Thứ Năm, 16 tháng 3, 2023

Phong trào “Me Too” đánh đổ Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc

 


Phong trào “Me Too” đánh đổ Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc

Nguyễn Hải Hoành

Phong trào Me Too – phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục đang lan tỏa nhanh chóng trên các phương tiện truyền thông xã hội khắp thế giới từ tháng 10/2017 – đã trở thành một sức mạnh khiến các thế lực đen tối run sợ và chùn bước.

“Me Too”, tiếng Anh nghĩa là “Tôi cũng thế”, lần đầu tiên được một phụ nữ hoạt động xã hội tên là Tarana Burke sử dụng năm 2006 trên mạng xã hội Myspace nhằm gây sức mạnh thông qua sự đồng cảm giữa các phụ nữ da màu thuộc cộng đồng yếu thế thường bị quấy rối tình dục. “Me Too”, nay được viết thành hashtag #MeToo, tái xuất hiện sau khi một phụ nữ tố cáo trên mạng xã hội hành vi quấy rối tình dục do Harvey Weinstein gây ra đối với mình.

“Me Too” cũng được phụ nữ Trung Quốc hưởng ứng. Tuy có quy mô nhỏ hơn phương Tây nhưng “Me Too” Trung Quốc đã lập một chiến tích vẻ vang: lật đổ thần tượng của Phật giáo nước này – Hòa thượng Thích Học Thành, Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc.

Sự kiện trên xảy ra vào năm 2018, khi Nhà nước Trung Quốc đang ủng hộ hoằng dương Phật giáo, khiến công luận đặt dấu hỏi về con đường phát triển của Phật giáo nước này.

Nhìn chung trong hơn 20 năm qua, các tôn giáo ở Trung Quốc đều được phát triển, trong đó Phật giáo phát triển nhanh hơn cả. Tổng số chùa chiền từ 13 nghìn năm 1997 tăng lên 33,5 nghìn năm 2017. Các tăng sĩ và sư trụ trì các chùa trở thành nhân vật của công chúng. Nhà nước dùng tín ngưỡng Phật giáo để lập quan hệ với các nơi trên thế giới, nhiều tăng sĩ được cử đi thăm nước ngoài. Xem ra Bắc Kinh muốn tôn vinh Phật giáo thành Quốc giáo, qua đó đối ngoại tranh thủ thêm bạn bè, đối nội tạo dựng một giá trị quan đạo đức. Chủ tịch Tập Cận Bình từng nói Phật giáo đã hòa nhập thành công vào văn hóa truyền thống Trung Quốc, trở thành tôn giáo không thể thiếu được trong đời sống văn hóa-tinh thần của nhân dân Trung Quốc. Trong khi đó Ki-tô giáo và Islam giáo (Việt Nam gọi là Hồi giáo) bị coi là “bị bọn thực dân và đế quốc kiểm soát”, hay gây rắc rối cho chính quyền cộng sản.

Bà Stefania Travagnin, giáo sư Phật học tại Đại học Groningen (Hà Lan) nói: Ở Trung Quốc Phật giáo được ưu tiên hơn ba tôn giáo hợp pháp khác – đạo Islam, Ki-tô giáo và Đạo giáo; Phật giáo là tôn giáo thích hợp nhất thay mặt cho Trung Quốc ở nước ngoài. Đạo Islam và đạo Ki-tô có quá nhiều mối liên hệ với các nước khác, còn Đạo giáo là tín ngưỡng bản địa của Trung Quốc, người nước ngoài thường khó hiểu về Đạo giáo. Trong khi đó, Phật giáo có phái Thiền tông (một tông phái của Nhật) được nhiều người quen thuộc.

“Thế tục hóa” –– tức phi tôn giáo hóa, là xu thế phát triển của nền văn minh thế giới. Tại phương Tây số người theo tôn giáo ngày một giảm dần; nam nữ thanh thiếu niên chẳng thiết đi lễ Nhà thờ như ông bà cha mẹ mình, nhiều Nhà thờ trở thành danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nơi tụ họp công cộng, vui chơi giải trí.

Ngược lại, ở Trung Quốc, các tôn giáo lại được phát triển sau một thời gian dài bị cấm đoán, nhưng đó là sự phát triển bị Nhà nước kiểm soát, khống chế, gây ra sự đối lập giữa chính quyền với tôn giáo. Lĩnh vực tôn giáo trở nên ngày một phức tạp. Các thế lực tôn giáo ngày càng quan tâm chính trị, muốn ảnh hưởng tới tiến trình mở rộng dân chủ ở Trung Quốc. Vấn đề các dân tộc thiểu số thường xuất hiện dưới hình thức tôn giáo, nhất là ở vùng Tân Cương, Tây Tạng, gây khó cho chính quyền.

