Chú Dương Tường
27-2-2023
Tôi gặp chú lần đầu vào năm 2005. Chú nhỏ, hiền, tinh, thanh và đẹp như một ngài thỏ. Không phải thỏ trắng, chú Tường thực ra ít ngây thơ. Không phải xám, chú Tường hiếm khi nghiêm trọng. Không vằn, vì quả tim ứ đầy xúc cảm đã cuốn phăng những lằn nghi ngại. Đó là ngài thỏ màu xanh tím than. Trong bóng tối, thứ màu “dương cầm đêm” đó thành đen – bán máu, lo sợ, run rẩy. Dưới ánh mặt trời, nó ánh lên sắc tím – màu của nước mắt thơ Dương Tường – kiêu hãnh buồn. Trên bãi cỏ, bên người yêu dấu, ngài thỏ trở về chú thỏ xanh, chú thỏ xanh xanh tinh nghịch chạy đùa trên cánh đồng xuân.
Tôi thật may mắn. Cô bé chuyên văn tỉnh lẻ mê tiểu thuyết phương Tây không nghĩ có ngày được làm người bạn nhỏ của dịch giả những tác phẩm vĩ đại Đồi gió hú, Cuốn theo chiều gió, Anna Karenina… Thôi, đừng chẻ hoe từng dấu từng chữ mà vùi đi công lao lớn của ông, một trong những người đã miệt mài chuyển tinh hoa văn học về đáy hang sâu Bắc bộ. Thời đó, sách miền Nam hoặc bị đốt hoặc bị nhốt hết, chúng ta biết gì về văn học bên ngoài nếu không có những ông – bác – chú như Dương Tường?
Có lần tôi thưa với chú rằng tôi cảm thấy “sợ” khi đọc thơ chú. Các thanh âm, biểu tượng mơ hồ chồng lên ngưc khiến tôi đau. Giờ người ta hay giễu cợt thơ. Riêng tôi vẫn nghĩ thơ là loại hình nghệ thuật thượng thừa. Những cuốn tiểu thuyết hay thường đầy tính thơ như tác phẩm của Kawabata, hoặc ám mùi triết như của Kundera, tuyệt vời nhất là cả hai: thơ cùng triết quện nhau quyến rũ. Không đạt được thế, gánh hàng xén bày ra sẽ giống phóng sự, giống ghi chép, giống hồi ký, giống nồi lẩu thập cẩm ba miền.
Tôi chưa nghe chú Tường chê ai, nói xấu ai bao giờ. Chú ủng hộ, khuyến khích người viết trẻ một cách thành thật, dễ thương chưa từng có. Tất nhiên nhiều người đi trước cũng nâng đỡ người trẻ, nhưng đa phần họ khác chú Tường, họ bề trên, họ áp đặt, họ dạy bảo, họ ra điều kiện. Lần đầu gặp, chú khoe đã mua 20 cuốn Bóng Đè để tặng cho các họa sĩ. Có lẽ vì thế, tôi vinh hạnh có nhiều bạn đọc là họa sĩ. Lần Lam Vỹ, chú và cô Trinh cũng mua mười cuốn. Lưng Rồng thì tôi không biết cô chú có kịp mua trước khi nó bị trảm. Không chỉ sách vở, đời thường chú quan tâm đến mọi người biết bao là thân thiết. Chú hỏi bố cháu đỡ tý nào chưa, Alec thế nào, Asa học lớp mấy, chị Cầm hè này có về hay không… Trở về, tôi có thể từ chối gặp người này người kia nhưng tôi không thể ngăn mình gặp chú. Bởi với chú, tôi không cần giữ kẽ, không cần đối phó, không cần lặng im. Nhưng vừa rồi tôi đã không thể gặp. Kiên nói ngay cả Kiên cũng chỉ đứng nhìn qua cửa kính phòng bệnh…
Giờ thì ngay cả nhìn qua cửa kính cũng không ai còn có thể. Tôi nhớ về chú với biết bao là trân quý là trìu mến. Tôi có nhiều ảnh chụp chung với chú. Nhưng tôi để lên đây bức ảnh này. Ảnh chú đứng giữa sân nhà cụ Kình ngày mồng Tám tết 2020. Tôi nhớ chú, Kiên và tôi nắm tay nhau bước khỏi quán cà phê ở Nhà Chung, ra xe họa sĩ Hà, xe nhà phê bình Nguyên để đi Đồng Tâm cùng Codet và Sa. Hình như nhóm chúng tôi là nhóm thứ hai “dám” đến nhà cụ Kình những ngày ấy. Chúng tôi muốn đến tận nơi, nhìn tận mắt nơi “trận đánh” đã diễn ra. Chúng tôi muốn thắp hương cho cụ Kình. Chúng tôi đã sờ sợ. Nhưng chú Tường không hề ngần ngại. Chú lên xe, chú bước vào nhà cụ Kình, chú đứng trước bàn thờ, chú rơi nước măt và chú bước ra sân.Tấm lưng trĩu xuống, đôi mắt thất thần. Chú không tin ở mắt mình. Những vết đạn hằn sâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.