Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2023

Con người cộng sản-phần 2

  Con người cộng sản-phần 2.

Bùi Thanh Hiếu 

Nhiều người nghĩ rằng tất cả mọi nhân viên trong sứ quán từ đại sứ đều là cán bộ ngoại giao. Thực tế không phải vậy. Những người theo ngành ngoại giao họ học từ trường ngoại giao, thường theo cha truyền con nối. Từ bé họ đã theo cha mẹ đi khắp nơi, học trường quốc tế. Có những cha mẹ vài năm làm đại sứ nơi này, vài năm nơi khác, con cái theo cha mẹ đến đâu học ở đó. Có trường hợp thì cha mẹ đi công cán nhiều năm, con học ở nhà do ông bà chăm sóc.


Những người theo ngành ngoại giao họ học ăn nói cẩn trọng từng câu chữ, biểu hiện thái độ luôn đúng mức tạo thiện cảm. Từng cử chỉ, nét mặt đến cách cầm ly, thìa, dĩa hay phong tục chào hỏi, khiêu vũ, âm nhạc, văn học họ đều học qua hết.


Phong thái của họ là nhẹ nhàng, lịch lãm ngay cả khi ngồi nói chuyện với kẻ thù.


Nơi tiếp dân trong đại sứ quán các nước bao giờ cũng do an ninh phụ trách. Cán bộ an ninh được biệt phái đi công tác tại sứ quán các nước, đóng mác nhân viên sứ quán. Một thời gian sau họ hết nhiệm kỳ trở về, có thể được phái đi nước khác hoặc có thể được bố trí đảm nhiệm chức vụ nào đó trong ngành công an.


Chẳng hạn như ông Tô Ân Xô làm lãnh sự quán Việt Nam tại Houston, khi về nước ông làm giám đốc công an Bắc Giang rồi chánh văn phòng Bộ Công An với hàm trung tướng. Ông Tô Lâm hay ông PM Chính trước kia cũng công tác nước ngoài dưới mác nhân viên lãnh sự như vậy.


Bởi bản chất đào tạo là ngành côn an, nên thái độ của họ khác xa những người học ngành ngoại giao. Công an để trị dân, cho nên bố trí những người an ninh phụ trách việc giải quyết giấy tờ cho công dân Việt Nam là điều đương nhiên. Một người học ngoại giao không thể biết cách vặn vẹo người dân thiếu cái chứng nhận gì, biết cách tra hỏi như điều tra để bắt bí buộc người dân phải móc tiền hối lộ.


...............


A nhếch mép cười, anh ta nói.


- Tưởng gì chứ làm hộ chiếu mới thì đơn giản, nhưng anh lên đây chắc không phải vì việc đấy, anh có việc gì cứ nói luôn đi, thẳng thắn với nhau. Anh muốn nói chuyện công việc hay chúng ta nói chuyện với nhau một chút.


Tôi không ngạc nhiên khi anh ta hỏi mãi việc tôi lên đây làm gì, mặc dù đã đến lần thứ tư anh ta hỏi và tôi vẫn lặp lại chỉ làm hộ chiếu. Tôi trả lời.


- Anh làm hộ chiếu thôi.


Tôi không muốn nói chuyện gì với anh ta. Thái độ của anh ta lúc đầu đã khiến tôi không muốn nói chuyện và xác định trở thành người dân đi làm hộ chiếu như bao người khác. Chính vì vậy, tôi đã kiên nhẫn ngồi chờ, lặng lẽ cam chịu khi anh ta lớn tiếng quát nạt.


Đời tôi đã bao nhiêu lần làm việc với an ninh, công an từ Lạng Sơn cho đến Sài Gòn, từ cấp phường đến cấp bộ. Đủ mọi loại A, C như A61, 63, 67, 92, 88, 08 hay C45, C06, V5. Những lần nào làm việc tôi đều viết lại. Nhưng những lần họ đề nghị gặp nói chuyện riêng thì tôi không kể lại.


Đấy là những lần ngồi cà phê hay ăn bữa cơm bình dân bên lề phố, lúc ngoài giờ làm việc nói chuyện cuộc sống, gia đình. Hay những lần ở trụ sở an ninh, trong trại giam người ta xếp giấy bút sang một bên. Pha ấm trà, gọi thêm một người quen nào đó đến và nói hôm nay chúng ta chỉ nói chuyện tâm tình, không phải làm việc.


Những lần như thế, tôi không viết ra. Nhưng làm việc thì phải kể. Đó là lý do tôi thoái thác không muốn nói chuyện với anh ta, chỉ muốn nói việc của tôi là làm hộ chiếu mới.


Giả sử lúc anh ta lớn tiếng quát, không làm thì đi về, giữa phòng tiếp dân. Tôi có thể chửi đm mày bố cần đéo gì, bố xé hộ chiếu luôn đây cho mày xem. Xé xong rồi đi về, câu chuyện chấm hết.


Tôi đã mang quốc tịch Đức, đâu cần gì đến cuốn hộ chiếu Việt Nam nữa.


