Da vàng “thượng đẳng” và lá cờ vàng
Hải Vân
23-10-2020
Càng về cuối năm 2020 này, người ta càng thấy những người gốc Việt sống ở Mỹ đang trong tình trạng chia rẽ, phân hóa dữ dội, hơn bao giờ hết. Một số người hùng hổ ném vào những người khác chính kiến với họ những lời độc địa, rủa xả không thương tiếc. Những câu chữ mỉa mai, đâm chọt, xóc óc được ném ra, dường như không có điểm dừng. Đơn giản bởi vì họ đang dầm mình trong cuộc chiến vô tiền khoáng hậu, giữa một bên là những người ủng hộ tổng thống đương nhiệm và bên kia ủng hộ ứng cử viên đảng đối lập.
Trong trận thư hùng quái dị này, một số cá nhân đã mang lá cờ vàng theo cùng, lá cờ bây giờ đã trở thành kỷ niệm của một quốc gia không còn tên trên bản đồ thế giới, như một cách biểu dương tính chính nghĩa của mình.
Có ý kiến cho rằng, nhóm người này dùng lá cờ vàng không chỉ với mục đích định danh xuất xứ – đoàn tôi đến từ Việt Nam – mà còn để khẳng định “chúng tôi mới là người VNCH”, là “những người yêu nước”, chúng tôi mới thật sự bị bách hại và chúng tôi vượt thoát cộng sản thành công, còn các vị chỉ là cộng sản … lột xác.
Tưởng không cần nhắc lại, lá cờ vàng đối với những ai đã từng biết sẽ không thể quên, đó là lá cờ của một quốc gia văn minh, cường thịnh, nhưng đã không may trở thành “nạn nhân” của cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa các cường quốc khác, trong thập niên 70 của thế kỷ trước.
Nếu thật sự là con dân của quốc gia cờ vàng đó, những người mang cờ hẵn đã được hưởng một nền giáo dục thật sự nhân văn. Họ hiển nhiên phải biết “Tiên học lễ hậu học văn”, phải hiểu câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ người trong một nước phải thương nhau cùng”, phải thấu câu tục ngữ “Một cây làm chẳng nên non/ ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, cũng như phải biết “Tình cốt nhục, nghĩa đồng bào” ra làm sao. Bởi vì họ đã không chỉ được dạy dỗ như vậy, mà còn tận mắt thấy nhìn thấy những tấm gương đã sống như vậy.
Cuộc đời có những biển dâu, giờ đây Việt Nam Cộng Hòa hay Việt Nam Cộng Sản (lột xác) liệu có khác gì đâu dưới mắt của những “đồng bào mới” trên quê hương thứ hai này? Ở nơi này đâu ai quan tâm quý vị đến đây bằng cách gì, họ chỉ cần thấy quý vị nỗ lực ra sao để vươn lên. Màu da vàng đã khiến quý vị mặc nhiên thành người thiểu số trên đất nước này. Dù như vậy, dân da màu lại sống trong quốc gia mang tên Hợp Chúng Quốc thì có gì đáng để phàn nàn. Có chăng, đã thấy một số người vội quên nhờ ai và từ đâu họ có được những cơ hội sống tốt.
Nếu không kể đến những tấm lòng rộng mở khác, thì phải hiểu tự do và nhân quyền mà chúng ta đang thụ hưởng hôm nay, đã được đánh đổi bằng máu và nước mắt, bằng sinh mệnh của những đồng bào da màu đi trước. Vậy nên, chớ vội quên ơn những “kẻ trồng cây” cho giờ mình ăn trái ngọt. Không nên ngộ nhận da mình sáng hơn, trí mình cao hơn, tài mình rộng hơn những người da đen. Nhất là, đừng tự cho mình cao cấp hơn đồng hương gốc Việt, bởi vì da vàng cho dù “thượng đẳng”, rốt cuộc cũng chỉ là da màu.
Cho dù quý vị may mắn chạy thoát vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975, hay đến Mỹ sau này theo nhiều diện khác nhau, thuyền nhân, tỵ nạn hay đi đoàn tựu gia đình, thì vẫn là ly hương mà thôi. Sống mà bị bứt rời khỏi quê cha đất tổ, mãi không thể là chuyện đáng vui. Những người Việt tha hương có lẽ đều mang theo mình những tâm tình, đôi khi khó nói nên lời. Mặc dù không phủ nhận, trong số họ cũng có những người mang những toan tính thiệt hơn, đậm màu cơ hội chủ nghĩa, xoay sở mọi cách để đến cho kỳ được mảnh đất này.
Có khi nào quý vị tự hỏi, liệu việc đến bến bờ tự do này bằng phi cơ hay bằng thuyền gỗ có ý nghĩa thật sự là gì không, khi ta không thể thụ hưởng hoặc từ chối thụ hưởng sự tự do và cơ hội vươn lên thành người khả kính?
Hãy cố sống tử tế là đủ. Màu da thiểu số sẽ có vị trí của nó trong mắt nhìn của đồng bào mới, đồng loại khắp nơi. Màu cờ vàng tươi đẹp giờ đã là kỷ niệm, sẽ còn hoài trong tâm tưởng bất kỳ ai còn thương nhớ, trân trọng nó. Và, nếu nghĩ rằng lá cờ tổ quốc đó là thiêng liêng, thì chớ nên mang nó ra để tô vẽ cho những hành động … bất tiện gọi tên của mình. Làm ơn!
Hoa Kỳ, tháng 10 năm 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.