Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Không chỉ phản khoa học mà còn phản chủ

 

Không chỉ phản khoa học mà còn phản chủ

Chu Mộng Long

1-10-2020

Ông Nguyễn Minh Thuyết và những người làm Chương trình và sách giáo khoa tiếng Việt vào đây mà đổ lỗi. Đổ lỗi cho ai thì ông cứ suy nghĩ ba ngày rồi trả lời, kẻo bị hố.

Từ lâu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tuyên bố “Chấm dứt việc dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp Một”, vì “Trẻ học chữ trước khi vào lớp Một là phản khoa học”. Tôi nói thêm, một Tổng chủ biên chương trình kiêm Tổng chủ biên sách giáo khoa mà chống Bộ chủ quản là phản chủ.

Một chủ trương giáo dục “lấy người học làm trung tâm”, “phát huy tính chủ thể của người học” mà bất chấp khả năng và nhu cầu của người học, thì tính phản chủ đang vượt quá mức có thể chấp nhận được.

Các nghiên cứu về tâm lý – giáo dục hiện đại, bằng những thực nghiệm khoa học khách quan, đã chỉ ra trẻ ở giai đoạn mầm non chỉ có tiềm năng từ trực quan chuyển sang nhận biết cái đại diện ở dạng tương đương, tức cái thay thế có tính chất gần giống thật. Chẳng hạn, một đồ chơi là con gấu bông thay thế cho con gấu thật, từ đó phát triển đến tư duy hình thành biểu tượng. Trong khi chữ viết ghi âm là một dạng ký hiệu trừu tượng do tính chất khác biệt với hình ảnh trực quan, trẻ em tuổi mầm non nhận biết rất khó khăn, vượt sức tư duy của nó.

Bằng chứng giai đoạn khó khăn nhất của trẻ là nhận diện các chữ cái, dạy cho chúng khoảng năm chữ cái trở lên là chữ nọ lẫn chữ kia. Chữ ghi âm không có một tương đương nào khi quy chiếu với hiện thực. Cho nên, việc cấm dạy chữ cho trẻ trước giai đoạn vào lớp Một là chủ trương của toàn cầu, không chỉ Việt Nam. Việc ép dạy chữ trước tuổi cho trẻ mang lại một hậu quả nghiêm trọng là làm cho trẻ rối loạn chức năng não và có thể rơi vào từ tâm thần nhẹ đến nặng, trừ phi có nền giáo dục cố tình làm vậy để hại trẻ em .

Tôi đồ rằng, ông Thuyết và các nhóm biên soạn sách giáo khoa tiếng Việt chỉ hóng hớt về giáo dục học hiện đại của thế giới chứ chưa đọc kỹ một trang nào nên cứ làm tới, bất chấp tính khoa học của giáo dục. Nhưng tôi cũng ngạc nhiên, ông Thuyết là một chuyên gia ngôn ngữ học, ít nhất ông cũng phải hiểu từ chữ cái đến âm hay từ luôn là ký hiệu và khái niệm trừu tượng chứ không phải là một quy chiếu tương đương giữa hiện thực và cái thay thế, tức cái ảo là ngôn từ. Nếu ông hiểu thỉ ông đã không thiết kế một chương trình tổng thể mà ngay trong thời gian ngắn, trẻ lớp Một đã có thể phải đọc hiểu các loại sách khác nhau.

Một trong những nguyên tắc của dạy học phát triển năng lực là dựa vào khả năng và nhu cầu khách quan của người học, tránh áp đặt chủ quan. Khi xây dựng chương trình và viết sách giáo khoa cho dạy học phát triển năng lực, ắt người làm chương trình phải lắng nghe ý kiến từ phía người học, mà đối với trẻ con chưa biết gì thì hoặc phải qua thực nghiệm, hoặc phải dựa vào phụ huynh và các tiếng nói khác của đời sống xã hội. Chúng tôi làm chương trình ở đại học cũng phải làm điều đó mới vượt qua kiểm định. Nhưng ông Thuyết đã làm gì? Chương trình và sách giáo khoa chỉ tổ chức các hội đồng thẩm định rồi bỏ phiếu thông qua nhanh.

Đừng nói là “chúng tôi đã lắng nghe các ý kiến góp ý rộng rãi”. Chính ông Thuyết, trong một bài phỏng vấn báo chí, ông dẫn giáo dục thế giới ở hạng bét ra so sánh rồi tuyên bố: “Có bao giờ xã hội bằng lòng với giáo dục đâu?”. Có nghĩa là, lẽ ra phải tiếp thu ý kiến “không bằng lòng” ấy để điều chỉnh thì ông lại trịch thượng như thể “chúng mày không bằng lòng thì kệ chúng mày, tao vẫn cứ làm theo ý chí chủ quan của tao!” Cho nên, theo tôi, nếu có ý kiến trái chiều khi làm chương trình, ông và các cộng sự của ông đã vứt vào sọt rác.

