“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”
28-2-2023
Trước chiến tranh, đại đa số người Việt không nghe tới Ba Lan, thậm chí còn trường xuyên nhầm với Phần Lan, bản thân Ba Lan cũng rất ít ồn ào, lẳng lặng tập trung phát triển xã hội của họ. Sau 30 năm thay đổi chế độ, GDP của Ba Lan tăng gấp 10 lần (chính xác là 1030% – từ 66 tỷ usd năm 1990 lên 680 tỷ usd năm 2020), xã hội yên bình, ổn định, ít tội phạm thuộc loại nhất châu Âu, trong khi các điều kiện phúc lợi xã hội, miễn học phí, y tế, giáo dục cho toàn dân ngày càng được cải thiện.
Nhưng chỉ khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina nổ ra, tất cả thế giới mới thực sự ngạc nhiên về thực lực của quốc gia 39 triệu dân này. Trong 1 năm qua, họ đã làm được nhiều điều không tưởng, chưa ai từng làm nổi – trong toàn bộ lịch sử loài người.
Việc đáng kinh ngạc nhất là tiếp nhận khoảng 2,5 triệu lượt người Ukraina qua tỵ nạn chiến tranh, thường trực luôn có khoảng 1,8 triệu người ở lại Ba Lan, hầu hết là phụ nữ, trẻ em, người già… những người chỉ “mang thêm gánh nặng” cho xã hội họ. Nhưng không có một khu lều trại ổ chuột nào phải lập ra, thậm chí ngoài các khu tiếp nhận, không hề có “trại tỵ nạn” nào được thành lập. Đại đa số người tỵ nạn Ukraina được nhận “ở nhờ” trong các gia đình Ba Lan cho tới khi tự ổn định được cuộc sống, kiếm được việc làm hoặc trở về nhà. Không có nạn buôn người, tỷ lệ tội phạm không tăng – điều được chính Cao ủy Liên Hiệp quốc về người tỵ nạn công nhận. Người ngoài đường đông hơn, tiếng Ukraina có thể nghe thấy thường xuyên trên phố, nhưng không có xáo trộn nhiều.
Việc thứ hai là hỗ trợ cho Ukraina chiến đấu. Hàng ngàn xe tăng, pháo, xe bọc thép cùng hàng triệu viên đạn, tên lửa… ùn ùn được chuyển sang, rồi hậu cần, huấn luyện binh sỹ, tới mức Ba Lan luôn luôn đứng ở nhóm đầu viện trợ cho Ukraina, sát ngay các cường quốc lớn và giàu có hơn nhiều như Mỹ và Anh, vượt cả Đức.
Việc thứ ba là đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm… cho thêm ngần ấy con người. Chiến tranh gây ra lạm phát, khiến giá cả tăng cao, nhưng cần phải thấy một điều là chưa bao giờ bị thiếu cả. Rồi bị Nga cắt cung cấp khí đốt, dầu hỏa, nhiên liệu, (anh em lông hồng từng rên lên vì sung sướng) nhưng sau 1 năm qua, có ai chết rét hay thiếu thốn gì không?
Sống ở Ba Lan 30 năm, chứng kiến toàn bộ thay đổi mà chính bản thân mình còn phải kinh ngạc về nhận thức con người cũng như nội lực của họ. Khác hẳn những dự đoán của phía thân Nga: “ôi dào, trụ được mấy tháng”, một năm trôi qua, Ba Lan không hề “nghèo” đi, mà ngược lại, ngày càng mạnh mẽ hơn, công tác hỗ trợ Ukraina vẫn tiếp tục và sẽ còn tiếp tục.
Ngược lại, nhìn sang “lãnh tụ vĩ đại” Vladimir Putin cùng với một nước Nga suốt ngày được ca ngợi, tuy ngồi trên một đống tài nguyên, sẽ chỉ thấy đủ các loại vấn đề mà họ không hề “mạnh” như vẫn thường xuyên truyền bá. Phải chăng, đó cũng là bài học cho chúng ta: giáo dục nhân bản, ý thức đối xử người với người dẫn tới nhận thức chung tốt thì xã hội sẽ giàu mạnh lên thôi ? Phùng phùng tẹt tẹt, to mồm hô hào “vĩ đại” với “tự hào”, nhưng động việc thì trốn, thấy người yếu, người lạ thì giở thói côn đồ “biết bố mày là ai không” để bắt nạt, chiếm ưu thế, hơi tý ra là dùng nắm đấm, chửi bới, đánh nhau… thì sẽ dẫn tới cái gì?
Ở Ba Lan chẳng mấy ai quan tâm tới xe đẹp, nhà đẹp, kinh doanh ngàn tỷ, hàng hiệu sang chảnh…, cũng chẳng hô hào vĩ đại, vinh quang, phần nhiều chỉ để ý tới việc: bản thân đem lại giá trị gì tích cực cho xã hội. Cứ lướt một vòng báo chí là sẽ thấy, sự khác biệt của hai quốc gia Việt Nam – Ba Lan lớn tới như thế nào, là có thể thấy tại sao họ thế này, mà chúng ta như vậy.
Tất cả bắt đầu từ giáo dục con người, từ chính bản thân mỗi cá nhân trong xã hội đấy. Chúng ta không phải sống tốt cho ai cả, chúng ta sống tốt cho chính mình thôi.
Bởi dối trá có đem lại cái gì tử tế dài hạn đâu?
_____
P/S. Nhiều bạn khen mình làm được cái này cái kia, thế này thế nọ, không phải đâu, mình y chang các bạn, chẳng qua may mắn được đào tạo trong môi trường này, chịu khó nhìn họ, rồi suy nghĩ, thay đổi nên nhận ra được vấn đề.
Việt Nam là nơi mình sinh ra, nhưng Ba Lan đào tạo và hình thành nên con người mình. Nhờ vào đó, mình có cuộc sống của mình ngày hôm nay. Ít nhiều không quan trọng, cái quan trọng là mình cảm thấy đầy đủ, có ích, trước tiên là cho bản thân, gia đình, rồi xã hội chung quanh mình.
Vậy nên người Việt, nếu có được môi trường tốt, sẽ có thể phát triển không? Chắc chắn là được. Nhưng làm thế nào để có môi trường tốt? Phải bắt đầu từ bản thân mỗi chúng ta thôi, từ hôm nay, bây giờ, thì dần dần sau này con cháu mới có nền tảng để phát triển tiếp, đúng không?
Con đường của Ba Lan chính là ở chỗ đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.