Nghị định 64 vs “con cưng” của công chúng
Đặng Đình Mạnh
23-10-2020
Trong những ngày gần đây, Nghị định 64 được nhiều người đề cập đến khi theo dõi câu chuyện làm từ thiện của cô ca sĩ Thủy Tiên.
Đa phần, sự đề cập đến văn bản ấy là giúp cảnh báo về rắc rối pháp lý mà cô Thủy Tiên có thể phải đối diện. Số rất ít còn lại, viện dẫn văn bản này để quy kết việc quyên góp từ thiện của cô ấy là bất hợp pháp.
Vậy Nghị định 64 là gì? Nội dung như thế nào mà đã trở thành con “ngáo ộp” đe dọa cô Thủy Tiên, “con cưng” của công chúng lúc này?
Viết đầy đủ, văn bản có cái tên khá dài: Nghị định số 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định “Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo“, do Thủ tướng thời điểm ấy là ông Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành ngày 14/05/2008.
Trong Nghị định 64, tại đoạn 2, khoản 3, điều 5 quy định: “Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ“. Và đây cũng chính là nội dung khiến Nghị định 64 trở nên nổi tiếng khi vô tình phải “ăn theo” tên tuổi của cô Thủy Tiên và đồng thời, cũng gây nên khá nhiều tranh luận trái ngược nhau trong giới thực hành pháp luật.
Xét về nội dung văn bản: Với văn thức “Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên (gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, cơ quan thông tin đại chúng, các quỹ xã hội, từ thiện), không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”, thì xem ra, những ai muốn quy chụp cho rằng cô ca sĩ đang quyên góp từ thiện một cách bất hợp pháp là có cơ sở pháp lý nếu áp dụng nội dung theo điều 5, Nghị định 64.
Mặc dù theo báo Vnexpress, một quan chức chính phủ là ông Võ Thành Hưng cho rằng, Nghị định 64 không có giá trị chi phối đối với cá nhân quyên góp làm từ thiện như cô ca sĩ [1]. Tuy vậy, căn cứ vào điều khoản quy định phạm vi chi phối của văn bản này (điều 1), đã liệt kê ra những hành vi làm từ thiện như: “…vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp… hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai…”.
Theo đó, hành vi của cô Thủy Tiên sẽ phải được định nghĩa theo điều 1 Nghị định 64, khó mà có thể giải thích khác được. Và như thế, hành vi quyên góp làm từ thiện của cô Thủy Tiên là bất hợp pháp, vì cô không có chức năng làm từ thiện.
Trái lại, những người bênh vực cho cô Thủy Tiên cho rằng, phải vận dụng khái niệm hợp đồng dân sự, có thể là hợp đồng ủy thác hoặc hợp đồng tặng cho tài sản theo quy định Bộ luật Dân sự. Và như thế, hành vi quyên góp làm từ thiện của cô Thủy Tiên là hoàn toàn hợp pháp.
Đánh giá với tất cả sự dè dặt, tôi “ba phải” cho rằng cả hai quan điểm vừa nêu, tuy có kết luật trái ngược nhau: Bất hợp pháp và hợp pháp, thì tất cả đều đúng, nếu chỉ căn cứ vào nội dung các quy định pháp luật.
Đối với một quan hệ pháp luật, căn cứ vào văn bản này là bất hợp pháp, nhưng căn cứ vào văn bản khác lại hợp pháp là trường hợp không hiếm gặp trong hoàn cảnh luật pháp chưa hoàn chỉnh trong giai đoạn hiện nay.
May mắn, trong hoàn cảnh nội dung văn bản pháp luật mâu thuẫn nhau, thì vẫn có giải pháp xử lý căn cứ theo hiệu lực của văn bản. Theo đó, Nghị định 64 là một văn bản của chính phủ thuộc quyền hành pháp ban hành nhằm mục đích thi hành luật pháp. Bộ luật Dân sự là đạo luật của quốc hội thuộc quyền lập pháp ban hành. Bộ luật có giá trị pháp lý đứng thứ hai, chỉ sau hiến pháp mà thôi và đương nhiên, đứng trên nghị định.
Do đó, trong trường hợp cụ thể đối với cô Thủy Tiên, thì văn bản chi phối phải là Bộ luật Dân sự chứ không thể là Nghị định 64. Và nếu thế, cô Thủy Tiên hoàn toàn an toàn về phương diện pháp lý.
Trên đây là đánh giá sự việc căn cứ theo nội dung các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, việc chính quyền xử lý như thế nào lại là một câu chuyện khác, thuộc về phạm vi thực thi pháp luật.
Vận dụng Bộ luật Dân sự là quan điểm của khá nhiều luật sư với hảo ý bảo vệ pháp lý cho cô Thủy Tiên. Nhưng rất tiếc, họ không phải là người có thẩm quyền xử lý đối với cô ấy và càng không bao giờ là người phải gánh chịu hậu quả nếu nó xảy ra. Người có thẩm quyền xử lý là các cán bộ viên chức chính quyền, và người phải gánh chịu hậu quả là cô Thủy Tiên.
Theo đó, có một thực tế mà các bạn có công việc thường xuyên “va chạm” với cán bộ viên chức chính quyền sẽ dễ nhìn thấy là tình trạng ưu tiên áp dụng các văn bản “gần gũi” với họ nhất, bao gồm : Nghị định, thông tư, quyết định … của các cơ quan hành pháp ban hành. Thế nên, nếu đối diện với trường hợp của cô Thủy Tiên, chắc chắn đến 99% là Nghị định 64 sẽ được họ đem ra để đánh giá, cân, đo, đong, đếm … thậm chí chế tài với cô ấy.
Vậy liệu chừng cô Thủy Tiên có bị xử lý? Thật ra, không thể có câu trả lời chính xác trong trường hợp này. Tất cả hoàn toàn tùy thuộc vào ý chí của chính quyền.
Trong chính quyền, có thể có người “nóng mặt” với số tiền mà công chúng tin cậy ủy thác cho một cá nhân, thay vì là các tổ chức có chức năng làm từ thiện. Tuy nhiên, tôi vẫn tin vào quan điểm của một bạn khi đọc qua các bài viết xuất sắc của bạn ấy: Đại ý, chính quyền sẽ giữ cách hành xử khôn ngoan nhất là tạo điều kiện cho cô Thủy Tiên hoàn thành sứ mệnh làm từ thiện mà công chúng đã ủy thác cho cô ấy. Họ không dại dột gì trong việc làm khó người đang là “con cưng” của công chúng lúc này. Hơn nữa, con số 100 tỷ có thể lớn với một cá nhân, một tổ chức, nhưng không phải là con số quá lớn đến mức phải đánh đổi sự giận dữ của công chúng trút vào chính quyền.
Saigon, những ngày của cô Tiên
______
[1] Bài viết đăng trên trang báo VNExpress đã bị rút xuống. Ảnh chụp tại đây:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.