Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Chủ tịch nước Việt Nam từ chức trong bối cảnh Đảng Cộng sản tăng cường trấn áp tham nhũng

 

Chủ tịch nước Việt Nam từ chức trong bối cảnh Đảng Cộng sản tăng cường trấn áp tham nhũng

Reuters

Tác giả: By Khanh Vu  Phuong Nguyen

Cù Tuấn, dịch

17-1-2023

Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc từ chức sau khi Đảng Cộng sản cầm quyền đổ lỗi cho ông về “những vi phạm và sai trái” của các quan chức dưới quyền, chính phủ cho biết ngày 17-1, trong một bước leo thang lớn của cuộc chiến chống tham nhũng trên đất nước này.

Ông Phúc, cựu thủ tướng được tín nhiệm rộng rãi trong việc thúc đẩy các cải cách hỗ trợ doanh nghiệp, đã giữ chức vụ Chủ tịch nước phần lớn mang tính nghi thức kể từ năm 2021 và là quan chức cấp cao nhất bị Đảng hạ bệ do tham nhũng.

Việt Nam không có lãnh đạo có quyền hành tối cao và được lãnh đạo chính thức bởi “Tứ Trụ”: Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.

Ông Phúc, 68 tuổi, phải chịu trách nhiệm cuối cùng về các sai phạm của nhiều quan chức, trong đó có hai phó thủ tướng và ba bộ trưởng, chính phủ cho biết.

Nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trước đảng và nhân dân, ông đã làm đơn xin thôi giữ chức vụ được giao, từ chức và nghỉ hưu”, thông báo viết.

Văn phòng Chủ tịch nước không đưa ra bình luận ngay lập tức và không rõ liệu người thay thế cho ông Phúc đã được chọn hay chưa.

Tại Việt Nam đã có nhiều đồn đoán rằng ông sẽ bị cách chức sau khi hai Phó thủ tướng phục vụ dưới quyền ông bị cách chức vào tháng 1, khi đảng tăng cường gấp đôi nỗ lực chống tham nhũng qua chiến dịch “đốt lò” do Nguyễn Phú Trọng, người đầy quyền lực lâu năm dẫn đầu.

Năm ngoái, Đảng cho biết, đã có 539 đảng viên bị truy tố hoặc bị “kỷ luật” vì tham nhũng và “cố ý làm trái”, bao gồm các bộ trưởng, quan chức cấp cao và nhà ngoại giao, trong khi cảnh sát điều tra 453 vụ tham nhũng, tăng 50% so với năm 2021.

Ông Trọng hồi đầu tháng này cho biết, Đảng sẽ “quyết tâm hơn”, “hiệu quả hơn và có phương pháp hơn” trong cách tiếp cận chống tham nhũng, đồng thời cam kết sẽ mang lại kết quả.

Không chắc chắn có tác động gì

Có các ý kiến khác nhau về tác động của nỗ lực chống tham nhũng đối với đầu tư và chính sách.

Lê Hồng Hiệp thuộc Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, cho biết, cuộc thanh trừng có thể mở đường cho các nhà lãnh đạo trong sạch hơn, có năng lực, trỗi dậy.

Miễn là việc cải tổ lãnh đạo không dẫn đến những thay đổi chính sách triệt để, thì tác động của chúng đối với nền kinh tế cũng sẽ bị hạn chế”, ông Hiệp đăng trên tài khoản Facebook của mình.

Tuy nhiên, Hà Hoàng Hợp, một thành viên cao cấp của cùng viện nghiên cứu trên, cho biết, sự từ nhiệm của ông Phúc và sự không chắc chắn về tác động của cuộc trấn áp có thể khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Điều này có thể dẫn Việt Nam đến một thời kỳ bất ổn, khiến bạn bè và các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng”, ông nói.

Việc từ chức của ông Phúc cần có sự chấp thuận của cơ quan lập pháp, mà các nguồn tin hôm 16-1 cho biết, sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường hiếm hoi trong tuần này, làm tăng thêm kỳ vọng rằng số phận của ông Phúc đã được định đoạt.

Ông Phúc, người được biết đến ở Việt Nam với tính cách thân thiện và tình yêu dành cho đội tuyển bóng đá quốc gia, đã từng được cho rằng, sẽ là Tổng bí thư đảng, cương vị danh giá nhất của Việt Nam, trong tương lai.

Với tư cách là Thủ tướng từ năm 2016 đến năm 2021, ông đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6% hàng năm cho quốc gia chuyên sản xuất đang phát triển của châu Á này và giúp thúc đẩy quá trình tự do hóa, bao gồm các thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu và các cường quốc Thái Bình Dương.

Bất chấp sự từ chức của ông Phúc, chính phủ hôm thứ Ba 17-1 đã ca ngợi những thành tích của ông, đặc biệt là phản ứng với đại dịch.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19, đạt được những kết quả quan trọng”, thông cáo viết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.