Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

Hồ sơ thuế của Trump: Những tài liệu từ lâu bị che giấu cho thấy, lỗ lã triền miên và nhiều năm tránh né việc đóng thuế (Phần 2)

 

Hồ sơ thuế của Trump: Những tài liệu từ lâu bị che giấu cho thấy, lỗ lã triền miên và nhiều năm tránh né việc đóng thuế (Phần 2)

New York Times

Tác Giả: Russ Buettner, Susanne Craig và Mike McIntire

Dịch Giả: T.Vấn

27-9-2020

Tiếp theo phần 1

Phần 2: Hồ sơ thuế của Tổng Thống

Để hồi đáp bức thư tóm lược nội dung các điểm chính trong bản điều tra của tờ New York Times, Alan Garten, luật sư của tổ hợp Trump đã trả lời rằng “phần lớn, nếu không phải là tất cả, những phát hiện của bài báo đều không chính xác”, đồng thời, Garten yêu cầu được xem những văn kiện mà bài báo căn cứ vào đó để điều tra. Sau khi New York Times từ chối cung cấp cho luật sư Garten các văn kiện mà ông này đòi hỏi với lý do để bảo vệ nguồn cung cấp tin, ông Garten đã trả lời tờ báo nhưng chỉ xoáy trực tiếp vào số tiền thuế mà Donald Trump đã đóng.

Trong bản tuyên bố của mình, ông Garten nói: “Trong suốt thập niên qua, Tổng Thống Trump đã đóng hàng chục triệu đô la tiền thuế cá nhân (personal taxes) cho chính phủ liên bang, kể cả việc đã đóng hàng triệu đô la tiền thuế cá nhân từ khi chính thức loan báo việc tranh cử tổng thống trong năm 2015”.

Tuy nhiên, khi sử dụng thuật ngữ “thuế cá nhân (personal taxes)”, có vẻ như ông Garten muốn gộp tất cả các loại thuế mà ông Trump đã đóng vào cùng với thuế lợi tức (income taxes): Đó là thuế an ninh xã hội (Social Security tax), thuế bảo hiểm y tế khi về hưu và tới tuổi 65 (Medicare tax) và thuế trả cho việc thuê mướn người giúp việc trong nhà.

Ngoài ra, luật sư Garten cũng khẳng định rằng, một phần trong khoản thuế lợi tức mà ông Trump phải đóng được “trả bằng những ưu đãi đặc biệt về thuế cho doanh nghiệp” (paid with tax credits). Đây là một cách đánh lạc hướng, lập lờ con đen trên khái niệm “ưu đãi đặc biệt về thuế cho doanh nghiệp”, vốn được dùng để giảm bớt gánh nặng về thuế lợi tức cho doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp trực tiếp tham dự (và đóng góp) cho các họat động trong nhiều lãnh vực đa dạng, chẳng hạn như nỗ lực bảo tồn các di tích lịch sử, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường v.v…

Những dữ liệu trong hồ sơ khai thuế của Donald Trump mà nhóm phóng viên báo New York Times xem xét, cung cấp một lược đồ tổng quát để dễ dàng nhận ra những đặc điểm chính yếu mà Trump đã sử dụng trong nhiều năm khi báo cáo tình trạng thu nhập của mình với sở thuế: Từ việc khấu trừ vào thu nhập doanh nghiệp những chi phí trả cho luật sư trong một vụ án hình sự (tức trừ đi khoản chi phí này vào thu nhập, khiến thu nhập ít đi, cũng có nghĩa là ông ta sẽ trả thuế ít đi – ND) đến việc khấu trừ chi phí mua một khu nhà giải trí dành cho gia đình đi nghỉ mát vừa tròn đúng số tiền hàng chục triệu đô la TT Trump thu được khi đứng ra tổ chức cuộc thi hoa hậu hoàn vũ năm 2013 ở Moscow (mua nhà để dùng cho mục đích cá nhân không liên can gì đến chi phí trong doanh nghiệp – ND).

Cùng với những văn kiện tài chính liên quan và các hồ sơ khai thuế, những dữ liệu mà nhóm phóng viên New York Times có trong tay, đã cung cấp rất nhiều chi tiết chưa từng được biết tới bên trong đế chế doanh nghiệp của TT Trump. Chúng bộc lộ một sự dối trá, rỗng tuếch và cũng không kém phần ma mãnh, quỷ thuật đằng sau hình ảnh con người tự cho mình là tỉ phú – được đánh bóng nhờ vào chương trình truyền hình “The Apprentice” trên kênh NBC mà ông ta là ngôi sao sáng chói – từ bệ phóng đó đã góp phần đưa Trump đến địa vị chủ nhân tòa Bạch Ốc và hiện nay vẫn còn giúp củng cố lòng trung thành của nhiều người trong nhóm “gà nhà” (base) quyết không bỏ Trump.

Nói một cách chính xác, Donald Trump đã thành công trong việc đóng vai trò một nhà kinh doanh thành đạt hơn là một nhà kinh doanh thành đạt.

