Nghệ sĩ nhân dân, Tiến sĩ và… ‘không có gì quý’!
Tuy phản ứng của công chúng trên mạng xã hội đối với đề nghị của Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội có một số khác biệt trong nhận định nhưng nhìn một cách tổng quát…
Tuần này, đề nghị của Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội với Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội Việt Nam: Xin cơ chế đặc thù cho những giảng viên có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân được tính tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ để phù hợp ngành nghề đào tạo (1)… là một trong những chủ đề khuấy động dư luận trên mạng xã hội.
Xuân Sơn Võ gọi đó là “đề xuất đầy trí tuệ” vì: Phải nói là Việt Nam làm được những cái mà thế giới không ai làm được. Sẽ không có gì là lạ nếu ngày nào đó người ta đề xuất, coi Quốc hội tương đương với Viện gì đó (chẳng hạn Viện Nghiên cứu về bò), các Đại biểu Quốc hội sẽ tương đương với Viện sĩ. Với sự lãnh đạo tài tình sáng suốt, với trí tuệ cộng sản lung linh chói loà, chuyện gì họ cũng có thể làm được(2).
Đào Tuấn thì… Nhớ ngày xưa đọc “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng và “cười muốn đứt ruột với danh hiệu ‘Giáo sư quần vợt” của Đốc tờ Xuân. Thế rồi đùng một cái, chúng mình có Tiến sĩ Cầu lông Sơn La bằng xương bằng thịt và cả nước có tới tận mười ông tiến sĩ cầu lông lận. Chúng mình có Tiến sĩ Cầu lông lại có cả bác sĩ Kinh Công nữa. Cho nên, giờ phiên ngang Nghệ sĩ nhân dân thành Tiến sĩ cũng có gì đáng ngạc nhiên đâu. 24.000 tiến sĩ chẳng ai biết đang làm gì, chẳng phải là rất logic với những nghệ sĩ nhân dân mà chẳng nhân dân nào biết đó là ai!? Cái đáng ngạc nhiên chỉ là ở việc sống ở Đông Lào đế quốc mà vẫn còn biết ngạc nhiên thôi (3).
Cũng với mạch tư duy đó, Nguyễn Gia Việt bày tỏ… sự ủng hộ “nghệ sĩ nhân dân tương đương tiến sĩ” tại vì “Việt Nam là nước của dân, do dân, vì dân. Mỗi nghệ sĩ,ca sĩ là một chiến sĩ trong lĩnh vực tư tưởng và tuyên truyền bảo vệ chế độ. Chúng ta đang hoạch định chính sách bằng “kịch bản”, chống dịch cũng bằng kịch bản thì tại sao nghệ sĩ nhân dân không thể tương đương tiến sĩ? Ai chống thì kêu công an bắt nó, ai phàn nàn thì đó là thứ phản động, thế lực thù địch. Rồi ba bốn năm nữa sẽ cho nghệ sĩ nhân dân tương đương tiến sĩ ‘nâng cao’.Chục năm sau tương đương tiến sĩ “cao cấp” hoặc “kiểu mẫu”. Rồi cho nghệ sĩ nhân dân qua Bệnh viện Chợ Rẫy mổ xẻ khám bịnh cho dân. Rồi cho nghệ sĩ nhân dân qua làm đăng kiểm xe nữa.Không thấy thiếu nhân lực nên ùn tắc hả? Không thấy có ‘Nông thôn mới’ rồi có thêm ‘Nông thôn mới nâng cao’, ‘Nông thôn mới kiểu mẫu’ hả(4)?
Hoàng Mạnh Hà cũng khẳng định rằng… rất đồng tình và xin bổ sung: Nghệ sĩ nhân dân – tương đương tiến sĩ. Nghệ sĩ ưu tú – Tương đương thạc sĩ. Nghệ sĩ không nhân dân, không ưu tú – Tương đương cử nhân. Tóm lại, đã là nghệ sĩ thì không cần phải học hành gì hết, có học cũng bằng thừa, tốn thời gian vô ích. Ngay cả Ban Giám hiệu Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, nơi đưa ra ý kiến này với Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội cũngchứng tỏ họ có học hành gì đâu mà vẫn đào tạo ra được nghệ sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ đấy ư (5)!
***
Có một số người như Thái Hạo nhìn đề nghị của Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội như sự vụng về trong diễn đạt. Thái Hạo cho rằng, Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đưa ra đề nghị ấy vì quy định buộc phải có bằng cấp nhất định mới được tham gia giảng dạy trong khi nhiều người có thực lực lại không đáp ứng được quy định. Họ muốn có quy chế riêng cho những người giỏi giang đó tham gia vào hệ thống đào tạo các chuyên ngành nghệ thuật.
