Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

Đắk Lắk sai bét nhè rồi

 

Đắk Lắk sai bét nhè rồi

Võ Văn Tạo

29-9-2020

Tiến sĩ “chân vịt” Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk. Nguồn: Báo Thanh Niên

Một tuần đã trôi qua, scandal C.A Đắk Lắk bắt cóc vợ chồng TS Phạm Đình Quý, giảng viên ĐH Tôn Đức Thắng vẫn trong thế lùm xùm, như cái xương mắc trong họng ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk, cùng C.A tỉnh này. Nuốt không vô, khạc chẳng ra.

Những tưởng quyền uy của một Ủy viên Trung ương đảng, cùng danh nghĩa công an tỉnh Đắk Lắk có thể che lấp hành vi rừng rú, họ ngang nhiên chà đạp trắng trợn lên luật pháp hiện hành.

Nhiều người đã lên tiếng, gọi đây là hành vi của bọn lục lâm thảo khấu, chứ không phải công an, lại càng không nên có ở một Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư tỉnh ủy.

Họ phân tích, C.A Đắk Lắk đã hình sự hóa một vấn đề dân sự. Đành rằng ông Cường có thể chọn cách kiện dân sự, nhưng cách lập luận chỉ được kiện dân sự như vậy chưa kín cạnh.

Bô luật Hình sự có điều 156 về “Tội vu khống”, với hình phạt tối đa là 2 năm tù và bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần. Nhưng nghiệt ngã thay, vào năm 2017, cơ quan thẩm quyền của Đại học Hàng hải đã có văn bản kết luận ông Cường có sao chép để làm luận văn của mình.

Như vậy, việc đạo văn là có thật. Ts Quý không hề vu khống.

Dường như không vững tin hành vi bắt TS Quý là đúng pháp luật, nên ban đầu C.A Đắk Lắk tuyên bố họ “mời làm việc” chứ không phải bắt tạm giam. Bị dư luận, báo chí và cộng đồng mạng phản ứng dữ dội, sau vụ bắt giữ trái phép vài ngày, họ xoay sang khởi tố vụ án (không rõ đã khởi tố bị can và ra quyết định tạm giam, được VKS Đắk Lắk phê chuẩn chưa? Coi chừng khởi tố bị can ẩu, tạm giam trái pháp luật, thì ăn cho đủ khi phải bồi thường!).

Cho dù có khởi tố bị can và quyết định tạm giam, trước khi tiến hành bắt, công an phải thông báo cho gia đình, cơ quan, và phải có chứng kiến của đại diện nhân dân nơi vợ chồng TS Quý cư trú. Và việc bắt tạm giam chỉ áp dụng khi nếu nghi can tại ngoại, có thể tiếp tục gây nguy hiểm cho xã hội, hoặc xóa dấu vết tội phạm. Đằng này, TS Quý công khai gửi đơn tố cáo ông Cường đạo văn đến các cơ quan hữu quan ở Trung ương và báo chí, khá lâu rồi.

Nhưng C.A Đắk Lắk bất chấp mọi quy định của pháp luật tố tụng hình sự, đã bất ngờ bắt giữ trái pháp luật vợ chồng TS Quý trong lúc họ đi ăn tối ở một nhà hàng tại TP HCM, trước sự ngỡ ngàng của mọi thực khách tình cờ có mặt và chủ quán. Đã vậy, sáng hôm sau, họ thả vợ TS Quý, bắt cam kết không được cho ai biết vụ bắt cóc.

Cần biết rằng, theo quy định hiện hành của pháp luật, công chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.

Trong các thủ tục tố tụng hình sự, không có khái niệm “mời làm việc”. Đây là trò lừa đảo, lạm quyền của cơ quan điều tra, đã thành quốc nạn phổ biến, do bộ C.A và các cơ quan bảo vệ pháp luật dung dưỡng. Trách nhiệm trước hết thuộc về Cục Điều tra của VKSND Tối cao. Nếu thực hiện đúng chức trách, Cục phải lập tức ra Quyết định khởi tố vụ án “bắt giữ người trái pháp luật”, khởi tố các bị can liên quan. Đó là cách tốt nhất để giữ cho bộ mặt chế độ đỡ lem luốc thêm.

Lạ lùng thay, cả tuần qua, khi cộng đồng mạng và truyền thông nước ngoài rầm rộ phản ánh, báo chí trong nước cũng lên tiếng, các cơ quan bảo vệ pháp luật hữu trách Trung ương vẫn mũ ni che tai. Dường như uy tín đảng, nhà nước, danh dự quốc thể đối với họ chẳng là gì?!

Kết quả kiểm tra chống sao chép luận văn của ông Bùi Văn Cường. Ảnh trên mạng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.