Cho nên, không ngạc nhiên khi bà Nguyễn Hoàng Ánh ngạo nghễ nói: “Phụ huynh là lực cản lớn nhất của giáo dục“, vì lý do 1) thiếu hiểu biết (ngu), 2) không chịu đầu tư nhiều tiền cho con em mình để hưởng giáo dục chất lượng cao (nghèo), chính ông Thuyết như kẻ vớ được vàng, share bài và khen: “Thẳng thắn và sâu sắc!”. Một kẻ làm Chương trình và sách, tức điều hành cả một nền giáo dục mà coi khinh phụ huynh, coi khinh người học, trong đó coi khinh cả những ý kiến trái chiều của những người có trình độ như chúng tôi thì liệu đủ tầm và tâm không?

Giáo dục như vậy mà tuyên bố “dạy học phát triển năng lực”, “lấy người học làm trung tâm” là dối trá trắng trợn. Phát triển năng lực gì khi người làm chương trình, làm sách bắt con cá phải leo cây để chính trẻ em là con cá đó, nói như A. Einstein, nó sẽ sống nhưng suốt đời nó tưởng nó ngu!

Thì đấy, sách giáo khoa lớp Một gồm 9 đầu sách đủ các loại, kể cả sách dạy đạo đức Bác Hồ. Có nghĩa là, dù Bộ cấm dạy chữ trước ở mầm non, nhưng dù không hiển ngôn, ông Thuyết đã mặc định điều kiện tiên quyết là, để học và đọc được các loại sách lớp Một đó, trẻ em phải đọc thông viết thạo từ mầm non!

Bây giờ thì nhiều phụ huynh kêu khóc khi cả tin vào Bộ. Những phụ huynh nào tuân thủ nghiêm ngặt điều cấm của Bộ thì giờ đây con em mình vào lớp Một sẽ không thể theo kịp các bạn học trước và rơi vào tự kỷ, một dạng tâm thần phân liệt. Giải pháp mà ai đã xi nhan cho cô giáo dạy lớp Một: ngoài học trên lớp, phụ huynh phải có trách nhiệm kèm thêm cho con mình vào ban đêm? Phụ huynh kèm thêm hay phải cho con em đi học thêm ngay từ trứng nước?

Và, theo tôi, thà là học trước, dù quá sức nhưng cũng giống như cái gánh nặng mỗi ngày cứ tăng lên một ít thì có là trẻ em cũng dần quen, dù sau này lớn lên sẽ ngu hoặc tâm thần. Đằng này, trong một thời gian ngắn, mỗi ngày trên lớp dồn một gánh chữ, về nhà thêm một gánh chữ nữa thì cái đầu trẻ em bị nổ ra thành cái gì? Có tột cùng gian ác không?

Không chừng, trong vụ phụ huynh kêu khóc này, ông Thuyết và các cộng sự lại đổ lỗi, rằng Bộ cấm trẻ em học chữ trước tuổi là Bộ ngu, phụ huynh không cho con em mình học chữ trước khi vào lớp Một là phụ huynh ngu? Và đấy, chính giáo viên dạy lớp Một đã đánh giá những em bé không học trước là “chậm tiến”, không chừng, chính những em bé ấy tưởng mình ngu. Rốt cuộc trên đời chỉ còn ông Thuyết và các cộng sự là khôn, khôn đến mức biến nhà trường và xã hội thành trại tâm thần?

Ông Nguyễn Minh Thuyết và các cộng sự của ông đã nhiều lần tham gia cải cách giáo dục, càng cải cách càng gây nhiều hệ luỵ mà không có một tổng kết đánh giá nào nghiêm túc để rút kinh nghiệm. Tôi nhắc lần nữa lời A.Einstein cho ông và các cộng sự của ông nhớ: “Không thể sửa sai bằng bàn tay của kẻ đã làm sai!” Biết tự trọng thì đã đến lúc không để tội lỗi chồng lên tội lỗi, nên rút nhanh khỏi cuộc chơi gọi là “cải cách” được rồi

Các giáo sư tiến sĩ hàng đầu của giáo dục đâu, lên tiếng đi, dù là phản biện lại từng điều tôi viết, hay phải ngậm miệng vì cùng giuộc với ông Thuyết?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.