Nông dân góp ý Dự thảo Luật Đất đai
Hai Kim
Sở hữu toàn dân đất đai là một bất công cho nông dân vì nông dân luôn ở tâm trạng có thể bị thu hồi đất bất cứ lúc nào. Vì vậy việc sửa đổi Luật Đất đai phải mang lại công bình cho nông dân bằng cách giảm đến mức thấp nhất việc thu hồi đất của nông dân, nếu thu hồi đất là yêu cầu bắt buộc cho an ninh, quốc phòng thì việc bồi thường đúng giá trị đất là mang lại sự công bình cho nông dân.
Dự thảo Luật Đất đai với quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội sẽ cho phép thu hồi đất nông dân tăng vọt, đất nước càng phát triển nông dân bị thu hồi đất nhiều hơn, đây là một bất công không thể chấp nhận được nếu đứng từ góc độ quyền lợi của nông dân.
Làm sao mà bồi thường đất đúng giá trị khi mà Chính phủ quy định giá bồi thường còn nông dân thì không được có ý kiến?
Luật Đất đai liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nông dân, nên Hội Nông dân phải là đồng soạn thảo với Bộ Tài nguyên và Môi trường với sự tham gia của các luật sư và những chuyên gia về đất đai.
Góp ý một dự luật có 240 điều, trong đó bổ sung 153 điều, bổ sung mới 36 điều mà không biết những điều mới bổ sung này nhằm mục đích gì? Do vậy, có thể nói Dự thảo Luật Đất đai như một bãi mìn, đầy những điều vô lý, mà nông dân phải lần mò từng Điều từng Khoản.
Sau đây là một số điểm cơ bản cần phải được nhìn nhận rõ:
Sở hữu toàn dân không có cơ sở về phương diện lịch sử
Trong cuốn “Một số vấn đề về sở hữu ở nước ta hiện nay” của hai tác giả là PGS.TS Nguyễn Văn Thạo và TS Nguyễn Hữu Đạt, trang 75 có viết “Trong các triều đại phong kiến ở nước ta vừa có sở hữu đất đai của nhà nước như quân điền, quan điền mà nhà vua là người đại diện (nhưng vua không phải là chúa đất lớn nhất như ở phương Tây), vừa có sở hữu công xã về đất đai, vừa có sở hữu ruộng đất tư nhân.”...
Về ruộng đất tư ở đàng Trong: “nhằm mở mang bờ cõi lãnh thổ và tăng cường nguồn nhân lực của cải để củng cố tiềm lực chính trị, quân sự và kinh tế, phục vụ trực tiếp cho cuộc tranh giành quyền lực, Chúa Nguyễn đã ban hành hàng loạt các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Một trong những chính sách đó là chính sách khuyến khích, động viên mọi người tích cực khai hoang. Chúa miễn thuế sử dụng đất trong ba năm đầu và coi ruộng đất thuộc quyền sở hữu của người bỏ công sức và vốn liếng để khai phá. Kết quả là vùng cực nam nước ta xuất hiện hàng loạt các trang trại tư nhân lớn. Chính sách khẩn hoang của Chúa Nguyễn đã tạo điều kiện cho sở hữu tư nhân về ruộng đất phát triển và tồn tại dai dẳng, vững chắc ở miền nam.” (1)
Miền Nam nông dân sở hữu đất đai dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bằng các luật người cày có ruộng.
Miền Bắc nông dân cũng từng được sở hữu đất đai: Hiến pháp năm 1946 - Điều 12 ghi rõ: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm.” (2)
Hiến pháp năm 1959 - Điều 14 quy định: “Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân.”; Điều 11 qui định rõ: có 3 loại sở hữu là: Sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân của người lao động và nhà tư sản. (3)
Sở hữu toàn dân ở các quốc gia trên thế giới và lý luận của nó
Hiện nay chỉ có 4 quốc gia là Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Cu Ba thực hiện chính sách sở hữu toàn dân đất đai. Chiếm tỷ lệ 2% trên tổng số 195 quốc gia trên thế giới.
Các Mác và Lê Nin là những người khởi xướng sở hữu toàn dân đất đai, nhưng hiện nay ở nước Đức và nước Nga của các ông đó, đất đai đã được phép sở hữu cá nhân. Ngoài ra Các Mác và Lê Nin chỉ biết chủ nghĩa xã hội quốc hữu hóa toàn thể tư liệu sản xuất mà ở Việt Nam hiện nay chúng ta gọi là chế độ quan liêu bao cấp, nên lý thuyết của 2 ông không đúng trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Hai ông Các Mác và Lê Nin có biết kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tròn méo ra sao đâu).
