Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Nhìn Lại Kinh Tế VN 2014

Nhìn Lại Kinh Tế VN 2014


Nguồn:gocnhinalan.com
(GNA: Cuối năm, nhìn lại những nghị quyết và dự đoán từ đầu năm 2014)
kinh te 14
Bài 1: Kinh Tế Năm 2014 : Vấn Đề Chỉ Còn Là Hành Động
Theo Tư Giang – Doanh nhân – 13 Feb 2014
Theo Diễn Đàn Doanh nghiệp
13/2/2014
Nền kinh tế năm 2014 sẽ có được những xung lực mới để tiến về phía trước, nếu những tư duy cải cách của người đứng đầu Chính phủ được thực thi một đầy đủ và quyết liệt.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bản thông điệp đầu năm đã mô tả rất xác thực, xúc tích mô thức cải cách kinh tế mà Việt Nam sẽ theo đuổi: Thực hiện giá thị trường với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng. Hai vấn đề có mối tương quan chặt chẽ với nhau này đều gắn với các doanh nghiệp nhà nước, khu vực được cho là một nhân tố quan trọng góp phần làm lộ rõ hơn yếu huyệt của nền kinh tế Việt Namkhi kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng những năm qua.
Lựa chọn của ông vừa trúng, vừa đúng. Nếu Nhà nước chỉ chú trọng đến “thực hiện giá thị trường”, nói thẳng ra là tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà không đi kèm cải cách cơ cấu thị trường để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cạnh tranh một cách bình đẳng thì chỉ mang lại lợi ích cho các “ông lớn”. Lúc đó, công bằng và tiến bộ xã hội – như Thủ tướng hướng tới trong bài viết – khó mà thực hiện được khi người dân phải tiếp tục móc hầu bao nhiều hơn để nuôi các doanh nghiệp hoạt động theo kiểu “lời ăn, lỗ dân chịu”.
Thủ tướng khẳng định: “Phải thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ. Những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước đang định giá phải tính đúng, tính đủ chi phí, công khai minh bạch các yếu tố hình thành giá và kiên định thực hiện giá thị trường theo lộ trình phù hợp…” Trên thực tế, Nhà nước đã dần từng bước “thị trường hóa” giá cả các hàng hóa thiết yếu như: giá than, giá điện, giá xăng và giádịch vụ y tế, giáo dục… Những bước đi này nhằm tránh tình trạng Nhà nước phải bao cấp cho các doanh nghiệp nhà nước độc quyền như Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) hay Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN).
Nhưng, thật khó để ”tính đúng, tính đủ chi phí và công khai minh bạch giá”, như Thủ tướng yêu cầu. Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh nói tại hội nghị tổng kết ngành năm 2013: ”Khó mà nói giá điện hiện nay bằng bao nhiêu phần trăm giá thị trường”. Lời “thú nhận” của vị Tổng giám đốc EVN cho thấy khoảng cách giữa mong muốn và yêu cầu của Thủ tướng với những gì diễn ra trên thực tế còn khá xa nhau.
Năm 2012 dù có lãi nhờ tăng giá điện, nhưng theo Ngân hàng Nhà nước thì EVN vẫn đang nợ ngân hàng tới 144.000 tỷ đồng. Để giải quyết món nợ khổng lồ này, không có cách nào khác là phải tăng giá sản phẩm đầu ra – điện. Vĩ lẽ đó, EVN đã được phép tăng giá tới 22% trong vòng 2 năm tới.
Câu chuyện của EVN cho thấy, việc thị trường hóa giá cả các hàng hóa thiết yếu đã được khởi động, song nếu thông tin không được minh bạch thì không thể thuyết phục được người dân và xã hội để từ đó có được sự đồng thuận của họ. Nhưng, câu chuyện giá cả còn phức tạp hơn nhiều. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, chỉ còn 4 loại giá cả chưa được “thị trường hóa” đầy đủ là: giá năng lượng (xăng, dầu, điện, than), giá tiền (lãi suất, tỉ giá), giá đất đai và tiền lương.
Cả 4 loại giá này chỉ chiếm số ít trong hàng ngàn loại giá khác đã được thị trường quyết định, nhưng lại vô cùng quan trọng, ảnh hưởng tới cuộc sống của toàn bộ người dân và sản xuất của doanh nghiệp. Nhà nước thường phải can thiệp tới giá cả 4 mặt hàng này bằng mệnh lệnh hành chính là chính. Quy tắc phi thị trường này đã từng là cơ sở lập luận của một lãnh đạo EVN khi ông biện minh cho việc đầu tư ngoài ngành, rằng: ”Chúng tôi phải lấy ngắn nuôi dài”. EVN, Vinacomin và nhiều tập đoàn kinh tế khác sẽ tránh được điều này khi giá bán sản phẩm của họ đủ bù đắp chi phí sản xuất.
