Con người cộng sản-phần 1.
Bùi Thanh Hiếu
Hôm qua tôi đến đại sứ quán Việt Nam để làm thủ tục đổi cuốn hộ chiếu cũ đã hết hạn vào ngày 23 tháng 3 năm 2023.
Trong lúc chờ đến lượt mình, tôi nhìn thấy những người làm dịch vụ họ mang từng xấp hộ chiếu, giấy tờ đến. Có người làm ở du lịch họ xin visa cho người Đức, có người làm dịch vụ họ gom tất cả mấy hồ sơ mang đến làm một thể.
Những người làm qua dịch vụ sẽ mất thêm một khoản tiền, như thế cũng tiện cho họ. Vì đến sứ quán chờ đợi , khai báo thiếu nọ kia, đi lại cũng mất công. Hệ thống chân rết dịch vụ của sứ quán Việt Nam tại Đức khá đông. Vì quen thuộc thủ tục, giấy tờ nên họ làm việc với nhân viên sứ quán khá nhanh. Giá cả chia chác đôi bên đã được thống nhất, người làm dịch vụ chỉ đưa hồ sơ một loáng đã xong.
Tuy đây là việc ăn chia trái pháp luật, nhưng nói chung cũng tiện lợi cho các bên, một phương thức linh động mà bên nào cũng thấy hài lòng.
Thực tình tôi cũng đưa hộ chiếu của mình qua hai dịch vụ, nhưng đều bị trả lại. Nơi cuối cùng họ bảo tôi lên thẳng sứ quán làm xem sao.
Các nhân viên sứ quán ở các ô cửa tiếp nhận hồ sơ làm việc khá tốt từ thái độ cho đến cách xử lý. Họ tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn, hỏi han nhẹ nhàng và chu đáo. Có máy bấm phiếu chờ đến lượt, khách đến bấm phiếu và đến lượt mình khá nhanh. Những người dịch vụ thì họ không cần bấm phiếu, nhưng họ cũng không làm ảnh hưởng thời gian của ai, họ thấy ô cửa nào trống thì vào đưa hồ sơ.
Hồ sơ được nhân viên sứ quán mang vào bên trong cho bộ phận bên trong xử lý, bộ phận này thường là nhân viên an ninh núp bóng nhân viên sứ quán.
Các hồ sơ dịch vụ trả qua ô cửa bên ngoài, tiền trao cháo múc nhanh gọn.
Còn những cá nhân không qua dịch vụ, như khách thường thì bấm số chờ đến lượt, như nói lúc trước là cũng nhanh. Chỉ chốc là được gọi vào trong làm việc.
Đến lượt tôi thì nhân viên an ninh đội lốt nhân viên sứ quán, cậu ta còn trẻ chắc chỉ ngoài 30, tạm gọi là A.
A gọi người tên người trước tôi vào làm việc, rồi quay qua tôi nói rất dõng dạc và to.
- Anh Bùi Thanh Hiếu chuẩn bị đến lượt.
Anh ta làm việc với người trước khá nhanh, khi tôi vào A bảo phải để điện thoại ở tủ ngoài ô như quy định. Giọng anh ta đầy vẻ uy quyền.
Tôi không đồng ý, anh ta nói nếu tôi không chấp hành pháp luật của Việt Nam thì đừng làm. Tôi định nói đây là quy định của sứ quán chứ không phải là pháp luật. Nhưng nghĩ vai vế của anh ta, tôi nhịn không đôi co làm gì. Cứ để anh ta thể hiện quyền uy của mình, còn tôi ở thế người dân đen đến cửa quan co ro, sợ sệt cũng chẳng sao cả.
Tôi về nhà cất điện thoại và quay lại, lần này tôi phải chờ khá lâu. Tuy rằng tôi bấm phiếu và lấy số lại, nhưng nhiều người dịch vụ họ được giải quyết trước tôi. Có người dẫn hai cô gái vào, một cô tên là Nguyễn Kim Hương, họ vào sau tôi rất nhiều và được giải quyết trước.