Sở hữu toàn dân ở Việt Nam mới có từ năm 1980 và thực tế từ đó tới nay
Sở hữu toàn dân chỉ mới được quy định ở Điều 18 Hiến pháp năm 1980 bằng cách bỏ hình thức sở hữu của người lao động riêng lẻ, và của nhà tư sản dân tộc trong Điều 11 của Hiến pháp năm 1959.
Như vậy, xóa quyền sở hữu của người lao động riêng lẻ, và hình thức sở hữu của nhà tư sản dân tộc là một sự đột biến của Hiến pháp năm 1980.
Đây là không phải là một đột biến do chọn lọc từ kinh tế, mà là một sự đột biến từ chính trị: Quốc hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất của nhân dân để tiến lên xã hội chủ nghĩa.
Thực tế đất nước từ đó tới nay đã chứng minh: Quốc hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất của nhân dân không đưa đất nước tiến lên xã hội chủ nghĩa mà tiến vào chế độ giáo điều quan liêu bao cấp khiến đất nước tàn mạt.
Để thoát thứ chủ nghĩa quan liêu bao cấp đó, Hiến pháp năm 2013 ra đời. Hiến pháp năm 2013 thay Điều 18 - Kinh tế 2 thành phần của Hiến pháp năm 1980 bằng Điều 51 - Kinh tế nhiều thành phần có kinh tế tư nhân. Điều 51 của Hiến pháp năm 2013 quy định trả lại tất cả tư liệu sản xuất cho nhân dân nhưng vẫn giữ lại quốc hữu hóa (toàn dân hóa) một mình đất đai của nông dân. Điều này là:
- Vi phạm Hiến pháp năm 2013;
- Vi phạm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948;
- Vi phạm đạo đức và công bằng xã hội.
Rõ ràng “Sở hữu toàn dân” đã vi phạm Điều 51 và Điều 32, Hiến pháp năm 2013 và là một bước đi lùi trong qui luật phát triển kinh tế.
Điều 18 - Hiến pháp năm 1980 quy định:
"Nhà nước tiến hành cách mạng về quan hệ sản xuất, hướng dẫn, sử dụng và cải tạo các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, thiết lập và củng cố chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất nhằm thực hiện một nền kinh tế quốc dân chủ yếu có hai thành phần: thành phần kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân và thành phần kinh tế hợp tác xã thuộc sở hữu tập thể của nhân dân lao động....Kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân và được phát triển ưu tiên." (Hết trích)
Điều 18 toàn dân hóa tất cả tư liệu sản xuất của mọi thành phần, nên ứng với Điều 18 này là Điều 19 quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân để công bình với các thành phần khác.
Năm 2013 thay đổi Hiếp Pháp và Điều 51 của Hiến pháp năm 2013 quy định:
“1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa". (Hết trích)
Hiến pháp năm 2013 thay Điều 18 kinh tế 2 thành phần của Hiến pháp năm 1980 bằng Điều 51 kinh tế nhiều thành phần có kinh tế tư nhân. Tức là: Điều 51 trả lại tư liệu sản xuất cho mọi thành phần kinh tế. Cho nên áp dụng Điều 51 này cũng phải trả lại tư liệu sản xuất là đất đai cho nông dân.
Điều 32 - Hiến pháp năm 2013 quy định:
“1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, TƯ LIỆU SẢN XUẤT, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác.
2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.
3. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.” ( Hết trích)
Điều 32 quy định mọi người có quyền sở hữu về tư liệu sản xuất, và quyền sở hữu tư nhân được luật pháp bảo hộ. Vậy toàn dân hóa tư liệu sản xuất đất đai của nông dân là vi phạm Điều 32.
Như vậy Sở hữu toàn dân thực chất là quốc hữu hóa đất đai của nông dân vi phạm Điều 51 và Điều 32 của Hiến pháp 2013.
Sở hữu toàn dân dưới góc nhìn luật pháp quốc tế
Điều 17 trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948 ghi:
"1) Ai cũng có quyền sở hữu, hoặc riêng tư hoặc hùn hiệp với người khác.