Bản điều tra của New York Times cho thấy Trump đã thu được 427.4 triệu đô la từ chương trình truyền hình “The Apprentice” cùng với tiền bán bản quyền khai thác và các hợp đồng bảo trợ khởi nguồn từ vị thế người nổi tiếng (celebrity status) của mình. Ông đã đầu tư phần lớn số tiền đó vào một lọat những lĩnh vực kinh doanh, chủ yếu là xây dựng những sân chơi Golf. Từ đó, những họat động này đã ngốn khá nhiều vốn liếng tiền mặt của ông. Giống hệt như hồi đầu thập niên 1990s, Trump đã kín đáo nhận tiền giúp đỡ của cha mình để tài trợ cho những dự án viễn vông dẫn tới sự sụp đổ thê thảm về tài chính (Từ năm 1991 cho đến năm 2009, doanh nghiệp Trump đã 6 lần khai phá sản vì không đủ khả năng thanh toán nợ nần – ND).

Chương trình truyền hình “The Apprentice” cùng với việc bảo trợ thương mại và các lợi tức khác thu được từ sự nổi tiếng cá nhân (celebrity), đã đem về cho Donald Trump 427.9 triệu đô la. Nguồn: Rob DeLorenzo/Zuma Press

Thật vậy, tình hình tài chính của Trump vào lúc ông ta tuyên bố ý định tranh cử hồi năm 2015 khiến người ta tin rằng ít nhất một phần trong mục tiêu dài hạn của Trump là tìm cách đánh bóng lại khả năng tiếp thị tên tuổi ông ta.

Giữa khi những tranh chấp pháp lý, chính trị trong việc bạch hóa hồ sơ khai thuế của Trump ngày càng trở nên khốc liệt hơn, ông ta có lúc công khai thắc mắc, sao lại có người muốn tìm hiểu những hồ sơ khai thuế cá nhân của mình để làm gì. Năm 2016, Trump tuyên bố với hãng tin AP: “Hồ sơ thuế của tôi chẳng có gì cần biết cả”. Trump cũng mách nước rằng, có rất nhiều thông tin hữu ích cho mọi người trong bản báo cáo tình hình tài chính hàng năm mà ông buộc phải công bố với tư cách là tổng thống – và nhấn mạnh, đó là bằng chứng cho thấy khả năng bậc thầy của ông trong việc phát triển kinh doanh và gặt hái được lợi nhuận vô biên.

Trên thực tế, những bản báo cáo tài chính công khai mà Trump nói đến chỉ đưa ra một nội dung méo mó, đơn giản là vì chúng chỉ nói đến tổng doanh thu mà ông ta nhận được, chứ không phải lợi nhuận (tức thu nhập hay lợi tức có được sau khi trừ đi mọi chi phí liên quan đến kinh doanh – ND). Lấy năm 2018 làm ví dụ. Trump công bố trong bản báo cáo thường niên của mình là năm đó ông ta kiếm được ít nhất là 434.9 triệu đô la. Bản khai thuế lại đưa ra một hình ảnh vô cùng tương phản: Trump khai ông ta bị lỗ (kinh doanh) 47.4 triệu đô la.

Các hồ sơ khai thuế không có đặc tính đánh giá tính hợp pháp của mỗi chi phí doanh nghiệp liên quan (business expense) mà Trump khai để nhằm giảm thiểu số lợi tức bị đánh thuế (taxable income) của mình – chẳng hạn như, chi phí về hành chính và tổng quát tại sân golf Bedminster của Trump ở New Jersey đã tăng gấp 5 lần trong năm 2017 so với năm 2016. Bản khai thuế của Trump không có một lời giải thích nào về sự tăng vọt này.

Trước đó, hồi năm 2016, Trump đã huênh hoang tự hào rằng, khả năng luồn lách không phải đóng thuế của mình chứng tỏ ông ta là “người khôn ngoan” (makes me smart). Nhưng nội dung những bản khai thuế mà chính Trump là chủ sở hữu, đã đá giò lái lời tự sướng của ông ta về khả năng nhạy bén kinh doanh của mình, bằng cách cho thấy rằng Trump đơn giản chỉ đang rót tiền vào các họat động kinh doanh chứ thu về thì chẳng được bao nhiêu.

Bức tranh tài chính nổi bật nhất trong một núi những con số, những mẫu khai thuế mà người kế toán của Trump đang cặm cụi làm việc là hình ảnh vị tổng thống – thương gia đang bị kẹp chặt vào giữa những gọng kềm tài chính.

Phần lớn những họat động kinh doanh cốt lõi của Trump – từ một chuỗi những sân golf cho đến khách sạn có sức thu hút giới bảo thủ ở Washington – đều báo cáo lỗ lã hàng triệu đô la, nếu không nói là hàng chục triệu đô la, hết năm này đến năm khác.

Doanh thu mà Trump kiếm được từ chương trình “The Apprentice” và việc bán bản quyền khai thác (chương trình) đang cạn dần. Nhiều năm trước đây Trump đã bán hầu như sạch sẽ các cổ phần chứng khoán mà giờ đây nếu còn giữ được, số cổ phần ấy chắc chắn sẽ giúp ông ta lấp được các lỗ hổng trong nỗ lực bảo toàn những tài sản đang có nguy cơ bị mất.

