Lại bàn về kinh nghiệm
Nguyễn Đình Cống
28-10-2020
Viết “Lại bàn về…” vì ngày 12/8/2020, tôi đã công bố bài “Kinh nghiệm của ĐCSVN”. Bài đó chỉ ra những ngụy biện, những nhầm lẫn của Hội đồng lý luận trung ương. Bài này tiếp tục phân tích một số kinh nghiệm trong các báo cáo chính trị ở các ĐH Đảng.
Xin nhắc lại định nghĩa của Từ Điển Tiếng Viêt : “Kinh nghiệm là điều hiểu biết có được do tiếp xúc với thực tế, do từng trải”.
Một việc nào đó, trước đây người T làm theo cách A thấy hiệu quả thấp, kết quả chưa tốt, nay người đó tự nghĩ ra cách làm khác đi, theo cách B, có được hiệu quả cao hơn, kết quả tốt hơn. Vậy cách B ban đầu là kinh nghiệm của người T. Người này có thể giữ kín hoặc đem phổ biến.
Khi người T tìm được cách B trong tài liệu, nghe người khác mách bảo hoặc mới nghĩ đến mà chưa làm có kết quả thì cách B đó không phải là kinh nghiệm của T.
Bản chất của kinh nghiệm là trước đây chưa biết, tự nghĩ ra và sau khi làm mới biết.
Cách làm B, ban đầu là kinh nghiệm, nhưng khí nó được phổ biến rộng rãi thì mất dần tính chất kinh nghiệm mà trở thành kiến thức phổ thông. Mọi kiến thức, mọi cách làm, khi đã trở thành nguyên lý và phổ biến rộng rãi thì không còn là kinh nghiệm nữa. Đem một điều thuộc nguyên lý biến thành kinh nghiệm của mình hoặc của ai đó là một việc làm tráo trở, dối trá.
Điều lệ đảng ghi rõ việc xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh. Vậy việc này là nhiệm vụ, thuộc nguyên lý hay là kinh nghiệm. Ở đây cần phân biệt rõ hai khái niệm. 1- Kinh nghiệm là cần xây dựng đảng trong sạch, vững manh. 2- Về việc xây dựng đảng trong sạch vững mạnh thì kinh nghiệm là B, C, D…
Phải xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, đó là nhiệm vụ chứ không phải kinh nghiệm. Trong công việc này nếu quả thật có kinh nghiệm gì hay, thì phải viết rõ ra. Tôi xem các báo cáo ĐH 10, 11, 12, 13. Báo cáo nào cũng ghi 5 kinh nghiệm (phải chăng 5 kinh nghiệm là con số tiêu chuẩn, buộc phải có), trong đó báo cáo nào cũng có kinh nghiệm cần xây dựng đảng vững mạnh (không phải là kinh nghiệm về xây dựng đảng).
ĐH 10- Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng… Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
ĐH 11- Đặc biệt chăm lo củng cố, xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức…
ĐH12- Phải hết sức chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh,
ĐH 13- Chú trọng đặc biệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Xin chép lại toàn văn kinh nghiệm 1 của báo cáo tại ĐH 13:
Một là, chú trọng đặc biệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.
Đọc vài lần đoạn trên tôi chẳng tìm thấy kinh nghiệm gì vì đó toàn là nhiệm vụ phải làm, được ghi trong điều lệ và nhiều nghị quyết. Nếu có việc nào chưa làm được tốt thì đó là do trách nhiệm và trình độ chứ không phải trước đây không biết, ai đó vừa nghĩ ra và làm được. Kinh nghiệm là việc đã làm đươc theo một cách mới chứ không phải là việc cần làm.
Xin nói rằng trong đoạn trên không phải điều nào cũng hay, cũng đúng. Thí dụ nguyên tắc tập trung dân chủ, chống “tự diễn biến…”, trách nhiệm nêu gương.
Về trách nhiệm nêu gương, ngày 6/11/2018 tôi đã công bố bài “Phản biện QĐ nêu gương”, vạch ra rằng đó là một QĐ tầm phào. Người ta, đặc biệt là người bề trên làm việc hay, việc tốt là xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm. Họ không được phép làm sai, làm xấu. Thế rồi việc làm tốt của họ được người dưới học và làm theo. Đó là sự noi gương. Thế nhưng khi ai đó làm một việc với ý định nêu gương thì đã làm hỏng ý nghĩa tốt đẹp của việc đó . Làm tốt là từ lương tâm và trách nhiêm, còn làm để nêu gương là thủ đoạn tuyên truyền. Phải chăng là ngụy biện khi cho rằng phát huy trách nhiệm nêu gương là một kinh nghiệm.
Đọc hoặc nghe báo cáo chắc chẳng ai quan tâm đến các kinh nghiệm mà một phần nội dung “những điều được cho là kinh nghiệm” của báo cáo sau chép lại từ báo cáo trước, chỉ thay đổi cách trình bày. Tôi, vì quan tâm đến “Phương pháp luận” mà viết ra vài nhận xét với hy vọng góp phần vào nhận thức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.