Tôi ngồi kiên nhẫn đợi. Tôi hiểu họ đang hạ nhục tôi và muốn tôi nổi nóng.
Mãi đến khi không còn ai, cậu A gọi người nữa vào và lại lặp lại, anh Hiếu chuẩn bị đến lượt.
Tôi nhìn đồng hồ, chỉ còn vài chục phút nữa là hết giờ. Khi đến tôi là người cuối cùng, A gọi tôi vào, tôi giải thích nhẹ nhàng.
- Em có quyền không cho ai mang điện thoại vào, nhưng em không có quyền bắt anh để điện thoại ở chỗ em quy định, vì nếu mất điện thoại thì ai đền, chìa khoá ngoài tủ kia biết được là còn ai có nó. Điện thoại với anh không giá trị vì tiền, mà còn những thông tin trong đó. Nên anh mang về nhà cất rồi quay lại đây.
Cậu ta cười vẻ thắng lợi khi thấy tôi quy phục lệnh. Nhưng rồi cậu ta có vẻ chột dạ vì phản ứng cam chịu, nhẫn nhục của tôi. Có lẽ cậu ta thấy tôi đang âm mưu gì. Cậu ta hỏi
- Anh đến đây mục đích gì, anh nói thẳng đi.
Tôi giải thích chỉ muốn thay hộ chiếu mới, vì hộ chiếu cũ của tôi hết hạn. Chỉ có vậy thôi.
A chỉ cho tôi chỗ cất đồ bên trong, tức có 2 lần cất đồ, anh ta bảo tôi giang tay chân ra để kiểm tra tôi còn mang thiết bị gì không.
Tôi cười nói, tôi chưa bao giờ ghi âm, ghi hình lén cả.
Căn phòng bên trong lộn xộn, nó chật hẹp và bề bộn như văn phòng lẫn nhà kho, chỗ ở. Đây là nơi tiếp công dân Việt Nam, nó không hoành tráng như phòng tiếp khách mà đại sứ hay mở tiệc mà chúng ta thấy trên những tờ báo lá cải cộng đồng.
Cậu ta mời tôi ngồi ghế đối diện, qua cái bàn làm việc. Hỏi tôi.
- Lâu rồi anh đặt chân trên lãnh thổ Việt Nam cảm giác sao?
Tôi nói.
- Mười năm anh đi, chưa lần nào về. Ba bốn năm đầu cũng nhớ, giờ thấy quen rồi.
Cậu ta nói.
- Không, là nói sứ quán này cơ, lãnh thổ ở đây.
Tôi cười nói nhẹ.
- Vẫn như Việt Nam, vào công sở hống hách, quyền uy, quát nạt như ở bên nhà. Thái độ nói chung là thù địch.
Cậu ta xua tay.
- Thôi giờ anh thích vào việc thẳng hay nói chuyện, anh lên đây vì việc gì ?
Câu hỏi cậu ta lập lại đã vài lần. Tôi quen việc đó rồi, nhiều lần với cơ quan an ninh, họ hỏi đi hỏi lại nhiều lần một câu hỏi, nếu không biết chúng ta tưởng họ quên, thực ra họ đang cố khơi ra tình tiết nào đó để khai thác câu chuyện theo hướng họ muốn. Tôi nhẹ nhàng nói đủ nghe.
- Hộ chiếu anh hết hạn, như anh nộp và trình bày ngoài kia, anh muốn làm hộ chiếu khác. Thực ra anh cũng không cần đến cuốn hộ chiếu này. Nhưng vì hết hạn thì cứ đến xin đổi cuốn mới. Chỉ có thế thôi.
Cậu ta cười khẩy.
- Được , gì chứ làm hộ chiếu thì ok, nhưng lâu rồi anh mới đến đây, dù sao anh cũng là người nổi tiếng, có chuyện gì hay mục đích gì anh cứ nói.
Tôi lặp lại, chỉ đến làm hộ chiếu mới thôi. Chả lẽ hết hạn không làm, dù thực sự chẳng cần gì đến hộ chiếu Việt Nam cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.