Rậm rịch 'chuyển thế' trên bàn cờ chính trị Việt Nam
Nguồn:ijavn.org
Phạm Chí Dũng
Sau kỳ họp lần thứ 8 Quốc Hội dường như mang lại tâm cảm “bất phân thắng bại,” mọi chuyện lại trở về vị trí xuất phát cách đây hai năm. Cho dù Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và các cộng sự đắc lực của ông đã vượt qua cửa ải lấy phiếu tín nhiệm một cách khá huy hoàng, nhưng không thể nói là họ đã thành công trọn vẹn.
Cuộc tranh giành ảnh hưởng đầy cân não không hẳn bắt đầu từ “thượng tầng kiến trúc,” mà theo thông lệ, khởi phát từ “hạ tầng cơ sở.”
Bình Dương - một địa bàn Nam Bộ được giới quan sát chính trị xem là tương đối “nhạy cảm,” vừa bị thanh tra chính phủ công bố bản kết luận thanh tra có liên quan đến “nhiều sai phạm trong quản lý đất đai.”
Cũng liên quan đến địa bàn Bình Dương, sự kiện đáng ghi dấu nhất trong thời gian gần đây là “cuộc chiến” giữa ủy ban nhân dân địa phương này - đại diện bởi Chủ Tịch Tỉnh Lê Thanh Cung, với chủ doanh nghiệp khu du lịch Đại Nam đồ sộ nhất Việt Nam là ông Dũng “Lò Vôi.” Một số dư luận cho rằng đây thực chất là sự đổ bể tình cảm giữa hai phe phái trong “nội bộ cấp cao” sau một thời gian thất bại trong cố gắng hàn gắn dĩ vãng.
Sự kiện đình đám không kém cũng phát lộ trong thời gian qua là chính ông Lê Thanh Cung bị báo chí và dư luận lột tả khối tài sản khổng lồ từ công sức tích góp “một nắng hai mưa” của vị “lãnh chúa địa phương” này. PetroTimes - tờ báo “thân công an” và được đích thân Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm trong năm nay - lại trở thành địa chỉ nhiệt tình nhất trong việc công kích khá toàn diện đối với ông Lê Thanh Cung.
Nhưng khác hẳn với quá khứ hầu như chôn vùi rất nhiều bí mật về tài sản quan chức, vụ việc nguyên tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền bị “làm tới bến” đối với ít nhất 6 sở hữu nhà đất cho thấy không một chủ tịch tỉnh nào có thể nghiễm nhiên “hạ cánh an toàn.”
Thậm chí còn có lời đồn đoán rằng nếu không quyết liệt giữ được chức vụ và hơn nữa phải giữ cho bằng được mối quan hệ thân tình với một “bức tường” nào đó, những quan lại đầu tỉnh như ông Lê Thanh Cung sau khi “rớt đài” sẽ không chỉ bị tước đi quyền sở hữu khối dinh thự kếch xù, mà còn có thể bị truy tố về chuyện làm thế nào để “ăn” được chừng đó hiện kim.
Hình ảnh gần gũi và dữ tợn nhất vừa được phát đi từ Trung Quốc. Có đến hàng tấn tiền mặt trong nhà Từ Tài Hậu - nguyên phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương. Phải huy động đến hàng chục xe tải quân sự mới có thể chuyên chở hết số kim ngân được giấu kín trong nhà viên tướng lĩnh “quân giải phóng” vừa bị tống giam này.
Về lại vạch xuất phát
Cũng bởi bầu không khí nhá nhem đen bạc như thế, bản kết luận về sai phạm đất đai tại Bình Dương, được thanh tra chính phủ công bố ngay trước thời điểm diễn ra hội nghị trung ương cuối năm 2014, hẳn phải mang một sắc tố bất thường.
Một chi tiết đáng chú ý là thanh tra chính phủ cho biết “kết luận thanh tra này được thủ tướng chính phủ thống nhất và chỉ đạo các cơ quan có liên quan thực hiện.”
Vụ việc trên hẳn gợi cho nhiều người nhớ lại một sự kiện khác: Vào Tháng Giêng năm 2013, thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra sai phạm đất đai tại Đà Nẵng với số tiền thất thoát lên đến 3,400 tỷ đồng. Khi đó, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng “đồng ý” với bản kết luận thanh tra Đà Nẵng, cho dù ngay lập tức chính quyền Đà Nẵng phản ứng quyết liệt. Nhiều dư luận cho rằng ngay vào thời điểm ấy, bản kết luận thanh tra không nhằm mục tiêu gì khác hơn là làm khó cho bước đường tiến vào Bộ Chính Trị của ông Nguyễn Bá Thanh - người hiện nay đang điều trị ung thư ở Hoa Kỳ mà theo báo chí tường thuật đầy ẩn ý, ngay cả lãnh đạo Quốc Hội cũng không biết tình hình sức khỏe của ông Thanh tốt xấu như thế nào.
Kết quả hiển thị nhất tại hội nghị trung ương giữa năm 2013 là cùng với ông Vương Đình Huệ, nhân vật “hốt liền, bắt liền” đã bị “trượt” ủy viên Bộ Chính Trị. Hai nhân vật khác có vẻ được lòng hơn là Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Thị Kim Ngân đã “chính danh,” cho dù cho tới nay cả hai tân ủy viên này vẫn chưa chính thức được giao phó cương vị thật sự quan yếu nào.
Quá khứ dẫn dắt hiện tại. Bàn cờ chính trị Việt Nam giờ đây đang hiện ra một vài nước đi có tính đột biến và không mấy bình thường.
Ngay đầu Tháng Mười Hai, Bộ Chính Trị đã “đột ngột” điều chuyển Bí Thư Thành Ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành sang làm phó văn phòng trung ương - một cơ quan không mấy nổi bật và có thể khá phóng khoáng về chức “phó.”
Hải Phòng lại là địa bàn trọng điểm của Đại Biểu Quốc Hội Nguyễn Tấn Dũng.
Sau kỳ họp lần thứ 8 quốc hội dường như mang lại tâm cảm “bất phân thắng bại,” mọi chuyện lại trở về vị trí xuất phát cách đây hai năm.
Cho dù Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và các cộng sự đắc lực của ông đã vượt qua cửa ải lấy phiếu tín nhiệm một cách khá huy hoàng, nhưng không thể nói là họ đã thành công trọn vẹn. Những ảo ảnh còn chập choạng ám ảnh trên sân khấu buông màn mới thực sự là thành công của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội: chưa thông qua dự án sân bay Long Thành; không đồng ý phong hàm đại tướng cho nhân sự thứ trưởng thường trực Bộ Công An; và đặc biệt, không “nhắc” gì đến Luật Tổ Chức Chính Phủ - vẫn được biệt danh “dự luật tăng quyền cho thủ tướng.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.