2) Không ai có thể bị tước đoạt tài sản một cách độc đoán."
Như vậy, toàn dân hóa đất đai là tước đoạt quyền sở hữu đất đai của từng nông dân một cách độc đoán, vi phạm Điều 17 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
Toàn dân hoá đất đai dưới góc nhìn triết học
Có lẽ nhận thấy toàn dân hóa đất đai trong Hiến pháp năm 2013 vi phạm nên người ta bày ra việc trưng cầu dân ý năm 2013. Vì đất đai đã là sở hữu toàn dân từ Luật Đất đai năm 1987 nên không cần gì phải vờ trưng cầu dân ý cho mất công.
Toàn dân hóa đất đai rồi hỏi ý kiến toàn dân (chứ không phải từng người dân trong đó có nông dân vốn dĩ đất đai là tư liệu SX của họ) thì toàn dân chắc chắn đồng ý. Tài sản từ trên trời rơi trúng túi toàn dân mà toàn dân không đồng ý mới lạ.
Xét về mặt triết học, khi trả tư liệu sản xuất cho mọi thành phần kinh tế nhưng lại toàn dân hóa đất đai của nông dân là nhà nước đã áp dụng Chủ nghĩa Vị Lợi: Hy sinh quyền lợi của nông dân cho quyền lợi của toàn dân.
Toàn dân hóa đất đai biến nông dân thành đứa bé dưới tầng hầm thành phố Omelas.
Truyện kể về thành phố Omelas trong truyện ngắn Những người rời bỏ Omelas (The Ones Who Walked Away from Omelas) như sau:
Thành phố Omelas là thành phố của hạnh phúc và lễ hội, một nơi chẳng có vua chúa và nô lệ, chẳng có quảng cáo, mua bán cổ phiếu, chẳng có bom nguyên tử.
Chúng ta sẽ thấy nơi này quá mức phi thực tế, tác giả còn kể cho chúng ta một điều nữa: "Dưới tầng hầm của một công thự hoặc trong hầm rượu của một tư dinh khang trang nào đó ở Omelas có một căn phòng. Căn phòng này chỉ có một cửa ra vào và có khoá và không có cửa sổ nào cả". Và có một đứa trẻ ngây dại, suy dinh dưỡng, bị bỏ quên trong căn phòng. Bé sống cả đời trong cảnh đau thương. Tất cả cư dân Omalas đều biết bé ở đó... họ biết bé hẳn ở đó.
Tất cả mọi người đều biết hạnh phúc của mình, vẻ đẹp thành phố, tình bạn thân thiết giữa họ, sức khỏe con em họ... kể cả vụ mùa bội thu và thời tiết thành phố, phụ thuộc hoàn toàn vào nỗi khổ đau của đứa trẻ. Nhưng nếu đứa trẻ được đưa lên ánh sáng mặt trời, thoát khỏi cảnh tối tăm, được tắm rửa, nuôi dưỡng an ủi – và rõ đây là một điều tử tế – thì tất cả sự thịnh vượng và vẻ đẹp của Omelas sẽ suy tàn tức khắc. Đó là những điều khoản thỏa thuận.
Nhưng điều khoản đó có thể chấp nhận được về mặt đạo đức không? Lý lẽ phản đối thứ nhất đối với Thuyết Vị Lợi của Bentham, vốn nhân danh quyền cơ bản của con người, nói rằng không thể chấp nhận được – ngay cả vì sự thịnh vượng của một thành phố. Vi phạm quyền của đứa trẻ vô tội, ngay cả vì hạnh phúc của số đông là hoàn toàn sai lầm.
Toàn dân hóa đất đai biến 500.000 nông dân thành dân oan đi thưa kiện khắp nơi chiếm đến 70% đơn thưa kiện trong cả nước. Toàn dân hóa đất đai đã biến nông dân thành em bé dưới hầm sâu ở Omelas.
Nếu vi phạm quyền của một đứa trẻ vô tội ngay cả vì sự thịnh vượng của cả một thành phố là sai, thì vi phạm quyền sở hữu tư liệu sản xuất của hàng triệu nông dân, biến hằng triệu nông dân thành dân oan, để toàn dân phát triển kinh tế cũng là một sai trái về mặt đạo đức.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trả lại tư liệu sản xuất cho mọi thành phần kinh tế, nhưng vẫn toàn dân hóa tư liệu sản xuất là đất đai của nông dân thì tính công bằng ở đâu?