Rồi lại lù lù những cuộc truy vấn của sở thuế (tax audits).

Trong vòng 4 năm tới, các khoản nợ tổng cộng hơn 300 triệu đô la – những khoản nợ mà cá nhân Trump trực tiếp chịu trách nhiệm – sẽ tới kỳ đáo hạn.

Trên cái nền của hình ảnh ảm đạm ấy, những số liệu tài chính của Trump ngày càng vạch rõ những mâu thuẫn quyền lợi tiềm ẩn và đang xảy ra trước mắt mà nguyên nhân của chúng là do chính Trump từ chối không chịu từ bỏ các họat động kinh doanh cá nhân trong lúc tại vị ở nhiệm vụ tổng thống. Những cơ sở kinh doanh của Trump đã trở thành những cửa hàng nhận tiền trực tiếp từ những tay chạy lobby, các viên chức ngọai quốc và những kẻ cầu được gặp mặt tổng thống, được ban phát những ân sủng hay cơ hội trục lợi nào đó; lần đầu tiên, bản khai thuế của Trump chứa đựng con số chính xác cho những thương vụ vừa nói đến.

Tại câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida, từ năm 2015, một đợt sóng tân hội viên rủ nhau ghi danh giúp Trump bỏ túi thêm gần 5 triệu đô la doanh thu của câu lạc bộ. Năm 2017, hiệp hội những người truyền bá phúc âm của mục sư Billy Graham đã trả khoản tiền $397,602 đô la cho chi phí thuê khách sạn của Trump ở Washington. Nơi đây, ít nhất đã có một buổi họp diễn ra trong sự kiện 4 ngày có tên là “Hội nghị toàn thế giới bảo vệ những người Ki-tô giáo bị ngược đãi”do hiệp hội này tổ chức.

Bản điều tra của New York Times cũng đã thu thập được toàn bộ con số lợi tức mà Trump nhận được qua các họat động kinh doanh quốc ngọai, ở những nơi thế lực cá nhân của ông ta lấn lướt hẳn nền ngọai giao chính thống của Hoa Kỳ.

Khi mới nhậm chức, Trump hứa sẽ không theo đuổi các hợp đồng mới ở ngoài nước Mỹ trong thời gian ông ta còn tại vị tổng thống. Dù vậy, chỉ trong hai năm đầu tiên làm cư dân trong Tòa Bạch Ốc, tổng thu nhập từ những họat động kinh doanh ở nước ngoài của Trump là 73 triệu đô la. Và trong khi phần lớn trong số thu nhập ấy là đến từ hai sân golf ở Scotland và Ireland, thì số còn lại đến từ việc bán bản quyền chương trình truyền hình “The Apprentice” ở những quốc gia có các nhà lãnh đạo độc tài, chuyên chế hay những quốc gia có vị thế địa chính trị gai góc – như Philippines với doanh thu 3 triệu, Ấn Độ với doanh thu 2.3 triệu và 1 triệu đô la ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ở Philippines, nơi Donald Trump cho phép tòa tháp Manila được mang tên mình, Trump và công ty đã trả cho chính phủ Philippines $156,824 đô trong năm 2017. Nguồn: Hannah Reyes Morales/ NYT

Trump khai (trong hồ sơ thuế) đã trả thuế lợi tức ở nước ngoài cho một số họat động kinh doanh tại hải ngọai của ông ta. Năm 2017, ông ta đóng góp $750 vào việc duy trì guồng máy vận hành của chính phủ Hoa Kỳ, nhưng con số này quá nhỏ nhoi so với con số mà ông ta (và các công ty của mình) đã đóng góp (trả thuế lợi tức) cho Panama $15,598; cho Ấn Độ $145,400 và cho Philippines $156,824.

Con số tiền thuế mà tổng thống Donald Trump đóng cho nước Mỹ, sau khi đã tính toán khấu trừ số bị lỗ lã do kinh doanh tồi tệ, hầu như vừa ngang bằng số tiền thuế (không tính đến sự sai biệt do đồng tiền bị lạm phát) mà một vị tổng thống Hoa Kỳ khác đã trả cách đây nửa thế kỷ. Năm 1973, tờ The Providence Journalđã tiết lộ rằng, sau khi khấu trừ khoản đóng góp từ thiện bằng việc cho đi những tài liệu giấy tờ mang dấu triện tổng thống, Richard Nixon đã chỉ trả có $792.81 cho khoản lợi tức $200,000 ông thu về trong năm 1970.

Sự kiện cựu tổng thống Nixon đóng một số tiền thuế lợi tức quá khiêm tốn bị tiết lộ, đã khiến dấy lên một cơn phẫn nộ chưa từng có tiền lệ trước đó. Từ đó trở đi, các vị tổng thống, các ứng cử viên tổng thống, luôn sẵn sàng bạch hóa các hồ sơ khai thuế của mình cho công chúng được lãm tường.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.