Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Cập nhật vụ Bí thư Bùi Văn Cường, bắt người tố cáo để bịt miệng

 

Cập nhật vụ Bí thư Bùi Văn Cường, bắt người tố cáo để bịt miệng

BTV Tiếng Dân

Hơn một tuần sau vụ võ sư – TS Phạm Đình Quý bị công an Đắk Lắk bắt cóc khi ăn tối cùng vợ ở quận 7, Sài Gòn, trường ĐH Tôn Đức Thắng lên tiếng về giảng viên bị bắt giữ, VietNamNet đưa tin. Ông Trần Trọng Đạo, người được giao nhiệm vụ quản lý, điều hành các hoạt động của trường này trong thời gian Hiệu trưởng Lê Vinh Danh bị đình chỉ, cho biết, sau khi thông tin vụ việc xuất hiện trên báo chí, gia đình ông Quý đã có đơn gửi tới trường.

Ông Đạo không nói rõ hồi đáp đơn của gia đình TS Quý của nhà trường, mà chỉ nói thêm, đến nay trường vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ công an tỉnh Đắk Lắk, nên nhà trường đã gửi văn bản tới cơ quan này chờ xác minh: “Chúng tôi đang chờ thông tin chính thức từ Công an tỉnh Đắk Lắk để thông tin chính thống cho giảng viên, sinh viên nhằm ổn tình hình nội bộ đồng thời sắp xếp giờ dạy của thầy Quý”.

Trong lúc công luận vẫn đang tập trung vào TS Quý, số phận của một con người khác cũng đang chịu nguy hiểm không kém, thậm chí bị bắt trước cả TS Quý, đó là TS Hoàng Minh Tuấn. Công an Đắk Lắk khởi tố bị can đối với ông Hoàng Minh Tuấn về hành vi vu khống, theo báo Người Lao Động. Ông Tuấn cũng là võ sư và là học trò của TS Quý, đã cùng thầy mình tố cáo hành vi đạo văn của Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường. Đến nay, chỉ mới có báo Người Lao Động đưa tin về vụ ông Tuấn bị khởi tố.

Facebooker Nguyễn Hoài Nam phân tích vụ bắt giữ tiến sĩ Quý: Nếu Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố bị can tiến sĩ Phạm Đình Quý và Hoàng Minh Tuấn là thiếu cơ sở! Ông Nam chỉ ra: “Việc tố cáo Bí thư Cường đạo luận văn, chưa thấy có cơ quan nào khẳng định tố cáo không có cơ sở, hoặc tố cáo sai sự thật, bởi lẽ đây là công trình khoa học, cần phải có cơ quan chuyên môn vào cuộc và kết luận”.

“Theo tài liệu tố cáo Bí thư Cường sử dụng 07 tài liệu khoa học khác copy vào luận án của mình, những tài liệu này là của những nghiên cứu sinh đã bảo vệ những năm trước đó. Muốn biết có đạo hay không, phải có Hội đồng Khoa học nghiên cứu và kết luận mới đủ cơ sở khẳng định việc tố cáo sai sự thật”. Nhưng công an Đắk Lắk đã tự làm hết phần việc của hội đồng khoa học, VKSND và TAND cùng cấp.

“Luận án tiến sĩ” của Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường và các tài liệu được cho là nguồn để ông Cường đạo văn. Ảnh: FB Nguyễn Hoài Nam

Nhà báo Đoàn Bảo Châu có bài: Lương tri của bạn đang thức, đang ngủ, đang đi chơi hay chết hẳn rồi? Ông Châu lưu ý, chi tiết luận văn của Bí thư Cường tạm thời “biến mất” trên trang của ĐH Hàng hải rồi sau đó xuất hiện lại. Diễn biến cho thấy vụ ông Quý và ông Tuấn tố cáo ông Cường đạo văn là có cơ sở.

Ông Châu viết: “Bùi Văn Cường, người bị tố cáo đạo văn tiến sỹ hoàn toàn có thể chứng minh cho sự chính trực của mình nếu tiến hành khởi kiện để làm rõ trắng đen. Tôi hiểu cái chức bí thư tỉnh uỷ nó to đến đâu và quyền lực đến đâu, việc dùng công an để bắt khẩn cấp người tố cáo mình là trong tầm tay nhưng đấy không phải là một cách làm đường hoàng và thượng tôn pháp luật“.

Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ bình luận: Pháp luật không thể bảo vệ cho loại cán bộ ăn cắp! Người xưa có câu: “Cây ngay không sợ chết đứng”, các hành động của Bí thư Cường cho thấy điều ngược lại:

“Chưa bàn đến động cơ của người tố cáo, chỉ bàn đến hành vi bị tố cáo – hành vi ăn cắp – pháp luật cần làm rõ, cần có hội đồng chuyên môn – thậm chí các cơ quan bảo vệ tác quyền thẩm định để làm rõ. Hãy sòng phẳng với công luận: nếu anh cho rằng người tố cáo vu khống, thì anh cũng phải chứng minh kẻ kia không ăn cắp. Luận văn sờ sờ ra đấy, dù đã bị tháo xuống nhưng các bản chụp đã đủ đầy”.

