Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

Nạn phá rừng và mồ chôn sống tập thể!

 

Nạn phá rừng và mồ chôn sống tập thể!

Mai Bá Kiếm

29-10-2020

Lúc 15h30 ngày 28/10/2020, ở xã Trà Vân (cách trung tâm huyện Nam Trà My 14 km) tỉnh Quảng Nam, có một vụ lỡ đất khiến 8 người bị vùi lấp. Một tiếng rưỡi sau, một vụ sạt lở đất xảy ra bên xã Trà Leng (cách trung tâm huyện Nam Trà My 25 km) khiến 45 người mất tích; 4 người may mắn thoát nạn.

Tính đến sáng 29/10, lực lượng cứu hộ tại chỗ xã Trà Vân đã đào bới và tìm thấy 7/8 thi thể; và lực lượng cứu hộ địa phương xã Trà Leng đã tìm thấy 8/45 thi thể. Như vậy, còn 38 nạn nhân xấu số chưa tìm thấy.

Đoạn đường 25 km từ huyện Nam Trà My vào xã Trà Leng bị sạt lở và cây ngã nhiều nơi. Công binh đã vá lấp 3 điểm sạt lở, còn 2 điểm sạt lở lớn chưa xong, nên bộ đội và lực lượng chức năng chưa vào đến Trà Leng để cứu nạn!

Chỉ trước đó 17 ngày, do hoàn lưu sau bão Linfa (số 6), đêm 11/10, nửa quả đồi sạt lở đã chôn lấp hoàn toàn Nhà Điều hành Thủy điện Sông Trăng 3 cùng 17 công nhân ngủ trong đó. Trong khi, 7 công nhân ngủ trong lán trại đơn sơ, bên ngoài Nhà Điều hành thì kịp chạy thoát.

Hôm sau, thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 dẫn đầu đoàn công tác 21 sĩ quan và cán bộ của Quân khu và UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đi tìm vị trí 17 công nhân mất tích.

Lúc 23g đêm 12/10, Đoàn còn cách vị trí Rào Trăng 3 khoảng 3 km, nhưng do thời tiết xấu và địa hình sạt lở nên đoàn vào Trạm Kiểm lâm số 7 thuộc tiểu khu 67 (đóng trên đường di chuyển) nghỉ ngơi để sáng sớm tiếp tục lên đường.

Tuy nhiên, giữa đêm một ngọn đồi sạt lở đất đá chôn vùi hai chòi dã chiến của 22 người cứu hộ đang nghỉ tại đây. May mắn có 8 người chạy thoát, 13 người đã mất tích

Trưa 15/10, một lực lượng hùng hâu gồm 1.178 người, 257 phương tiện các loại và 3 chó nghiệp vụ đến Trạm Kiểm lâm TK 67 đào bới đến 19h20 cùng ngày đã tìm đủ 13 thi thể nằm sâu dưới đống đất đá 2-3 m.

Rạng sáng 18/10, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337, Quân khu 4 trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị khiến 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp. Sau gần 40 giờ tích cực cứu nạn, lực lượng chức năng đã tìm thấy toàn bộ thi thể các cán bộ, chiến sĩ gặp nạn.

Mãi đến ngày 24/10, tức 13 ngày sau thảm họa, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể công nhân thứ 5 dưới Nhà Điều hành thủy điện Rào Trăng 3. Tội quá đến nay, vẫn còn 13 công nhân bị chôn vùi dưới đống đổ nát.

Thống kê từ đầu tháng 10/2020 đến nay, tức từ khi hoàn lưu sau cơn bão Linfa (số 6) đến cơn bão Molave (số 9) đã có 177 người chết và mất tích! Trong đó có đến 105 người chết do sạt lở đất đá (17 công nhân Rào Trăng 3 + 13 sĩ quan & cán bộ + 22 bộ đội đoàn 337 + 8 người ở xã Trà Vân + 45 người ở xã Trà Leng)

Số nạn nhân bị chôn lấp trên tổng số chết trong mùa bão lũ chiếm 59%. Số nạn nhân chạy thoát do sạt lở đất đá so với số nận nhân bị chôn vùi chiếm tỷ lệ rất thấp: 19/105 (7 công nhân chạy thoát tại Rào Trăng 3 + 8 sĩ quan, cán bộ chạy thoát tại trạm kiểm lâm TK 67 + 4 người chạy thoát tại xã Trà Leng)

Bão lụt cũng có chỗ núp gió, cũng còn vật dụng làm phao mà níu, nhưng đất đá trên núi sạt lở thì chạy đường nào cho thoát? A Di Đà Phật! Đừng phá rừng để chôn sống đồng bào, chiến sĩ!

P/S: TRỜI PHÙ HỘ!

Theo Thượng tá Hà Ra Diêu – Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My, tính đến đầu giờ chiều nay (29/10) đã cứu được 33 người, 16 người bị thương, trong đó có 8 người bị thương nặng; tìm thấy 6 thi thể, còn 13 người chưa tìm thấy.

Những người may mắn sống là do được nước bùn đẩy dồn về chân núi, sau đó trồi lên trên lớp đất nên thoát chết. Vụ sạt lở đã vùi lấp 11 hộ ở nóc Ông Việt.

Ngoài ra, được biết vụ sạt lở ở huyện Phước Sơn làm 5 người chết, 8 người mất tích.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.