Nhưng dù sao tôi vẫn muốn mình là người Việt Nam trên giấy tờ của nhà nước CHXHCN VN. Dù không cần quyền lợi gì hết ở nơi mình đã sinh ra và lớn lên, ở cái nơi mà quá khứ chỉ nhớ nhất những ngaỳ thơ ấu khổ cực theo mẹ đi bán hàng rong hay lúc lớn ở trong những nhà giam và những trại tù, dù là mảnh giấy chứng nhận của một thể chế cai trị đất nước mà tôi không ưa. 


Tôi không thể đối xử với cuốn hộ chiếu Việt Nam một cách như vậy chỉ vì một cán bộ an ninh sứ quán.


Ngày còn bé, tôi đọc tác phẩm Nguyệt Thực của Tendriakov người Nga lưu vong, trong đó có bài thơ.


Tấm bản đồ Petersburg hoa lệ


Bất ngờ tôi gặp chốn tha phương


Trên mảnh giấy úa vàng cũ kỹ


Một tấc bản đồ, vạn tấc quê hương


Và lớp lớp bỗng hiện về ký ức


Chân sững sờ, mắt lệ rưng rưng


Rồi nỗi buồn bỗng trào lên thổn thức


Một tấc lòng, vạn tấc nhớ thương.


Các bạn từng đọc tôi, chắc còn nhớ câu chuyện Cháo Đỗ Xanh, tôi có nói đoạn kết cuộc sống của tôi bước chân khắp những nơi phồn hoa của thế giới, nhưng cứ mỗi khi nắng hè rực rỡ nhuộm màu thương nhớ trên những con đường lát đá xứ người. Tôi lại nấu món cháo đỗ xanh để nuôi dưỡng sự mềm yếu trong con người mình. Tôi sợ bản thân mình ngày nào đó cảm thấy quê hương chả còn gì để luyến nhớ.


Cuốn hộ chiếu còn hạn, như sợi dây nhắc nhở mình vẫn làm người Việt Nam, như tấm bản đồ mà người Nga lưu vong gặp ở một nơi xa lạ. 


Bản lĩnh, lạnh lùng, nghị lực, thủ đoạn, thông minh đưa đến thành công. Nhưng nhớ thương, mềm yếu mới là thứ làm nên con người.


Tôi đi đổi  hộ chiếu vì nó sắp hết hạn. Thực ra gọi nó là đã hết hạn cũng được. Tôi đến sứ quán xin đổi vào ngày 8 tháng 3, hộ chiếu tôi hết hạn ngày 23 tháng 3. Chỉ còn có 15 ngày, trường hợp thông thường là trả kết qủa 5 ngày khi nhận hồ sơ hợp lệ. Còn trường hợp đặc biệt phải gửi về trong nước xác minh mất 15 đến 20 ngày.


Tất nhiên thì tôi ở trong trường hợp phải gửi về trong nước xác minh, xin ý kiến.


A nói trường hợp tôi phải gửi về xin ý kiến, mất khoảng 20 ngày. Tôi nói tôi đã gửi dịch vụ làm, họ cũng đã đưa sứ quán và cũng nói gửi về nước 20 ngày, nhưng trong nước không ai trả lời nên họ gửi lại và bảo tôi lên sứ quán để có câu trả lời rõ ràng.


Tôi hỏi.


- Tại sao anh phải là trường hợp xác minh, không như bình thường chỉ mất 5 ngày?


A nói.


- Anh là ai thì anh biết quá, anh viết bài chống phá nhà nước, làm hại bao người. 


Tôi suýt phì cười vì câu làm hại bao người, tôi định hỏi người nào, nhưng thôi không muốn đôi co với một nhân viên an ninh. Tôi bảo.


- Thôi, anh không làm hộ chiếu mới nữa.


A nhếch mép.


- Anh biết thế thì còn lên đây làm gì. Anh có gì cứ nói đi.


Tôi hỏi.


- Anh còn là người Việt Nam không?


A gật đầu.


- Anh vẫn là người Việt Nam.


Tôi hỏi.


- Anh xin thôi quốc tịch Việt Nam được không ?


A cười nhạt.


- Anh nghĩ xem, liệu có được không?


 Tôi không còn việc gì nữa. Tôi nhận lại cuốn hộ chiếu cũ và ra về.


Tôi không hỏi anh ta tên gì, chức vụ gì. Với tôi anh ta chỉ là một nhân viên an ninh được biệt phái sang bộ phận ngoại giao, có vô số người như anh ta ở khắp các đại sứ quán Việt Nam trên thế giới. Tôi chỉ cần biết con người an ninh cộng sản bản chất thế nào là đủ.


Lúc tôi ngồi chờ, tôi đã quan sát đủ để hiểu điều ấy.


Lẽ ra anh ta không nên để tôi ngồi chờ như vậy, người an ninh trước anh ta đã hành động khác, họ đưa tôi vào phòng gặp để tôi không nhìn thấy những gì đang diễn ra khi họ tiếp công dân Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.