Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

Đất nước hay chế độ?

 

Đất nước hay chế độ?

Tạ Duy Anh

30-10-2020

Cách nay 8 năm, tôi đã cảnh báo về sự nguy hiểm của hành động Trung Cộng thành lập tỉnh Tam Sa, xin trích:

“…Người Việt không nên coi thường động thái này. Đầu tiên chỉ là cái tỉnh trên giấy, bị Việt Nam, Philippine… coi là vô giá trị. Nhưng sau đó, họ sẽ “ấn” cái tỉnh đó vào đầu hàng tỉ người Trung Quốc, tạo ra những giao tiếp thương mại, ngoại giao với các nước, thông qua Tam Sa. Chẳng hạn hành động mời thầu thăm dò dầu khí, hay những phi vụ buôn bán thương mại với lợi nhuận hấp dẫn, gắn với cái địa danh Tam Sa? Rồi những hội nghị, triển lãm, thi đấu thể thao nhỏ…do Trung Quốc đăng cai được tổ chức ở Tam Sa! Dần dần cái tên Tam Sa sẽ thành một địa danh quen thuộc với thế giới. Nó sẽ đi vào các văn bản giấy tờ mang tính quốc tế.

Nó cứ từ từ là một đơn vị hành chính hiện thực của Trung Quốc. Khi đó những hoạt động trên biển Đông của chúng ta, được mặc nhiên coi là hoạt động ở tỉnh Tam Sa của Trung Quốc! Thế giới không bị buộc phải nhớ Tam Sa thực chất là cái gì, gây tổn hại cho ai, mà họ chỉ cần biết Tam Sa mang lại cho họ cái gì. Giống như thói quen thế giới gọi biển phía nam Trung Quốc là biển Hoa Nam, tết Âm lịch là tết Trung Quốc, đến lúc nào đó, họ chỉ còn biết Tam Sa là một tỉnh của Trung Quốc! Về phần mình, Trung Quốc sẽ dựa vào đó để coi hành động tuyên chiến của họ là quyền tự vệ, cụ thể ở đây là bảo vệ Tam Sa!” (hết trích)

Tháng 10 năm 2016, Trung Cộng hoàn thiện bộ máy hành chính Tam Sa thông qua một cuộc bầu cử, bước tiếp theo để hợp thức hóa địa danh bất hợp pháp này.

Cách đây khoảng 10 ngày, Trung Cộng công khai đang có tới 400 doanh nghiệp của chúng hoạt động ở Tam Sa, chủ yếu trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Dự đoán sắp tới Trung Cộng sẽ ném ra món mồi nhử hấp dẫn lôi kéo các công ty, tập đoàn nước ngoài rót tiền đầu tư hoặc sử dụng dịch vụ trung chuyển qua hệ thống cảng biển, bến bãi, kho chứa để thực hiện bước nguy hiểm là quốc tế hóa địa danh Tam Sa.

Ảnh trên: Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo và Ngoại trưởng VN Phạm Bình Minh.
Ảnh dưới: Căn cứ quân sự Tam Sa mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông. Nguồn: internet

Rõ ràng kẻ thù đã tiến sâu xuống phía Nam theo đường biển, đến sát cạnh sườn người Việt, với những cơ sở hậu cần hùng hậu và cực kỳ nguy hiểm, chuẩn bị cho việc thôn tính tiếp theo. Nếu ai còn mơ hồ về điều đó, cứ cố sống cố chết bám lấy tình đồng chí để mong có sự nhân nhượng, chắc chắn sẽ thành tội đồ dân tộc.

Nhưng Tập Cận Bình, tên hoàng đế đỏ, không phải là một lãnh đạo có tầm nhìn xa như mọi người nghĩ về hắn. Với thói kiêu ngạo, háo danh, Tập đang chuốc cho đất nước của y vô vàn kẻ thù. Thế giới phương Tây, sau khi tối mắt vì tiền bạc, đã kịp thức tỉnh, đang cùng với Ấn Độ, Nhật Bản… lặng lẽ siết chặt vành đai thép để kiềm chế con quái thú Trung Hoa. May thay, chúng ta có LỢI ÍCH LỚN từ hành động đó.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ vừa bất ngờ thăm Việt Nam chắc không chỉ để chơi vui. Sẽ có những điều cả hai nước cần giữ bí mật, vì thế tôi không dám lạm bàn bất cứ chuyện gì. Nhưng tôi hy vọng chính quyền Hà Nội không bỏ lỡ thêm cơ hội then chốt (tôi không muốn nói là cơ hội cuối cùng) hợp tác sâu rộng với Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất trên hành tinh này còn đủ sức, đủ bản lĩnh, đủ sự tỉnh táo để khiến Trung Quốc phải chùn tay. Nếu quý vị cho rằng công khai thách thức Trung Cộng là thiếu khôn ngoan, thì cũng đừng dại dột công khai khiến các đối tác lớn nản lòng.

Đừng ai quên rằng, hiện chỉ còn Trung Quốc là thế lực ngoại xâm đang chiếm đóng một phần lãnh thổ của người Việt.

Hãy vượt qua ám ảnh về chuyện mất còn chế độ khi đưa ra các lựa chọn lợi ích cho đất nước. Một chế độ tốt đến mấy cũng không thể đồng nhất với đất nước. Nhưng một chế độ tốt luôn là mong muốn của người dân (trong đó có tôi) và chính họ sẽ bảo vệ và chỉ có họ mới đủ sức bảo vệ. Còn một chế độ lỗi thời, thối nát, phản dân, coi công lý là cỏ rác, nhất là lại để mất lãnh thổ vào tay giặc thì nếu không tự nó biến mất, cũng sẽ bị cưỡng bức biến mất. Điều đó vẫn luôn được coi là tiến bộ của lịch sử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.