Quốc hữu hoá đất đai dưới bức màn vô minh của John Rawls
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5: “Trung ương cho rằng, cần phải kế thừa, bổ sung, phát triển Nghị quyết Trung ương 6 theo hướng tiếp tục khẳng định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý."
Bây giờ chúng ta thử dùng “chiếc màn vô minh” để xem xét việc trung ương khóa 5 bỏ phiếu đồng ý đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Bức màn vô minh của John Rawls: “Giả sử khi tụ tập để lựa chọn các nguyên tắc, chẳng ai biết tình trạng xã hội của chính mình ("của chính mình" do tôi thêm vào) và của ai khác. Hãy tưởng tượng chúng ta lựa chọn sau "bức màn vô minh" – tạm thời ngăn không cho chúng ta biết ai là ai. Chúng ta không biết tầng lớp, giới tính, chủng tộc, dân tộc, chính kiến hay tôn giáo của bất kỳ ai. Chúng ta cũng không biết lợi thế và bất lợi của bất kỳ ai – khỏe hay yếu, có học vấn cao hay ai bỏ học giữa chừng, sinh ra trong gia đình hạnh phúc hay gia đình tan vỡ. Nếu chẳng ai biết bất kỳ thông tin gì như thế, thực sự chúng ta sẽ lựa chọn từ một vị trí bình đẳng ban đầu. Vì không có ai có vị thế thương lượng cao hơn nên các nguyên tắc của chúng ta sẽ là công bằng”.
Nếu tất cả ủy viên trung ương đảng trong HNTW 5 lựa chọn ở sau bức màn vô minh, tức là tất cả ủy viên trung ương không biết mình là ai, không biết những người chung quanh là ai khi bỏ phiếu quyết định đất đai tiếp tục thuộc sở hữu toàn dân hay không, thì John Rowls sẽ lý giải rằng ủy viên trung ương sẽ không chọn đất đai thuộc sở hữu toàn dân vì các ủy viên trung ương sẽ nghĩ: “Theo những gì tôi biết, cuối cùng tôi rất có thể trở thành nông dân thành viên của một nhóm thiểu số bị tước đoạt quyền sở hữu đất đai".
Theo Imanuel Kant: Mệnh lệnh tuyệt đối phổ quát hoá châm ngôn của bạn: “Hãy chỉ hành động theo những phương châm mà bạn đồng thời mong muốn chúng là những quy luật phổ quát” (Phương châm là quy tắc hay nguyên tắc tạo nên lý do hành động).
Sở hữu toàn dân về đất đai thực chất là toàn dân hóa tư liệu sản xuất của nông dân, vậy nếu áp dụng công thức phổ quát của Kant thì toàn dân có quyền toàn dân hóa mọi loại tư liệu sản xuất của tất cả các giai cấp khác.
Toàn dân hóa mọi tư liệu sản xuất đã được lịch sử Việt Nam chứng minh là sai, vì nó đã đưa đất nước chúng ta trở lại thời kỳ nghèo đói lạc hậu của chủ nghĩa quan liêu bao cấp.
Vậy “sở hữu toàn dân” là khái niệm sai trái khi áp dụng mệnh lệnh tuyệt đối của Kant.
Hội nông dân có quyền và phải được tham gia đồng soạn thảo Luật Đất đai
Theo Điều lệ Hội Nông dân: “Hội Nông dân Việt Nam là đoàn thể chính trị - xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; cơ sở chính trị của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Mục đích của Hội là tập hợp đoàn kết nông dân, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là lực lượng tin cậy trong khối liên minh vững chắc công, nông, trí, bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn....
"Quyết định số 80-QĐNS/TW của Bộ Chính trị về việc phân công đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giữ chức Bí thư Đảng đoàn, giới thiệu để Ban Chấp hành bầu giữ chức Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2018-2023."
Chủ tịch Hội Nông dân được Bộ Chính trị phân công bảo vệ quyền lợi cho nông dân, nên về tư cách và nhiệm vụ là hoàn toàn xứng đáng và phải được đồng soạn thảo dự thảo Luật Đất đai, vì Luật Đất đai liên quan đến quyền lợi của nông dân. Ngoài Hội Nông dân các luật sư và chuyên gia trong lãnh vực đất đai cũng phải được mời tham gia soạn thảo.