Thiền sư (Trung Quốc gọi là Pháp sư) Thích Học Thành được coi là nhân vật có công nhất trong tiến trình phát triển Phật giáo nói trên. Thích Học Thành tục danh Phó Thụy Lâm (Fu Rui-lin) sinh năm 1966 tại huyện Tiên Du tỉnh Phúc Kiến. Chịu ảnh hưởng của bà nội và mẹ, từ 12 tuổi bắt đầu đọc kinh Phật; 16 tuổi xuất gia vào chùa tu hành; 23 tuổi trở thành nhà sư trụ trì trẻ nhất, học lực cao nhất ở Trung Quốc. Năm 2015, thiền sư Học Thành 49 tuổi nhận chức danh Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất trong lịch sử 62 năm của tổ chức tôn giáo do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát này. Đồng thời ông còn kiêm nhiệm trụ trì chùa Long Tuyền (Bắc Kinh), chùa Điền Quảng Hóa (Phúc Kiến), chùa Phù Phong Pháp Môn (Thiểm Tây); ngoài ra còn làm Ủy viên Thường trực Chính Hiệp toàn quốc (tương đương Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Sau khi nhận học vị Thạc sĩ tại Học viện Phật giáo Trung Quốc năm 1991, Học Thành còn được Thái Lan, Nhật và Đài Loan tặng học vị Tiến sĩ danh dự.

Thích Học Thành thuộc số các cao tăng Trung Quốc đầu tiên sử dụng mạng Internet để hoằng dương Phật Pháp. Năm 2006 ông mở Blog cá nhân, thường xuyên thu hút trên chục triệu lượt người đọc; năm 2009 mở tài khoản Weibo sử dụng nhiều ngôn ngữ; năm 2015 đã dùng 11 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt Nam, thu hút người đọc ở 2/3 số quốc gia và vùng lãnh thổ. Tháng 12/2015, Học Thành khánh thành ngôi chùa Phật giáo Trung Quốc đầu tiên ở châu Âu – chùa Long Tuyền Đại Bi ở thành phố Utrecht, Hà Lan, khởi đầu tiến trình hoằng dương Phật giáo Trung Quốc ra thế giới, góp phần truyền bá văn hóa Trung Hoa. Vị tân Hội trưởng này đã xây dựng được một mô hình Phật giáo hiện đại thích hợp với thời đại toàn cầu hóa, tin học hóa và với trào lưu xã hội. Vì thế ông đã giành được cảm tình của giới trí thức từng chối bỏ các tôn giáo truyền thống của Trung Quốc. Họ đánh giá ông là một trong các nhà cải cách Phật giáo quan trọng nhất ở Trung Quốc trong 100 năm qua.

Chính quyền cũng ủng hộ các cố gắng của vị Hội trưởng Phật giáo năng nổ này.

Thế nhưng, sau khi bị tố cáo có hành vi dâm ô với các nữ đệ tử và nhập nhèm về tài chính, ngày 15/8/2018 vị thiền sư đang phất lên này xin từ chức Hội trưởng Hiệp hội Phật Giáo Trung Quốc cùng mọi chức vụ khác và bị đưa về một ngôi chùa nhỏ ở quê nhà. Ngày 23 cùng tháng, Cục Sự vụ Tôn giáo Nhà nước Trung Quốc công bố báo cáo kết quả điều tra, xác nhận thiền sư Học Thành từng gửi tin nhắn quấy rối tình dục các nữ tín đồ, vi phạm giới luật Phật giáo. Ngoài ra, ông cũng bị điều tra cáo buộc cưỡng ép 6 ni cô quan hệ tình dục. Cục Sự vụ Tôn giáo đã yêu cầu Hiệp hội Phật giáo nghiêm túc xử lý vụ này.

Học Thành trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của một tổ chức quy mô toàn quốc ở Trung Quốc bị phong trào “Me Too” nước này đánh đổ. Đây cũng là một ví dụ hiếm hoi cho thấy tiền đồ phát triển của phong trào đấu tranh đòi bình quyền của phụ nữ Trung Quốc, tuy quy mô còn nhỏ nhưng ngoan cường.

Vụ Học Thành bị hạ bệ đã gây ra một cuộc tranh luận trong giới Phật tử, họ lo ngại cho rằng mô hình Phật giáo hữu hiệu của Học Thành còn thiếu cái tinh thần thu hút người ta tin vào đạo Phật. Việc Hội trưởng Hội Phật giáo Trung Quốc bị hạ bệ còn gây khó khăn cho các cố gắng của Chính phủ Trung Quốc nhằm xây dựng Phật giáo thành Quốc giáo.

N.H.H.

Nguồn: Nghiencuuquocte

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.