Sự bế tắc chính trị của đảng CSVN
Published on December 15, 2014 · No CommentsHội Nghị Trung Ương 10 (HNTU10) sẽ họp ngày 20.12.2014. Đây là hội nghị quan trọng để giải quyết hai vấn đề lớn cho Đại Hội 12 (ĐH12) mà nếu tổ chức đúng chu kỳ năm năm thì sẽ là tháng Giêng năm 2016, tức còn chỉ 13 tháng nữa.
Có thể nói HNTU10 của ĐH12 đã bị trễ một cách bất thường, cho nên sự chuẩn bị chắc chắn là không thể nào chu đáo được, mà hậu quả sẽ là những rối loạn từ nhân sự tới đường lối sắp xảy ra trong 12 tháng tới.
Có nhiều vấn đề lớn mà cho tới hôm nay 12.12 Đảng CS vẫn còn mắc mứu và chưa giải quyết được:
1. Thế hệ lãnh đạo hiện tại đa số đã ở vào tuổi 65 trở lên, nên phải ra đi theo quy ước bất thành văn được áp dụng lâu nay cho CSVN và mẫu đảng Trung Quốc. Điều này làm cho các phe nhóm trong đảng kèn cựa nhau trong hậu trường và sát phạt nhau ngoài quần chúng, ở các hậu phương của nhau. Nó tựa như băng sơn mà phần chìm to gấp chục lần phần nổi. Việc bắt Hà Văn Thắm, tố cáo Trần Văn Truyền, Lê Thanh Cung, Hoàng Văn Nghiên, bắt Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập, trị bệnh Nguyễn Bá Thanh, đe doạ những bloggers… là phần nổi của tảng băng.
2. Ảnh hưởng của Hoa Kỳ (HK) càng ngày càng gia tăng ở Việt Nam. Sự trừng lên của Trung Quốc đụng độ trực diện với sự xoay trục của HK ở ngay VN, nơi mà từ thập niên 1990s đến nay chỉ có ảnh hưởng của TQ. Theo nhà địa chính trị Robert Kaplan trong cuốn “Chảo Nước Sôi Châu Á” thì HK coi VN là quan trọng nhất trong 10 quốc gia Đông Nam Á và TQ coi VN là quốc gia gây nguy hiểm cho sự trừng lên của họ nhất hơn cả HK. Cho nên Đảng CS đang bị phân thân giữa hai vùng ảnh hưởng: HK và TQ.
3. Sự bế tắc chính trị của chế độ hiện tại, do sự lỗi thời của mô hình chính trị. Các lãnh tụ CS không có một cái nhìn chung là phải làm thế nào để cổ xe chế độ không đâm vào vách chắn của con đường cùng. Nên hoàn toàn theo mô hình TQ?
– Không làm được vì hai lý do chính (a) không có phe nào đủ mạnh để tóm thu quyền lực tổng bí thư và chủ tịch nước về một mối, (b) theo mô hình này có nghĩa là gắn chặc VN vào TQ, nó không thể được vì lòng dân không muốn và vì không thể dẹp bỏ được ảnh hưởng của HK.
Nên theo mô hình Nga?
– Rất khó vì quán tính bảo thủ với quá khứ vàng son, các lãnh tụ CS đều biết là bế tắc nhưng đều không muốn từ bỏ một mô hình quen thuộc để phiêu lưu, có chăng thì chỉ là nhóm của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và ông ta phải một chống ba nên dù muốn được như láng giềng Cam Bốt hay như Nga cũng không phải dễ.
Nên theo mô hình Hoa Kỳ?
– Càng xa tận chân mây, điều này chỉ xảy ra khi có cách mạng, có sự vùng lên của quần chúng để lật đổ chế độ, nhìn qua Miến Điện thì biết ngay nếu chế độ biết lo, tự thay đổi thì cũng không thể trở thành mô hình như phương Tây được.
Kết
HNTU10 sẽ cho ra nhiều kịch tính. Trong thời gian hội nghị diễn ra, không khí chính trị sẽ căng thẳng với những bắt bớ, đàn áp, đánh đập, đe doạ. Cũng nhu Liên Xô ở những năm cuối thập niên 1980s, các phe nhóm trong đảng đấu nhau bất phân thắng bại, cho nên họ cần kéo thêm đồng minh bên ngoài đảng vào, chuyện đấu đá nội bộ trở thành sự triệt hạ các vây cánh hậu phương, nhưng càng kéo các tổ chức quần chúng vào thì họ càng dễ bị loạn chiêu. Do thiếu sự uyển chuyển, cho nên khi bị loạn chiêu thì hiện tượng tự diễn biến sẽ thế vào.
ĐH12 sẽ cho ra nghị quyết đại hội để làm khung sườn cho 5 năm từ 2016-2021, các HNTU trong 5 năm theo đó không được có những quyết định vượt ra ngoài cái khung sườn này. Có lẽ đây là cơ hội cuối cùng cho đảng CSVN thay đổi để điều chỉnh cho thích hợp với môi trường, sau khi việc thay đổi hiến pháp 2013 có đầu voi đuôi chuột. Đảng CSVN đang đối diện với cải cách chính trị mạnh mẽ, hay bất ổn xã hội vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Từ nhân sự đến văn kiện, đường lối đảng CSVN đang lúng túng và bế tắc, trong khi nước đã đến chân, tình trạng đã trở nên khẩn cấp. Sự bế tắc này là do chính họ cầm tù tư tưởng của họ, chứ không phải do phản động hay thế lực thù địch nào gây ra.
Tác giả Lê Minh Nguyên / FB Hung Le
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.