Bộ Tài nguyên và Môi trường loại trừ Hội Nông dân ra khỏi việc soạn thảo là coi thường giai cấp nông dân và xâm hại quyền lợi của nông dân trong đất đai.
Đồng soạn thảo Hội Nông dân sẽ bảo vệ được quyền lợi cùa nông dân trong Luật Đất đai.
Đồng soạn thảo, Hội Nông dân và Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ xem xét từng điều khoản để phân tích xem nó có gây hại cho quyền lợi của nông dân hay không, nếu không mới đưa vào dự thảo. Và những điều khoản nào cả 2 không đồng thuận thì các luật sư và các chuyên gia sẽ có ý kiến để trình Chính phủ xem xét.
Đồng soạn thảo Hội Nông dân sẽ ngăn chặn được việc Bộ Tài nguyên và Môi trường trao quá nhiều quyền hành cho Chính phủ.
Đồng soạn thảo sẽ hạn chế Bộ Tài nguyên và Môi trường cài cắm những chính sách có lợi cho doanh nghiệp bất động sản gây hại cho nông dân.
Và, điều lớn nhất của việc đồng soạn thảo giữa Hội Nông dân và Bộ TNMT là loại được sự tham nhũng chính sách trong Luật Đất đai.
Bộ TNMT đơn phương soạn Dự thảo Luật Đất đai làm sao nông dân chúng tôi có thể tin vào tính công bẳng và minh bạch trong Luật Đất đai?
Điều 20 của Dự thảo Luật Đất đai lại giao cho Mặt trận Tổ quốc quyền hạn lẽ ra là của Hội Nông dân Việt Nam:
“1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai; cho ý kiến đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; tham gia ý kiến đối với dự án có sử dụng đất do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp:
a) Tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai;
b) Cho ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cùng cấp;
c) Tham gia ý kiến về trường hợp cần thiết phải thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trường hợp cưỡng chế khi thực hiện thu hồi đất;
d) Tham gia xây dựng bảng giá đất, hội đồng thẩm định giá đất;
đ) Tham gia hòa giải, giải quyết tranh chấp về đất đai theo quy định của pháp luật.
3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện quyền giám sát về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định của Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.” (Hết trích)
Mặt trận Tổ quốc thì có quyền lợi gì mà tham gia xây dựng và phản biện chính sách pháp luật về đất đai? Cán bộ Mặt trận Tổ quốc là cán bộ thuộc Chính phủ thì có dám nói trái ý của Chính phủ không?
Nên Điều 20 này phải đổi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bằng Hội Nông dân Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có xem xét thực tế hậu quả của Luật Đất đai 2013 chưa?
Luật Đất đai năm 2013 đã khiến cho 500.000 nông dân biến thành dân oan, khiến cho khiếu nại về đất đai chiếm 70-80% khiếu nại cả nước. Và, cũng khiến cho một số lượng đáng kể cán bộ các cấp ở tù vì tham nhũng đất đai.
Bộ TNMT có tham khảo ý kiến của dân oan chưa? Có tổng kết được những nguyên nhân chủ yếu mà nông dân đi thưa kiện chưa? Có tìm hiểu cách thức mà cán bộ tham nhũng đất đai chưa? Có thấy được liên minh ma quỷ giữa cán bộ tham nhũng và bọn con buôn bất động sản trong các dự án phân lô bán nền chưa?
Nên nhớ, liên minh ma quỷ tham nhũng đất đai là từ kẽ hở của Luật Đất đai.
Nhà nước quy hoạch và thu hồi đất của nông dân, nên nông dân phải được tham gia từ khâu quy hoạch đến việc thực hiện dự án đúng quy hoạch để bảo đảm không lấy thêm đất (điển hình như vụ Thủ Thiêm).
Nông dân không được tham gia định giá thì giá đất có khung hay không có khung có gì khác nhau khi người định giá là Nhà nước.
Đây chính là nghịch lý giá đất khiến nông dân đi thưa kiện khắp nơi.
Dự thảo Luật Đất đai không quan tâm đến quyền lợi người nông dân
Hạn mức đất nông nghiệp không thay đổi sau gần 40 năm: Điều 170 quy định hạn mức đất trồng lúa và đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối vẫn giữ nguyên mỗi người chỉ được 03 ha.
Hạn mức chỉ 03 ha, nhưng Điều 171 lại quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần, tức là cá nhân được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đến 45 ha.