Ông “vua” Đắk Lắk Bùi Văn Cường. Nguồn: VnEconomy

Nhà báo Lưu Trọng Văn có bài giúp ông Cường thoát khỏi vụ bê bối này trong danh dự: Mách nước cho đồng chí Bùi Văn Cường… Ông Văn viết: “Đồng chí không cần bất cứ thế lực chính quyền nào can thiệp bảo vệ thanh danh uỷ viên trung ương đảng của đồng chí làm gì, mang tai tiếng cậy quyền thế, mà chỉ cần đề nghị Hội Khoa học Công nghệ Tàu thuỷ VN đứng ra bảo vệ thanh danh tiến sĩ hàng hải cho đồng chí“.

Về quyền lực của “ông vua không ngai” Bùi Văn Cường ở Đắk Lắk, Facebooker Nguyễn Hoài Nam cho biết“Tháng 8 một PV ở Tp HCM nhắn tin cho bí thư Cường xác nhận về đơn tố cáo. Vài ngày sau có 3 CA tỉnh Đắc Lắc mang giấy giới thiệu đến làm việc yêu cầu PV cung cấp nguồn tin tố cáo. Rõ ràng Bí thư Cường rất mạnh. Đã chỉ đạo CA tỉnh vào cuộc nhanh như cắt để tìm ai tố cáo mình. Hình như CA tỉnh Đắc Lắc làm việc cho riêng cá nhân Bí thư Cường thì phải”.

Giấy giới thiệu liên quan đến vụ công an Đắk Lắk yêu cầu PV ở TP HCM cung cấp nguồn tin tố cáo Bí thư Cường. Ảnh: FB Nguyễn Hoài Nam

Bắt người hơn một tuần qua, bây giờ mới đưa tin: Giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng bị bắt khẩn cấp mời luật sư bào chữa, theo báo Tiền Phong. Tựa bài báo dễ gây hiểu lầm, khi nói người bị bắt khẩn cấp, tức TS Quý, mời luật sư bào chữa. Nhưng nội dung bài báo cho thấy, chính gia đình ông Quý làm thủ tục mời LS bào chữa. Cách đưa tin dễ gây hiểu nhầm là TS Quý lên tiếng từ nơi tạm giữ và đề nghị mời LS, trong khi theo gia đình ông Quý thì từ hôm ông bị bắt cóc đến nay, họ không liên lạc được, không biết tình hình của ông thế nào.

Về đơn của Hiệu trưởng Danh gửi lên TAND TP HCM vào ngày 1/9 để kiện Tổng LĐLĐ VN, hôm nay, TAND TP HCM đã hồi đáp, quyết định không thụ lý đơn kiện của Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, theo Zing. Tin cho biết, ông Danh đã nộp đơn khởi kiện, yêu cầu tòa án hủy quyết định số 1228/QĐ-TLĐ ngày 21/8 của Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ VN với nội dung tạm đình chỉ công tác của ông Danh trong 90 ngày.

TAND TP HCM cho rằng, “quyết định trên mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức theo quy định Luật Tố tụng Hành chính 2015. Do đó, khiếu kiện này không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa”. Lưu ý, Tổng LĐLĐ VN đã ra quyết định trên sau khi Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng ủy ĐH Tôn Đức Thắng với ông Danh.

Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm qua 30/9, Bộ Giáo dục nói về việc đình chỉ hiệu trưởng đại học Tôn Đức Thắng, theo báo Tiền Phong. Trước câu hỏi rằng, quyết định đình chỉ chức Hiệu trưởng của ông Danh có sai luật hay không, bởi theo luật 34 của luật Giáo dục ĐH, thẩm quyền đình chỉ thuộc về Hội đồng nhà trường, chứ không phải cơ quan chủ quản, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc giải thích:

“Việc giải quyết và xử lý liên quan tới trường ĐH Tôn Đức Thắng hiện nay, các cơ quan hữu quan không chỉ thực hiện theo Luật sửa đổi số 34, Nghị định 99 mà vận dụng tất cả các quy định của pháp luật, các luật khác liên quan đến sự nghiệp công lập. Đối với trường hợp, đảng viên và tổ chức đảng áp dụng các quy định của đảng”.

_____

Mời đọc thêm: Bắt khẩn cấp một tiến sĩ giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng(BVPL). – Trường ĐH Tôn Đức Thắng chưa nhận được thông báo việc tạm giữ TS Phạm Đình Quý? (NLĐ). – Vấn nạn người tố cáo bị ngược đãi, đe dọa, trả thù qua vụ giảng viên Phạm Đình Quý (RFA). – Trường ĐH Tôn Đức Thắng: Sai phạm đấu thầu, “chế” biên bản họp, thiếu minh bạch trong công bố thu nhập (LĐ).

– Bộ GD&ĐT thông tin vụ đình chỉ Hiệu trưởng ĐH Tôn  Đức Thắng (Infonet). – TAND TP HCM trả lại đơn kiện của ông Lê Vinh Danh (NLĐ). – Không thụ lý đơn kiện của nguyên hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng (TT). – Những nguồn đầu tư nào đã góp phần xây dựng Trường đại học Tôn Đức Thắng? (GDVN). – Những gì xảy ra ở thời điểm này có thể được xét lại ở thời điểm khác (FB Bạch Hoàn).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.