Có chăng “Kỳ đà là cha Cắc ké”…?
11-3-2023
Tôi thật ngạc nhiên khi thấy dân mạng chia sẻ một trang trong Luật đất đai sửa đổi với định nghĩa về “đất trồng cây hàng năm”. Một định nghĩa lòng vòng, rối mù hơn cả bài đồng dao cho trẻ con chơi: “Kỳ đà là cha cắc ké/ Cắc ké là mẹ kỳ nhông/ Kỳ nhông là ông kỳ đà/ Kỳ đà là cha cắc ké…”. Hay: “Lúa ngô là cô đậu nành. Đậu nành là anh dưa chuột. Dưa chuột là ruột dưa gang. Dưa gang là nàng dưa hấu. Dưa hấu là cậu lúa ngô…”
Từ ngạc nhiên đi đến bật cười khi nhà chức trách cho trẻ em tham gia góp ý cái luật mà người lớn phải vắt óc suy nghĩ. Luật Đất đai liên quan đến vận mệnh quốc gia, đến an ninh lãnh thổ và quyền lợi của công dân. Phải là người từng trải nghiệm bằng máu mới có thể góp ý tốt được, đâu phải chuyện trẻ con?
Cho trẻ con góp ý Luật Đất đai chẳng khác một trò diễn trong thao giảng ở trường học. Người lớn viết sẵn văn mẫu rồi bắt trẻ con học thuộc để giơ tay phát biểu cho ra vẻ lấy trẻ em làm trung tâm, như cách làm của giáo dục hiện nay? Nếu không viết sẵn cho trẻ con mà để trẻ tự nói thì chắc chắn chỉ có lời ngớ ngẩn.
Tôi muốn góp ý nhiều điều, nhưng chơi trò như vậy thì ý kiến cá nhân của tôi hay của những người tâm huyết khác chỉ là giọt muối bỏ trong loạn xạ biển người, trong đó không đầy rác rưởi cũng lềnh phềnh tã lót? Những người đàng hoàng, nghiêm túc có cảm thấy bị tổn thương không?
Khi thấy dân mạng chia sẻ một đoạn trong Luật đất đai với định nghĩa vòng vo, rối rắm, bất giác tôi nghĩ, rằng họ cho trẻ con góp ý cũng phải. Vì cách định nghĩa ấy đúng là trò chơi của con trẻ, chỉ có con trẻ ở giai đoạn tiền ngôn ngữ mới hiểu được!
Tuy nhiên, đêm nay mất cả mấy tiếng đồng hồ tra cứu xem, cái trang ấy nằm ở điều nào trong bộ luật? Tra văn bản Chính phủ gửi cho từ đầu, không thấy. Tra các văn bản đã chỉnh sửa lần 1, lần 2 cũng không thấy. Chỉ thấy ở Điều 10. Phân loại đất, nguyên văn như sau:
Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại như sau:
1. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất như sau:
a) Đất trồng cây hàng năm gồm đất chuyên trồng lúa, đất trồng lúa còn lại và đất trồng cây hàng năm khác;
b) Đất trồng cây lâu năm;
c) Đất lâm nghiệp gồm đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng;
d) Đất chăn nuôi tập trung;
đ) Đất nuôi trồng thủy sản;
e) Đất làm ruộng muối (sau đây gọi là đất làm muối);
…
Bạn nào biết cái đoạn định nghĩa “đất trồng cây hàng năm…” vòng vo, rối rắm ấy nằm ở văn bản nào? Hay chỉ là một trò chế đầy ngụy tạo để biến chuyện nghiêm túc thành trò cười, như người ta đã cho trẻ em chơi với Luật Đất đai?
Thú thật, tôi là người thích đùa. Nhưng không dám đùa trong chuyện này!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.