Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Kết quả thảm hại của dạy “đọc hiểu văn bản”

 

Kết quả thảm hại của dạy “đọc hiểu văn bản”

Chu Mộng Long

22-10-2020

Tôi luôn ủng hộ đổi mới giáo dục theo hướng dạy học phát triển năng lực. Không phải đợi đến Chương trình mới đây. Chương trình 2000 đã có xu hướng dạy học phát triển năng lực. Riêng môn Ngữ văn chuyển từ Giảng văn sang Đọc hiểu văn bản đã là đi theo cái khuynh hướng ấy.

Đọc hiểu văn bản thực chất là lấy văn bản làm đối tượng với tư cách là hệ thống ký hiệu ngôn từ làm chứng lý khách quan. Quan trọng hơn, khái niệm “đọc hiểu” là hướng vào bạn đọc với tính chủ thể của sự đọc. Tính chủ thể ấy không phụ thuộc vào sự áp đặt chủ quan của nhà văn (văn mình vợ người) lẫn áp đặt của người thầy giảng văn hay bất cứ cái khuôn mẫu nào do ai đó làm ra (các tài liệu dạy thêm, học thêm do giáo sư, tiến sỹ viết thành mẫu để học tủ). Hình như ông Đỗ Ngọc Thống có hiểu phần nào điều tôi nói, cho nên, trong một số bài viết ông có nói đến vai trò sáng tạo cá nhân của người đọc.

Tuy nhiên, khi dùng sách các ông ấy để dạy cho con tôi học, tôi phát hiện các ông hiểu rất lơ mơ rồi làm cải cách. Những câu hỏi: “Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ kể về chuyện gì?” (Lớp 7), “Văn bản Nhà sàn thuyết minh về đối tượng nào” (Lớp 10), chẳng khác gì hỏi “Năm điều Bác Hồ dạy có mấy điều”, “Năm điều Bác Hồ dạy do ai dạy?”. Hỏi như vậy thì làm cho người đọc thông minh nhất cũng thành ngu đần, vì kẻ bị hỏi cứ nghĩ cái gì khác chứ không phải cái câu chuyện hay đối tượng đã có sẵn trong văn bản, thậm chí nó đã nằm chình ình ngay trong câu hỏi.

Đến lượt các đề thi thì thường có dạng câu hỏi: “Bài thơ thuộc thể thơ gì? Ra đời trong hoàn cảnh nào?” thì rõ ràng hỏi lạc ra ngoài văn bản. Thậm chí những đề thi đưa ra một nhận định của ông nào đó, coi như ông ta đã đọc hiểu thay hoặc khen trước rồi bắt học sinh hiểu và khen theo thì cũng không phải “đọc hiểu văn bản” đúng nghĩa. Đó chỉ có thể là tập thói quen ăn theo nói leo, mặc dù kẻ đưa ra nhận định đó chưa chắc đúng.

Chuyện “đọc hiểu văn bản” trong sách giáo khoa phổ thông còn dài. Khi nào rảnh tôi sẽ có bài viết đầy đủ để thông não cho các giáo sư tiến sỹ làm cải cách “chuyển truyền thụ tri thức sang dạy học phát triển năng lực” theo Nghị quyết Trung ương 8.

Bây giờ thì tôi nói chuyện thời sự đang diễn ra. Thấy nhiều giáo sư tiến sỹ cắt ảnh hoặc chia sẻ luôn link bài báo trên trang Phụ nữ online để chỉ trích tác giả và ban biên tập. Đây là bài báo mượn giọng bọn xưng hùng xưng bá trên mạng đang đố kỵ, mắng nhiếc Thuỷ Tiên quyên góp tiền hỗ trợ nạn nhân vùng lũ lụt. Thi pháp học gọi đó là giọng giễu nhại để mỉa mai, phê phán. Tất nhiên không phải mỉa mai, phê phán Thuỷ Tiên mà đứng về phía Thuỷ Tiên để giễu cợt cái đám người đố kỵ kia.

Chúng xưng hùng xưng bá nhưng chẳng đáng mặt đàn ông, thậm chí đứng thấp hơn đáy quần đàn bà. Trẻ con, nếu không học cái món ngữ văn trong sách giáo khoa sẽ hiểu rõ như vậy. Vì nhại (tiếng miền Trung là “nhái”), trẻ em vẫn thường dùng để giễu cợt nhau lúc chăn trâu.

Thật đáng xấu hổ khi các giáo sư tiến sỹ vừa share vừa chửi người viết lẫn ban biên tập bài báo này. Họ đọc hiểu kém hơn trẻ trâu nhưng vẫn soạn sách dạy “đọc hiểu văn bản” cho học trò đấy. Tình hình này thì ba tôi sinh thời nói đúng: “Càng học càng ngu con ạ!” Bây giờ thì nhiều kẻ lòi hết cái ngu ra mà không biết mình ngu!

Tôi không tự cho mình khôn, nhưng tôi biết tôi ngu ở điểm nào.

Trình độ giáo sư tiến sỹ đọc hiểu đúng đã chưa xong mà đòi người học đọc hiểu sáng tạo nữa thì có xa vời không?

Các sách cải cách ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông các ông đang soạn, lo mà làm đúng đi. Tôi sẽ soi vào từng trang và phang thẳng cánh chứ không nể!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.