Làm được gì thêm cho họ?
27-2-2023
Việc hàng ngàn công nhân Pou Yuen bị thu 10% tiền trợ cấp thôi việc được giải thích là theo luật. Tức chỉ có khoản trợ cấp thôi việc chi trả theo Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Lao động là không tính vào thu nhập chịu thuế, còn ở đây Pou Yuen đã chi trả cho công nhân một khoản ngoài quy định nên phải tính vào thu nhập chịu thuế.
Việc thành phố tìm 15 doanh nghiệp có ngành nghề tương đồng để hỗ trợ cho khoảng 2.500 công nhân của Pou Yuen mất việc có việc làm mới là rất đáng ghi nhận. Nhưng với những người còn lại, là lao động lâu năm, lớn tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nay nhận trợ cấp thôi việc thì bị khấu trừ 10%, liệu thành phố có nguồn kinh phí nào để bù đắp – cũng là hỗ trợ, chia sẻ cho đại diện “giai cấp tiên phong” trong cơn khốn khó?
Đứt gãy đơn hàng, nguyên liệu, thị trường là điều đã được dự báo từ năm ngoái. Vậy, biện pháp “đón đầu” ứng phó đã được HEPZA, Sở Lao động, Liên đoàn lao động TP… chuẩn bị và triển khai cụ thể như thế nào?
Mấy ngày nay, trên mọi cuốc xe grab tôi đi, từ bike đến car, các tài xế đều chia sẻ việc có thêm hàng ngàn công nhân Pou Yuen mất việc. Đi kèm với đó là nỗi lo “miếng bánh sẽ bị chia nhỏ hơn nữa vì nghỉ làm thì chỉ còn xách xe chạy kiếm cơm thôi, càng ngày càng khó, càng khổ”.
Một ngày 8-3 của hơn 5 năm trước, tôi vào Pou Yuen, tham dự buổi trao quà cho chị em. Họ tranh thủ giữa giờ giao ca, đến nhận, gật đầu cảm ơn. Sân khấu được dựng lên, ca sĩ hát hò rộn ràng, từng hàng người lầm lũi đi ngang qua, có người ngẩng đầu nhìn, có người bước đi, họ như những “cỗ máy”, xám xịt. Chẳng biết năm nay, tháng Ba này, thay vì lễ lạt tưng bừng, hội họp, tặng hoa, trao quà người ta có nghĩ mà lấy đó để phụ phần hỗ trợ cho chị em. Tinh thần 8-3 hơn trăm năm trước là đấu tranh để giảm giờ làm, tăng lương; nay việc còn không có để làm, lương thì lãnh…một lần rồi nghỉ, thì “hoa hồng” nào cho phụ nữ hỡi hội chị chị em em!
Cũng như hôm nay, ngày 27.2, nhớ đọc Vnexpress hôm qua, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức tỏ rõ tinh thần thành phố sẽ “chiến đấu” để bảo vệ lẽ phải, sẽ đồng hành cùng các y bác sĩ… rồi ông phó chủ tịch phụ trách mảng y tế cũng đề cập đến mục tiêu “sớm trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao của Đông Nam Á”…
Nhưng, hôm 24.2, trên Tuổi trẻ, đăng bài “Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ còn 1 máy chụp CT chạy được”, trước đó, giám đốc Bệnh viện này đã nhiều lần nói về kiến nghị, gửi kiến nghị việc “Nếu tiếp tục chờ 3 báo giá, chắc chắn bệnh viện sẽ tạm ngưng hoạt động”.
Vậy, trong chức năng, trách nhiệm của mình, lãnh đạo thành phố, cụ thể là ông phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực và lãnh đạo y tế thành phố đã “đồng hành”, “chiến đấu” cụ thể ra sao để cùng đốc thúc tháo gỡ cho “3 báo giá”? Cảm kích, cảm ơn đủ cả rồi, các y bác sĩ đều là người giỏi, nghe một lần họ hiểu ngay, cái họ cần là cái “phác đồ” cơ chế để được làm, làm thật, làm đúng, làm trúng, làm cho thực tế vận hành. Chứ vào bệnh viện để được khám, chữa bệnh mà lại hết thuốc, máy hư, y bác sĩ nghỉ việc, chuyện xảy ra ngay trước ngày 27.2 cơ đấy!
Trưa qua, tôi có việc đi ngang Bệnh viện Ung bướu ở quận 9, công trình khang trang. Chỉ có khu vực xung quanh là nhếch nhác, đâu đó đã mọc lên mấy tấm bảng nguệch ngoạc cho thuê phòng chăm bệnh, có cả tiệm tóc giả… Về tới khu vực gần nhà, lại ngang Bệnh viện Ung bướu ở Bình Thạnh, người đông như mọi lúc, người đi người chạy, những khuôn mặt khổ tận. Họ cũng đang tự “chiến đấu”, để dành sự sống, bên lề…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.