Tôn giáo và bầu cử
Hoàng Thủy Ngữ
29-9-2020
Từ ngày đầu tiên của Cộng hòa Hoa Kỳ, Nhà thờ đã được tách khỏi nhà nước. Nhưng điều đó không ngăn cản các chính trị gia cầu khẩn Chúa hoặc chụp mũ đối thủ là kẻ vô thần để kiếm phiếu.
Đức tin rất mạnh ở Hoa Kỳ. Theo nhiều cách khác nhau, sự biểu hiện tôn giáo ở quốc gia này mạnh hơn nhiều so với các nước châu Âu.
Tại một cuộc vận động bầu cử ở Ohio hồi tháng 8, tổng thống Donald Trump nói với những người ủng hộ rằng, ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden sẽ tước đoạt vũ khí của họ: “Không có tôn giáo. Làm hỏng Kinh thánh. Làm hại Chúa. Ông ta chống lại Chúa. Ông ta chống lại súng. Ông ta chống lại năng lượng, dạng năng lượng của chúng ta“.
Trong các cuộc vận động bầu cử, người ta hay đề cập các đề tài về xã hội, kinh tế, chính trị, luật pháp, khí hậu và chính sách năng lượng. Nhưng việc Trump tuyên bố Biden sẽ dẹp bỏ tôn giáo, làm hại cả Chúa và Kinh thánh khiến nhiều người ngạc nhiên.
Trump đã quên rằng Joe Biden là người Công giáo, là một con chiên ngoan đạo. Biden đã rất nhiều lần nói về đức tin của mình. Ông ấy kể đức tin đã mang lại cho ông niềm an ủi và sức mạnh như thế nào, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời ông. Và cũng chính đức tin đã làm ông khiêm tốn trong những lúc vui mừng và đắc thắng.
Trump nói ông yêu thích Kinh thánh nhất. Ông xếp Kinh thánh trước cuốn sách Bàn về Nghệ thuật Đàm phán của mình. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn, trong chiến dịch tranh cử năm 2015, ông ta không thể dẫn được một câu trích ra từ cuốn sách mà ông yêu thích nhất.
Tuy vậy, vào mùa hè năm nay, ông ta đã mang theo Kinh thánh đến Nhà thờ St. John’s gần Tòa Bạch Ốc. Ông yêu cầu cảnh sát bắn khói cay giải tán những người biểu tình ôn hòa để dọn đường cho ông đi đến đó. Trump cầm cuốn Kinh thánh khi đứng chụp ảnh trước Nhà thờ. Linh mục Episcopal của Nhà thờ đã phản ứng mạnh do việc Trump sử dụng thánh thư và Nhà thờ cho mục đích chính trị, nhưng thông điệp không dành cho bà. Nó dành cho những người ủng hộ trung thành nhất của Trump, cánh hữu Cơ đốc giáo da trắng.
Những người theo đạo Tin lành Truyền đạo chiếm khoảng 25% dân số Hoa Kỳ. 15% thuộc về các giáo phái Tin lành khác. Các nhà thờ Tin lành người Mỹ gốc Phi truyền thống tập hợp khoảng 6-7%. 1/5 người Mỹ theo đạo Công giáo. 6% liên kết với một tôn giáo khác và khoảng 23% không theo tôn giáo nào. Nhóm sau cùng này đang phát triển nhanh nhất ở Hoa Kỳ.
Người da trắng, những người theo đạo Tin lành là khu vực bầu cử quan trọng nhất của Trump. Hơn 80% trong số đó đã bỏ phiếu cho ông vào năm 2016 và nhiều người nói rằng họ sẽ làm như vậy một lần nữa vào tháng Mười Một. Họ có lý do để hài lòng về Trump. Trump đã giữ lời hứa với họ.
