọ cổ hẹp.

Hay như bài “Vì sao” có thông điệp: “Hè đến, da Tí đen nhẻm, chả đẹp…” không chỉ là áp đặt một tiêu chí thẩm mỹ, mà còn còn thể coi là gieo mầm cho tư tưởng phân biệt màu da.

Đấy là chưa kể bộ sách còn có bài xiển dương cho cách dạy con bằng đe doạ vũ lực như Mèo con đi học: Vì mèo con không muốn đi học nên lấy lý do cái đuôi bị ốm, bác cừu trong câu chuyện đã lập tức mang kéo đến doạ cắt đuôi mèo.

Nếu ai đã đọc bộ truyện Lucky Luke hẳn đều biết có rất nhiều sự kiện có thật của miền Viễn Tây được đưa vào sách. Ở đó chàng cao bồi Luke phải chiến đấu với những thế lực xấu nhưng chưa bao giờ yếu tố bạo lực được nhấn mạnh trong bộ truyện, ngược lại bạo lực trở nên hài hước. Bao nhiêu thế hệ độc giả trẻ trên thế giới tìm đến với chàng cao bồi đã học được ở anh sự phóng khoáng, hiệp nghĩa và yêu tự do.

Bộ truyện tranh ấy là nhân sinh quan của những con người tiến bộ muốn để lại cho thế hệ đi sau. Thật buồn khi phải so sánh những bộ sách giáo khoa như “Bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” với bộ truyện tranh Lucky Luke để thấy nhận thức của một nhóm người trong xã hội Việt Nam hôm nay chậm lụt thế nào.

Có thể nói rằng bộ sách Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều có nhiều lỗi ngôn từ và bài học sai, nhưng bộ sách “Bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” lại cho thấy một tư duy gia trưởng, áp đặt cho trẻ những giá trị cũ kỹ và lạc hậu, ngược chiều với xu hướng cởi mở của nhân loại.

Còn những bộ sách và tư duy giáo dục như vậy thì chắc chắn một điều rằng chàng cao bồi lãng tử “bắn nhanh hơn cái bóng của mình” cũng đành chịu thua ở Việt Nam dù từng tung hoành khắp miền Viễn Tây hoang dã. Phải học những bộ sách như vậy thì đến bao giờ một cậu bé Việt mới lớn lên với mơ ước về con người tự do cưỡi ngựa đi về phía hoàng hôn và nghêu ngao câu hát “Tôi là gã cao bồi nghèo, đơn độc rong ruổi trên đường dài xa quê hương”, thay vì trở thành một thứ công cụ hùng hục kiếm tiền và năng nổ đi kiềm chế tự do của người khác!

Thật buồn, Lucky Luke không thể lớn lên ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.