Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

Hồi ức, hồi ký và sám hối cho kịp bước đi thời đại

 

Hồi ức, hồi ký và sám hối cho kịp bước đi thời đại

Giang Tử

Thế hệ cao tuổi đã lỡ trớn, nay viết hồi ký hồi ức để chuyển giao cho hậu thế lớp đàn em. Nếu không kịp thì họ sẽ phải ân hận đến giờ phút chót không nhắm được mắt.

Dẫn luận

Trong vòng hai ba chục năm qua, văn học đương đại có một sự cố gắng thay đổi. Về mặt phản ánh hiện thực đương đại, có lẽ nhà văn nhường sân cho báo chí và thu mình lại.

Xuất hiện hồi ức, hồi ký là thể loại văn học không hư cấu (theo nghĩa rộng là được viết thành văn bản đa dạng) độc đáo mang tính lịch sử.

Hồi ký Trần Quang Cơ về chính trị ngoại giao quan hệ Việt Nam-Trung Quốc-Campuchia.

Hồi ký Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên về nhà tù và số phận nhà văn trong vụ án “xét lại chống Đảng 1967”.

Hồi ký Lê Vân -yêu và sống của diễn viên Lê Vân, kể những chuyện câu chuyện bi hài của đời sống nghệ sĩ, thăng trầm trong chiến tranh và xây dựng CNXH ở miền Bắc.

Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh của vị giáo sư hàng đầu làng đại học Việt Nam, kể lại bộ mặt thật của những người quan chức văn nghệ chóp bu, tới Tố Hữu, đôi khi cũng chua chát dành ít dòng về “nỗi khổ đàn ông” của vị chủ tịch Đảng huyền thoại.

Hồi ký Chiều chiềuCát bụi chân ai của nhà văn Tô Hoài, về cuộc sống nhà văn, nhà báo trước và sau cột mốc 1945.

Hồi ký Lời ai điếu của nhà báo lão thành Lê Phú Khải về thân phận nhà báo cách mạng.

Hồi ký Nguyên Ngọc của nhà văn lão thành đã từng mang bút danh Nguyễn Trung Thành kể chuyện bi-hài của làng văn miền Bắc miền Nam trước và sau cột mốc bi thảm 1975.

Chuyện kể năm 2000 được cho là một cuốn tiểu thuyết tự truyện, tác giả cũng là nhân vật chính “Bùi Ngọc Tấn bị tù năm năm”. Đây là hiện thực nhà tù của chế độ CS được tiểu thuyết hóa trên nền tảng Hồi ký.,

Và nhiều hồi ký khác…

Tất cả các hồi ký kể trên đương nhiên khẳng định giá trị hiện thực độc đáo không trùng hợp với ai khác.

Đặc biệt, những mẩu chuyện ấy được kể theo trình tự thời gian như một phác thảo lịch sử hiện đại qua một góc nhìn cụ thể, duy nhất.

Quan trọng hơn cả đó là yếu tố tự phê phán và phê phán, sự tỉnh ngộ sau bao nhiêu năm u tối vì bị áp bức tinh thần.

Bên cạnh đó hồi ký còn có yếu tố cải chính, giải thích nhiều sự ngộ nhận của đông đảo bạn đọc xưa nay về một số nhân vật và sự kiện nổi tiếng nọ kia. Đó cũng là một cách giải lịch sử, bổ sung lịch sử, sửa chữa lịch sử vốn đã bị viết theo quan điểm chính trị sai lầm xưa nay.

Đặc biệt, bây giờ hồi ký facebook trở thành một thể loại khổng lồ.

Khổng lồ về số lượng người viết hồi ký.

Khổng lồ về nội dung hiện thực đa dạng, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, vui và buồn, và tuyệt vọng.

Tất thảy đều mang bóng dáng lịch sử qua những giai đoạn thăng trầm.

Do FB tiện lợi khi viết và đăng, số lượng những người nổi tiếng viết hồi ký coi như là người đi tiên phong đã kích thích sự hứng khởi của cộng đồng tạo ra thói quen, cảm hứng và phong trào hồi ức. Hồi ức mỗi ngày, chợt nhớ ra hoặc nửa đêm sực tỉnh, ngồi dậy mở máy gõ ít dòng, sợ ngày mai quên mất.

Hồi ức và hồi ký pha trộn các cảm hứng: khao khát lưu giữ hiện thực truyền lại cho hậu thế, cảm xúc phức hợp vừa cay đắng tự trào vừa hài hước.

Thời 4.0 có câu tục ngữ mới:

Một nửa cái bánh mỳ là bánh mì,

Một nửa sự thật, phần còn lại mạng Internet làm nốt”.

Vậy, nếu tổng hợp các loại hồi ức, hồi ký của những người nổi tiếng và cộng đồng rộng rãi FB, Blog sẽ đóng vai trò chấn chỉnh sách lịch sử chính thống từng áp đặt. Hàng vạn mảnh vụn, mảnh ghép hồi ức làm nên lịch sử. và hoàn thành bức tranh lịch sử chân chính của một đất nước, dân tộc.