Nông dân tiền ở đâu mà mua thêm số lượng đất lớn như vậy, mà mua thêm đất để làm lúa thì vượt hạn điền khi bị thu hồi không được bồi thường nên Điều 171 này thực chất là dành cho doanh nghiệp.
Tại sao không tăng hạn mức cho nông dân, mà lại cài cắm hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp?
Giá trị đất tăng thêm tại sao nông dân không được hưởng?
Đất nông nghiệp của nông dân có phần mặt tiền tiếp giáp với các tuyến đường giao thông chính, có vị trí nằm tại trung tâm của xã hoặc trung tâm thành phố, nhưng vì là đất nông nghiệp nên có giá theo quy định đất nông nghiệp rất thấp, nếu đất này được cho phép chuyển mục đích sử dụng thành đất thổ cư thì sẽ trở thành đất thổ cư loại 1 - giá trị sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
Nếu cho nông dân chuyển mục đích đất này sang đất thổ cư rồi nhà nước quy hoạch thu hồi bồi thường theo đất thổ cư thì tôi dám chắc là không có dân oan đông như hiện nay, nhưng trong thực tế nông dân chủ đất không bao giờ được chính quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng với đủ các lý do gây khó khăn, để rồi khi bị cưỡng chế thu hồi đền bù với giá đất nông nghiệp rẻ mạt nông dân mới khiếu kiện nhiều như hiện nay.
Có một miếng đất lúa nằm mặt tiền giáp quốc lộ, hai bên là 2 nhà máy, phía sau là đất nông nghiệp. Vậy miếng đất này được định giá như thế nào?
Dự thảo Luật Đất đai định giá miếng đất này là giá đất nông nghiệp theo cách lấy bình quân giá đất lúa trong vùng. Tại sao không lấy giá đất của 2 nhà máy bên cạnh? Vì nó là đất nông nghiệp còn đất 2 nhà máy bên cạnh là đất thổ cư.
Đất nông nghiệp giá vài chục ngàn đồng một mét vuông, nhưng nếu đất nông nghiệp đó được chuyển thành đất thổ cư thì giá đến vài chục triệu đồng một mét vuông.
Nhiều năm, nhiều lần nông dân xin chuyển mục đích sử dụng đất này từ đất lúa sang đất thổ cư thì chính quyền đưa ra mọi lý do để không cho, kể cả lý do đất này nằm trong quy hoạch.
Đùng một cái đất bị thu hồi để thực hiện dự án, giá đền bù bằng giá đất nông nghiệp bình quân toàn vùng, thì làm sao mà nông dân không đi kiện, thì làm sao mà nông dân không biến thành dân oan.
Nông dân không được chuyển mục đích sử dụng đất, thế nhưng, doanh nghiệp mua đất này được chuyển mục đích sử dụng thành đất thổ cư và thế là ăn trọn giá trị gia tăng.
Giá trị gia tăng do chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư, vậy tại sao nhà nước không cho nông dân chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư để khi bị quy hoạch thu hồi thì nhận đền bù công bằng?
Dự thảo Luật Đất đai mang nhiều lợi ích cho doanh nghiệp
Nông dân vẫn có hạn mức sử dụng 3ha, nhưng Điều 171 cho phép nhận quyền sử dụng đến 45 ha, Điều 185 lại cho phép tập trung đất nông nghiệp, Điều 186 cho phép tích tụ ruộng đất. Những Điều 171,185,186 là hợp pháp hóa việc vượt hạn điền của doanh nghiệp so với nông dân.
Trong điều 78 Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Thực tế gọi cho đúng là Nhà nước thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể:
Khoản g: Dự án khu công nghiệp; khu chế xuất; khu công nghệ cao; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung;
Khoản h: Dự án đô thị sử dụng các loại đất không phải là đất ở.
Như vậy Khoản g và h đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lấy đất của nông dân.
Dự thảo Luật Đất đai tăng thêm quá nhiều quyền cho chính phủ
Luật Đất đai năm 2013 quy định Nhà nước quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, Nhà nước có quyền thu hồi, Nhà nước ấn định giá đất, Nhà nước bồi thường.
Dự thảo Luật Đai (sửa đổi) quy định: Nhà nước có quyền quy hoạch, Nhà nước có quyền thu hồi đất, Nhà nước ấn định giá đất, Nhà nước bồi thường.
Vậy có gì thay đổi đâu?