Về trụ cột thứ hai, Thủ tướng khẳng định: ”Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Xóa bỏ tình trạng độc quyền doanh nghiệp và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực. Phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích….”.
Lý giải cho điều này Thủ tướng viết: ”Chỉ có như vậy, chúng ta mới tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng và nâng cao được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tăng cường sức mạnh của kinh tế nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế”. Theo các nhà phân tích, thông điệp trên của Thủ tướng đã bao quát toàn bộ những vấn đề khó khăn nhất mà quá trình cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước đang gặp phải. Lâu nay, tiến trình này coi như lâm vào ngõ cụt, nhất là khi khu vực doanh nghiệp này đã bành trướng quá đà trên nhiều lĩnh vực kinh tế.
Giờ đây lộ trình cải cách này đã được Thủ tướng nêu rõ tại một hội nghị giữa Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế gần đây:”Cổ phần hóa khoảng 500 doanh nghiệp nhà nước, trong đó cổ phần hóa 1 trong 8 tập đoàn kinh tế, 5/10 tổng công ty 91 và hầu hết tổng công ty 90 (trong tổng số 87 tổng công ty) và bán tiếp cổ phần 4/5 ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa, tạo đà cho việc hoàn thành cổ phần hóa vào năm 2020″.
Dù kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, như Hiến pháp đã xác quyết, thì doanh nghiệp nhà nước vẫn phải cạnh tranh bình đẳng như doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Cơ sở lý luận đã có. Quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ cũng đã được thể hiện rất rõ qua bản thông điệp đầu năm của ông. Vấn đề còn lại nằm ở khâu thực hiện. Trong dân vẫn thường lưu truyền câu nói: ” Trên bảo, dưới không nghe”. Mong rằng câu nói đó không ứng nghiệm trong tình huống này.
Trình bày trước Quốc hội tháng 10 Thủ tướng cho biết: “Doanh nghiệp Nhà nước đóng góp khoảng 30% thu ngân sách Nhà nước và trên 33% GDP. Trên 80% doanh nghiệp Nhà nước có lãi và 11,7% doanh nghiệp lỗ. Năm 2012, vốn chủ sở hữu tăng 26% so với năm 2011; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 16,37%, trong đó của các tập đoàn, tổng công ty là 16,94%. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 1,52 lần, trong đó của các tập đoàn, tổng công ty là 1,46 lần, nằm trong giới hạn cho phép là 3 lần.
Bài 2: Năm 2014: Thu ít, vay không được… Việt Nam sẽ thế nào?
Theo Tài Chính – 20 Jan 2014
“Hiện Việt Nam chủ yếu đi vay mới chứ gần như không nhìn thấy nguồn nào để trả nợ”, TS Vũ Đình Ánh cho biết tại buổi Hội thảo Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô 2014 – 2015. Cũng tại đây, TS Trịnh Quang Anh nhận định, tâm điểm của 2014 sẽ phải là câu chuyện nợ công.
Làm 100 đồng trả nợ 98 đồng
Tại Hội thảo Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô 2014 – 2015, TS Trịnh Quang Anh nhận định, tâm điểm của 2014 sẽ phải là câu chuyện nợ công.
Mặc dù Bộ Tài chính công bố đến hết năm 2012, tổng nợ công của Việt Nam là 55,7% GDP, vẫn nằm trong ngưỡng an toàn theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế (dưới 65% GDP).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng từng khẳng định, nợ công của Việt Nam trong các năm 2014, 2015 và 2016 vẫn trong giới hạn an toàn (không quá 65% GDP).
Nợ công theo công bố chính thức của Việt Nam là 55,7% GDP. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phạm Thế Anh nếu tính cả nợ doanh nghiệp nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh và nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ công của Việt Nam phải lên tới 98,2% GDP.
Theo số liệu Tiến sĩ Phạm Thế Anh công bố, cứ 100 đồng tổng sản phẩm quốc nội được làm ra, người dân phải gánh hơn 98 đồng nợ, gia tăng so với mức 95 đồng đã được Ủy ban Kinh tế báo động trong báo cáo công bố hồi tháng 5 năm nay.