Giới nhà văn, nhà báo, nhà giáo, cựu chiến binh, cựu quan chức và bạn đọc cao tuổi là lực lượng viết hồi ức, hồi ký mạnh mẽ nhất, phong phú nhất… Đó là sự thật.

Nhân đây xin giới thiệu một chủ đề hồi ký, gọi là hồi ký hồi ức văn học xoay quanh một cây bút nổi danh là Phan Tứ-Lê Khâm. Nhân vật bi-hài này mang theo cả bóng dáng một thời văn học minh họa đã qua.

Hồi ức của người viết nhân đọc hồi ký của bạn hữu làng facebook.

Sau khi tuyên bố ra khỏi Đảng, nhà văn Nguyên Ngọc viết Hồi ký. Công trình này nhắc đến tất cả quan chóp bu văn nghệ, tới tận Lê Đức Thọ, Trường Chinh…

Hồi ký Nguyên Ngọc nhắc nhiều đến nhà văn Phan Tứ-Lê Khâm -người đồng đội, đồng nghiệp trong thời Nội chiến tranh Việt Nam. Sau đó tôi lại đọc Hồi ức của nhà văn đại tá Thái Kế Toại kể về câu chuyện bạc tình của nhà văn Phan Tứ thời hậu chiến nhẫn tâm bỏ rơi người tình cũ và con trai trong chiến tranh (tiểu thuyết Mẫn và Tôi)… Và ung dung cuối đời lãnh giải thưởng Ho Chi Minh.

Nhân đọc hai ông, tôi nhớ lại thời đã đọc một cuốn tiểu thuyết mang tên Trước giờ nổ súng của Phan Tứ-Lê Khâm và nhớ thêm về những cuốn tiểu thuyết Liên Xô, Trung Quốc mà cả lứa thanh niên chúng tôi đọc cùng thời gian đó. Chỉ nhớ lại ba cuốn tiểu thuyết, tôi bỗng ngộ ra bao điều nguy hại của văn chương cách mạng.

Ba tiểu thuyết sau đây phác thảo một diện mạo và bản chất của “văn học xã hội chủ nghĩa”.

Tiểu thuyết Trước giờ nổ súng (tác giả Lê Khâm, tức Phan Tứ). Xuất bản năm 1960, thuộc những tiểu thuyết cách mạng đầu tiên ở miền Bắc.

Bối cảnh: trong giai đoạn ba nước Đông Dương kháng Pháp, Lê Khâm công tác ở trong một trung đội quân tình nguyện Việt Nam sang Lào chống Pháp.

Bên cạnh mảng hiện thực đất nước con người dân tộc Lào, cốt truyện xoay quanh hai tuyến ta và địch. Bên ta gồm có dân chúng, dân quân du kích và bộ đội Lào cùng với một đơn vị bộ đội Việt Nam. Nghệ thuật xây dựng nhân vật theo công thức: ta tốt, địch xấu. Cô gái Lào tên Pha xinh đẹp nhất nhì nước Lào thì giết chồng làm lính Pháp để trả thù cha, xong rồi cô quay ra thương yêu anh bộ đội Việt Nam. Tuy nhiên anh bộ đội này giữ vững lập trường tư tưởng không rung động. Một lần anh ta bị cảm sốt rét trong rừng, cô Pha dìu anh vào trú trong hốc cây cổ thụ. Cô gái xinh đẹp góa chồng cởi hết quần áo nằm ôm ấp anh bộ đội cho ấm lên trong hốc cây. Cô tỏ tình và gợi tình. Nhưng anh ta trơ lỳ như khúc gỗ dù thân thể đã ấm lại, sức khỏe đã hồi phục.

Nghệ thuật miêu tả khô cứng, lập trường đến mức kỳ cục, bất chấp hiện thực và nhân tính. Chồng của Pha là tên Muôn đi lính cho Pháp, về thăm nhà vợ bị cụ Thít La (bố vợ) chửi rủa rồi lấy cây kìm ra đánh, con rể phải bỏ chạy. Khi cụ lên đồn Pháp yêu cầu kiến nghị gì đó, bị tên Muôn phó đồn ra chửi bới. Hai bên đánh nhau, tên con rể đã giết chết bố vợ ngay tại đồn binh. Sau, cô Pha lên thăm chồng chủ yếu để dò la trinh sát cho bộ đội, gặp chồng, hắn uống say rồi kể chuyện đã giết bố Pha như thế nào. Pha chờ hắn ngủ say rồi đập chết chồng.

Nhìn chung sự miêu tả của nhà văn cách mạng rất sống sượng, chẳng cần theo qui luật tâm lý con người. Như thế là gian trá, chỉ cần đạt mục đích tuyên truyền.