Thái Hạo cho rằng: Đặt ra vấn đề ấy là đúng, còn giải quyết vấn đề thế nào lại là chuyện khác và cụ thể, họ đề xuất rằng, riêng với các trường nghệ thuật thì cho phép những người có danh hiệu nghệ sĩ nhân dân được tham gia đào tạo học viên tương đương với vai trò của một tiến sĩ trong ngành ấy. Chưa bàn chuyện đề xuất của họ hay dở thế nào nhưng phải nhìn nhận rằng đang có những hạn chế lớn trong quy chế đào tạo cần được tháo gỡ.Chẳng hạn bà Quách Thị Hồ là Nghệ nhân Ca trù số một Việt Nam nhưng không có học vị gì cả. Vì vướng yêu cầu về bằng cấp rõ ràng bà không thể tham gia đào tạo về cho loại hình nghệ thuật này, như thế là thiệt thòi cho học viên. Đề xuất của Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội nhằm giải quyết nút thắt này. Tuy nhiên, cách diễn đạt của trường này thì không tốt, dẫn đến nổi sóng. Nếu họ nói “cần một cơ chế riêng cho ngành đào tạo trong các lĩnh vực nghệ thuật như cơ chế A, hoặc cơ chế B…” thì đã không đến nổi gây dư luận ồn ào. Vấn đề xây dựng cơ chế đặc thù cho các ngành đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật rất đáng xem xét nghiêm túc. Còn cơ chế đó là gì thì cần nghiên cứu kỹ (6).
Mai Bá Kiếm cũng nhắc đến một chuyện xảy ra năm 2004… Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TPHCM thành lập Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn (GDNN MNKH) để đào tạo ra thợ bạc nhưng không thể kiếm ra giáo viên thợ bạc có bằng Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức như các nghề: Tiện, phay, bào, hàn, nguội… Trước năm 1975, ở miền Nam không có trường dạy thợ bạc, nó được truyền nghề từ thợ già cho thợ trẻ ở các tiệm vàng hay chành vàng. Sau 30/4/1975, nghề buôn bán vàng bị cấm, thợ bạc phải làm chui như một nghề lậu. Cho nên, khi thành lập Trung tâm GDNN MNKH, Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP.HCM phải nhờ các thợ bạc nhiều kinh nghiệm như các ông: Tám Kim Hảo, Tư Mỹ Linh, Tư Đảnh… làm thầy dạy mà không hề phiên ngang (qualifying) là “Cử nhân Sư phạm kỹ thuật” ngành kim hoàn!
Mai Bá Kiếm nhấn mạnh: Nghệ sĩ là một loại nghề như thợ bạc, nghệ sĩ lão luyện dạy nghệ nghệ sĩ trẻ, mắc cái mớ gì đòi phiên ngang “nghệ sĩ ưu tú” là “thạc sĩ”, “nghệ sĩ nhân dân” là tiến sĩ? Tại sao không đề nghị nghệ sĩ trơn (chưa có danh hiệu) là “cử nhân” rồi anh kéo màn tương đương “Tú tài 2” cho nó máu? Đại học Sân khấu Điện ảnh cũng nên cấm dân chúng nói “xướng ca vô loại” mà phải nghiêng mình, kính cẩn gọi là “Xướng ca khoa bảng”(7)!
***
Tuy phản ứng của công chúng trên mạng xã hội đối với đề nghị của Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội có một số khác biệt trong nhận định nhưng nhìn một cách tổng quát, cách thức quản lý – điều hành xã hội của chính quyền Việt Nam đã biến các danh hiệu vốn dĩ cao quý trở thành trò hề trong mắt công chúng và công chúng ngờ vực, khinh miệt tất cả. Thành quả lớn nhất mà đến nay chính quyền Việt Nam đạt được là… “không có gì quý” và “không còn gì quý”.
Đỗ Duy Ngọc cho rằng: Xứ ta đã loạn tiến sĩ rồi, hàng chục ngàn tiến sĩ mà chẳng làm nên trò trống gì, chẳng viết được báo cáo khoa học nào cho ra hồn, chẳng sáng chế, sáng tạo gì cho dân nhờ, toàn cầm bằng tiến sĩ để đi làm cán bộ, công chức. Trong hàng ngũ lãnh đạo của ta, hình như đa số là tiến sĩ. Có người xuất thân là thất học, đi làm cán bộ, leo dần lên và rồi cũng có bằng tiến sĩ. Đã đành chuyện phấn đấu học hành là việc đáng khen, nhưng tiếc là rất nhiều tiến sĩ không cần học. Cũng chẳng cần bằng giả, cũng có ghi tên học nhưng học giả bằng thật. Chuyện mua bằng giả là xưa rồi, bây giờ bỏ tiền ra mua bằng thật. Và rồi xứ này tiến sĩ chạy đầy đường, chủ tịch phường có bằng tiến sĩ cũng chỉ là chuyện bình thường ở huyện. Giờ lại định Nghệ sĩ nhân dân được tính tương đương tiến sĩ, nếu làm thế xã hội lại thêm một mớ tiến sĩ nữa, riết rồi đâu cũng sờ thấy tiến sĩ cả.
Đỗ Duy Ngọc nhận xét thêm: Ngày trước, Nghệ sĩ nhân dân ở Việt Nam hiếm hoi, chỉ những nghệ sĩ có thực tài mới được phong tặng. Giờ thì hầu như nghệ sĩ nào ở lâu trong nghề, có khi chẳng ai biết tên, biết mặt, chỉ cần có đôi ba huy chương, sống lâu lên lão làng là thành Nghệ sĩ nhân dân, mang danh mà chẳng xứng đáng chút nào. Ngu dân tui thấy hai cái này chẳng liên quan gì với nhau cả. Đành khóc ba tiếng, cười ba tiếng, vái ba lạy rồi rũ áo mà buồn cho thế thời (8).
Chú thích
(1) https://vietnamnet.vn/de-xuat-nghe-si-nhan-dan-duoc-tinh-la-tien-si-2117710.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.