Một dấu hỏi lớn được đặt ra là nguồn trả nợ trong tương lai. Tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Trung ương đặt giả thiết: “Giả sử có cú sốc về lãi suất, tỷ giá, hoặc một doanh nghiệp lớn nào làm ăn be bét khiến định mức tín nhiệm giảm, các nhà tài trợ ngừng cho vay, thanh khoản hệ thống ngân hàng có vấn đề, không mua trái phiếu để trả nợ trong nước thì nợ công sẽ ra sao?”.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng hiện Việt Nam chủ yếu đi vay mới chứ “gần như không nhìn thấy nguồn nào để trả nợ”.
Nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Thế Anh cho biết, cơ cấu nguồn thu của Việt Nam có nhiều khoản không bền vững bởi phụ thuộc vào bên ngoài hoặc có nguy cơ cạn kiệt dần theo thời gian. Với việc thu nhập ngày càng tăng, nguồn thu từ viện trợ không hoàn lại đã giảm từ 0,61% GDP giai đoạn 2006-2010 xuống còn 0,31% GDP giai đoạn 2011 đến tháng 9/2013.
Thu từ bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước và chuyển quyền sử dụng đất cũng có xu hướng giảm dần từ 2,35% GDP xuống 1,52% GDP. Bên cạnh đó, nguồn thu của Việt Nam cũng phụ thuộc nhiều vào bán dầu thô, song đây cũng là tài nguyên thiên nhiên hữu hạn và phụ thuộc vào giá cả thế giới.
“Trong trường hợp không vay được nữa thì sao? Lúc đó chỉ không trả được 1 tỷ USD thì cũng là vỡ nợ”, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Nợ doanh nghiệp nhà nước đe dọa nợ công
TS Phạm Thế Anh liệt kê tới 30 DNNN đang có hệ số nợ phải trả vượt xa mức ba lần vốn chủ sở hữu, trong đó có nhiều cái tên lớn như Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Giấy…
Đáng lưu ý, Tổng công ty Lắp máy VN có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu đã lên tới trên 53 lần, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 lên tới trên 20 lần…
Ông Thế Anh cho rằng khi các DNNN không trả được nợ, rất có thể Nhà nước phải dùng ngân sách trả thay (ví dụ như khoản vay 600 triệu USD của Vinashin hay khoản nợ của Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị HUD).
Việt Nam không đưa những khoản nợ của DNNN (không được Nhà nước bảo lãnh) vào nợ công. Nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương cũng chưa được tính vào. Nếu tính đủ, ông Thế Anh tính tổng nợ công của VN đã lên tới khoảng 98,2% GDP (khoảng 100 tỉ USD), vượt xa ngưỡng an toàn (65% GDP) được khuyến cáo bởi các tổ chức quốc tế.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cũng chỉ ra rằng, nếu tính cả nợ tiềm ẩn của các DNNN vào nợ công thì tỷ lệ nợ công trên GDP không dừng lại ở con số khoảng 50% như hiện nay mà phải trên dưới 100%.
Chính vì lý do đó mà trọng tâm của quản lý nợ công của chúng ta không chỉ tập trung vào nợ của Chính phủ mà quan trọng là các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh và nợ trong khu vực DNNN có nguy cơ Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh giống như trường hợp Vinashin.
Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, việc bảo lãnh cho các khoản nợ xấu của các DNNN không chỉ gây ra tâm lý ỷ lại cho các DNNN mà còn ảnh hưởng đến một số phương diện khác như tỷ lệ nợ công tăng làm tăng chi phí tài trợ của Chính phủ. Khi tỷ nợ công tăng lên lãi suất vay nợ của Chính phủ tăng theo, làm tăng gánh nặng tài trợ ngân sách để trả lãi.
Hơn nữa, khi chi phí vay nợ của Chính phủ tăng sẽ kéo theo chi phí vay nợ của khu vực tư nhân tăng theo, bởi vì Chính phủ được đánh giá có độ rủi ro thấp hơn tư nhân nhưng khi Chính phủ đi vay nợ với chi phí cao thì khu vực tư nhân rất khó vay được vốn rẻ.
Nói khác đi, khu vực tư nhân lúc này đã phải gánh luôn rủi ro nợ công của Chính phủ. Điều này cũng giải thích vì sao mặt bằng lãi suất của Việt Nam những năm qua luôn giữ ở mức khá cao ngay cả khi nền kinh tế suy giảm. Hệ quả của nó là làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp và làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Hà Oanh (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.