Về sau đi vô chiến trường miền Nam, Lê Khâm trở lại tên thực Phan Tứ với tiểu thuyết Mẫn và Tôi. Tôi đọc được nửa chừng cuốn này thì bỏ cuộc. Bởi vì thấy những đoạn vẻ như lặp lại nhàm chán nghệ thuật khô cứng trong cuốn Trước giờ nổ súng).

Cuốn tiểu thuyết thứ 2 của Trung Quốc - truyện Rừng thẳm tuyết dày, nguyên tác Lâm hải tuyết nguyên(tác giả Khúc Ba, Trung cộng ấn hành).

Truyện này vốn đăng nhiều kỳ trên báo Thời Mới, tờ báo tư nhân duy nhất tồn tại ở Hà Nội ra đời từ trước 1954. Sau đó được vài năm báo bị đóng cửa. Tòa báo Thời Mới, sau khi đình bản đã cắt các trang báo đăng truyện Rừng thẳm tuyết dày đóng thành sách, thành quyển và bán lẻ.

Đây là cuốn truyện đầu tiên của Trung Cộng mà tôi đọc được, vì thế nhớ lâu hơn tất cả.

Bộ tiểu thuyết kể giai đoạn quyết liệt của quân Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc trong cuộc chiến đấu “tiễu phỉ”, truy cùng diệt tận nốt “tàn quân Quốc dân Đảng”, sau khi Trung cộng chiếm hết lãnh thổ đại lục Trung Quốc. Bộ tiểu thuyết viết theo thể chương hồi luôn luôn gây hấp dẫn giới bạn đọc bình dân.

Khi đã hiểu lịch sử hiện đại TQ, bạn đọc sẽ bất mãn với tiểu thuyết bóp méo lịch sử và một thứ nghệ thuật sống sượng, tương tự như Trước giờ nổ súngcủa Lê Khâm. Chính quyền Quốc dân Đảng của lãnh tụ Tôn Trung Sơn đường hoàng tiếp nhận chiếu thoái vị của Phố Nghi hoàng đế cuối cùng nhà Thanh vào ngày 10.10 năm 1911 kết thúc cuộc cách mạng Tân Hợi. Khi đó “thổ phỉ” thực sự là đám đông “công nông” dưới sự lôi kéo của chóp bu Đảng cộng sản và Mao đã nổi dậy đánh du kích. Túng thế, chính phủ Quốc dân Đảng rút quân ra đảo Đài Loan. Những người trung thành với chính phủ Tưởng Giới Thạch bị gọi là “thổ phỉ” … Cách kể chuyện của Khúc Ba trong Rừng thẳm tuyết dày cũng na ná như Trước giờ nổ súng của Lê Khâm.

Cuốn thứ 3 là truyện Thép đã tôi thế đấy (tác giả Nikolai Ostrovski, Liên Xô). Xoay quanh chủ đề Cách mạng tháng Mười Nga và Nội chiến. Có một chàng trai Ucraina tên Pavel Cosaghin với tình yêu cao thượng và lý tưởng cộng sản Lê Nin. Chàng trai vô sản học làm thợ nguội, được một cô tiểu thư con nhà tư sản yêu thương. Nhưng cô biết mình không thể đi theo con đường của anh chàng học vấn thấp lại say “mộng mơ mù quáng kia”. Chàng ta đi lính, bị thương và cưới cô y tá cùng giai cấp.

Khi đi học lên đại học, tôi xâu chuỗi ba quyển sách “cách mệnh” kể trên và thấy văn học CM thực là tai hại. Tai hại vì nó nói dối như thật. Khiến cho bao lớp thanh niên ngộ nhận và không còn đường tỉnh ngộ.

Đọc lại bản Tuyên ngôn Đảng Cộng sản năm 1848 của Marx và Engels, thấy có điều kỳ lạ:

Phần I. Tư sản và vô sản

Phần II. Vô sản và cộng sản.

Phần III. Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa

Phần IV. Thái độ của những người cộng sản đối với các đảng đối lập

Và kết thúc bản tuyên ngôn đẫm máu với câu khẩu hiệu:

“Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”

Tuy nhiên năm 2021, thiên hạ truyền nhau một nhận xét thực tế rằng “Vô sản tất cả các nước, hãy buông tay nhau ra!

Kết

Quay trở lại với chủ đề hồi ức văn học, chúng tôi chợt nhận ra một điều mà ngày xưa chưa bao giờ đọc thấy và nghĩ tới: Tuyên ngôn Cộng sản có 4 phần mà dành riêng một phần (thứ III) cho văn học.

Nếu ai đã nghiên cứu văn học thì đủ biết đó là một học thuyết viển vông đến chừng nào!

Thế hệ cao tuổi đã lỡ trớn, nay viết hồi ký hồi ức để chuyển giao cho hậu thế lớp đàn em. Nếu không kịp thì họ sẽ phải ân hận đến giờ phút chót không nhắm được mắt.

G.T.

VNTB gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.