Lãnh đạo nhiều tỉnh và nhiều huyện liên minh ma quỷ với doanh nghiệp để lấy đất nông dân bồi thường giá rẻ, bây giờ Điều 64 và Điều 65 vẫn giao cấp tỉnh và cấp huyện lập quy hoạch sử dụng đất thì làm sao mà chống lại liên minh ma quỷ này.
Không những không thay đổi mà còn tăng quyền cho Chính phủ trong việc thu hồi đất của nông dân để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội. Có cái gì trên đất nước Việt Nam này sử dụng đất mà không nhằm để phát triển kinh tế - xã hội?
Điều 78 cho phép Chính phủ thu hồi đất của nông dân để phát triển mọi thứ.
Tại sao thu hồi đất cho dự án xây dựng cơ sở tôn giáo? Từ trước đến nay các tôn giáo tự bỏ tiền ra mua đất để xây dựng cơ sở, nay tại sao lại thu hồi đất của nông dân giao cho các cơ sở tôn giáo. Thu hồi đất xây dựng cơ sở tôn giáo hay thu hồi đất nông dân giao cho bọn con buôn thực hiện các khu du lịch tâm linh buôn thần bán thánh lấy lời?
Điều 111 Phát triển quỹ đất mới thật kỳ lạ.
Tại sao Nhà nước phải đầu tư phát triển quỹ đất? Đất ở đâu mà Nhà nước đầu tư phát triển quỹ đất ngoài cách thu hồi đất của nông dân?
Khoản 1 Điều 111: Nhà nước đầu tư phát triển quỹ đất để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư.
Các dự án đầu tư được quy định ở Điều 112:
1. Các dự án tạo quỹ đất gồm:
a) Dự án do Nhà nước đầu tư để tạo quỹ đất thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật này;
b) Dự án thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 78 của Luật này.
Với Điều 111 và Điều 112 này, Nhà nước lập dự án rồi thu hồi đất của nông dân đưa vào quỹ phát triển đất.
Nhà nước thu hồi đất của nông dân rồi lập ra tổ chức phát triển quỹ đất theo Điều 115: “Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công hoặc doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được thành lập theo quy định của pháp luật.”
Khoản 6 - Điều 115 quy định: “Chi phí tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp; cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp được cấp từ ngân sách nhà nước…”.
Điều 37 - Khoản 2: “Tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có nguồn gốc do được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất hoặc Nhà nước cho thuê đất trả trước tiền một lần cho cả thời gian thuê mà tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã trả không có nguồn”
“Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất” tức là nhà nước bán quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp.
Theo các Điều, Khoản này thì Nhà nước lập dự án phát triển kinh tế - xã hội rồi thu hồi đất của nông dân bỏ vào quỹ phát triển đất, giao cho doanh nghiệp nhà nước kinh doanh bán đất cho doanh nhiệp hoặc cho doanh nghiệp thuê để lấy lời.
Tóm lại, Dự thảo Luật Đất đai nếu được thông qua thành Luật Đất đai thì thực tế sẽ diễn ra như sau:
Doanh nghiệp lập dự án trình cho Chính phủ hoặc UBND tỉnh hoặc UBND huyện. Chính phủ hoặc UBND tỉnh hoặc UBND huyện lập quy hoạch thu hồi đất của nông dân bỏ vào quỹ phát triển đất, sau đó lãnh đạo doanh nghiệp phát triễn quỹ đất sẽ bán lại cho doanh nghiệp làm dự án để lấy lời cho Nhà nước.
Doanh nghiệp cũng sướng vì được nhận quyền sử dụng đất đến 45 ha, được Nhà nước bán đất trực tiếp để làm dự án và tạo quỹ đất kinh doanh bất động sản chứ không cần phải thương lượng với nông dân.
Nông dân chỉ còn cách duy nhất là nhận tiền đền bù rồi giao đất cho Chính phủ lập quỹ đất khi trúng quy hoạch, không giao đất sẽ bị cưỡng chế, chống lại đoàn cưỡng chế sẽ ở tù dù giá bồi thường rẻ mạt theo giá đất nông nghiệp trong khi đất của mình là đất mặt tiền hạng nhứt.
Ghi chú: Dự thảo Luật Đất đai sử dụng trong bài viết này ở trang Chính phủ
(1) https://luatduonggia.vn/so-huu-dat-dai-thoi-ky-phong-kien/
H.K.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.