Tôi được khuyên: “Đừng phê phán Bộ luật Dân sự nữa”
23-2-2023
Người anh em đồng nghiệp của tôi khuyên tôi, đừng nên đưa bài phê phán Bộ luật Dân sự lên Facebook nữa, vì làm như vậy thì có thể có kẻ lợi dụng lấy trộm ý này ý khác hay nội dung này nội dung khác để làm thành công trình nghiên cứu của nó.
Có một số người khác thì lại khuyên tôi nên viết thành những bài viết gửi tạp chí chuyên môn đăng tải để mọi người nghiên cứu, trích dẫn và tôi thì có thêm công trình được công bố.
Lắng nghe xong, tôi có khi trả lời, có khi ầm ừ cho qua chuyện. Nhưng nay tôi muốn trả lời một lần chính thức tất cả các lời khuyên này như sau:
Trước hết tôi xin cảm ơn chân thành tất cả mọi người.
Tôi không phải là người giỏi luật nhưng tôi biết nhục khi người ta sỉ nhục những người học luật.
Khi mới ra trường tôi về ngành hàng không dân dụng công tác. Người ta (những người không học luật) lúc đó gọi chung những người học luật ra trường là “luật sư”. Rất rất nhiều người coi thường chúng tôi và gọi chúng tôi là bọn “lower” thay vì là “lawyer”. Thế rồi, Chính phủ yêu cầu phải làm Luật Hàng không dân dụng để đáp ứng nhu cầu mở cửa, đổi mới. Vì nhục, nên tôi đã quyết theo đuổi làm xong Luật Hàng không dân dụng 1991, rồi Luật Hàng không dân dụng (sửa đổi) 1994 để cho họ thấy bọn “lower” làm ra được thứ điều chỉnh các hành vi của họ.
Khi Bộ luật Dân sự 1995 ra đời, tôi thấy buồn và nói công khai với mọi người ở Ủy ban Pháp luật Quốc hội lúc đó rằng “Bộ luật Dân sự là bộ mặt của giới luật học, và nếu để nó sai quá nhiều như vậy thì coi như cả giới luật học Việt Nam bị làm nhục”.
Vì vậy ba cái thứ điểm công trình vớ vẩn giúp ích gì được cho đất nước, cụ thể là cho luật học và xây dựng cũng như thực hành pháp luật?
Bài viết trên các tạp chí chuyên môn (dù ở trong hay ngoài nước) thì có ai xem ngoài mấy bạn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh xem để trích dẫn khi làm khóa luật tốt nghiệp hay luật văn, luận án. Bảo vệ xong họ nhanh chóng quên ngay vì thực tiễn nó lôi đi hoàn toàn theo hướng khác. Mấy cái thứ công trình đó ở nước mình chỉ làm màu cho mấy cơ sở đào tạo tranh thứ bậc xếp hạng, cuối cùng là để lôi kéo người học vào học (vì cái gì thì miễn nói).
Tóm lại: Viết Facebook được nhiều người xem hơn, tức là khả năng tác động tới người có trách nhiệm lớn hơn. Còn ai đó lấy trộm ý hay nội dung trên Facebook thì họ sẽ phải đương đầu với xã hội vì mọi người đọc trên mạng xã hội ngày một nhiều.
Chúng tôi không muốn lừa dối người học trong giảng dạy.
Nhưng hiện nay với Bộ luật Dân sự 2015 có nhiều khiếm khuyết như vậy, chúng tôi bị đẩy vào một tình thế rất khó xử.
+ Nếu chúng tôi nói khác với Bộ luật Dân sự, thì người học (1) có thể bị xung đột về việc đặt niềm tin vào đâu (tin ở những nghiên cứu của chúng tôi hay tin ở Bộ luật); hoặc (2) có thể cho rằng chúng tôi nói “đao to, búa lớn”, phi thực tiễn, chỉ lý thuyết vì làm sao một cá nhân lại sáng suốt hơn Nhà nước ban hành luật và như vậy dẫn đến giáo dục mất ý nghĩa; hoặc (3) có thể bị mất lòng tin vào Nhà nước và pháp luật.
+ Nếu chúng tôi nói theo Bộ luật Dân sự (dễ nhất cho chúng tôi) thì chúng tôi trở thành những kẻ lừa dối người học. Chúng tôi có nên nhận những đồng học phí để làm chuyện này không?
Vì thế, đó cũng là một trong những lý do hơn nữa tôi chọn Facebook để nói những cái bất cập của Bộ luật Dân sự 2015 một cách công khai, không dối lừa với lòng tin rằng Bộ luật này sẽ được Quốc hội quan tâm sửa đổi trong thời gian sớm nhất như có thể.
Tuy nhiên, đừng nên giao việc soạn thảo Bộ luật Dân sự hay bất kỳ đạo luật nào trong lĩnh vực luật tư cho cơ quan hành chính!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.