Trump đã bổ nhiệm 200 thẩm phán liên bang bảo thủ. Việc bổ nhiệm 3 thẩm phán bảo thủ vào Tối cao Pháp viện sẽ làm thay đổi cán cân, có lợi cho cánh hữu. Đối với những cử tri này, đây là vấn đề của trái tim. Trong số những điều khác, họ muốn thay đổi luật phá thai tự quyết và bảo đảm sự ủng hộ của công chúng đối với các cơ sở giáo dục tôn giáo.
Một số người Cơ đốc theo đạo Tin lành coi mọi thứ xảy ra ở Trung Đông là một phần của kế hoạch thần thánh, điều mà họ tìm thấy trong các văn bản Cựu ước. Những lời tiên tri về thời kỳ cuối cùng sẽ được ứng nghiệm. Đấng Christ sẽ trở lại và được người Do Thái công nhận là Đấng Messias.
Trump đã chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, chấp thuận việc Israel sáp nhập cao nguyên Golan và đàm phán các thỏa thuận về Bờ Tây với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain đã bình thường hóa quan hệ với Israel, với sự giúp đỡ của Trump.
Những người theo đạo Tin lành ít quan tâm đến hành vi, hạnh kiểm và cuộc đời riêng của Trump. Họ suy nghĩ theo tiêu chuẩn kép, coi thường tất cả các vụ bê bối và kiện tụng. Đối với họ, Trump là một công cụ (hay thiên sứ ??!!) và ông ta làm được việc.
Sự phản đối Trump đặc biệt mạnh mẽ trong những người da đen theo đạo Tin lành, người Công giáo gốc Tây Ban Nha và những người không theo tôn giáo. Cộng đồng công giáo Hoa Kỳ bị chia rẽ 50/50 do khác biệt quan điểm chính trị đảng phái. Phần lớn trong số đó đã bỏ phiếu cho Trump vào năm 2016, nhưng vào năm 2008, họ thích Barack Obama hơn John McCain.
Joe Biden có thể trở thành tổng thống công giáo thứ hai của Hoa Kỳ. Chuyện John F. Kennedy là người công giáo đã từng là chủ đề gây tranh cãi dữ dội vào năm 1960. Biden không gặp phải rào cản tương tự. Nhưng cũng không chắc là đa số người công giáo sẽ bỏ phiếu cho ông. Trump có sự ủng hộ đáng kể, đặc biệt là trong số những người công giáo da trắng và những người bảo thủ.
Các cuộc thăm dò dư luận do viện nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy, 3/4 người Mỹ cho rằng các cộng đồng tôn giáo không nên giới thiệu các ứng cử viên chính trị. Đồng thời, một nửa trong số họ tin rằng, điều rất quan trọng là tổng thống phải có đức tin tôn giáo mạnh mẽ. Nhiều người còn nghĩ rằng Kinh thánh nên có ảnh hưởng trong việc hình thành luật pháp quốc gia.
Mặc dù Hiến pháp là thế tục, nhưng Thiên Chúa được viết trong Tuyên ngôn Độc lập. Hàng ngày, tại các trường công lập, ngoại trừ ở 4 tiểu bang, học sinh đứng lên và tuyên thệ trung thành với lá cờ và “một quốc gia dưới quyền của Chúa”. Đồng đô la ghi rõ, chúng ta tin tưởng Chúa. Tại Quốc hội, 9 trong số 10 dân biểu và nghị sĩ tự nhận mình là người Cơ đốc.
Hầu như tất cả các nhà lãnh đạo nắm giữ chức vụ tổng thống đều đặt tay lên cuốn Kinh thánh khi tuyên thệ. Năm 2017, Trump đã mượn cuốn Kinh thánh cũ của Abraham Lincoln. Và tại hầu hết các buổi lễ nhậm chức kể từ năm 1881, vị tổng thống mới đều thêm dòng chữ: So help me God.
Biden hoặc Trump sẽ lặp lại lời nguyện cầu vào mùa đông này. Và dù kết quả bầu cử như thế nào, Hoa Kỳ vẫn sẽ không trở thành một quốc gia vô thần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.