“Putin bị lật đổ sẽ là một cơn ác mộng đối với Trung Quốc”
Friederike Böge phỏng vấn Alexander Gabujew
Vũ Ngọc Chi chuyển ngữ
26-2-2023
Alexander Gabujew là một trong những người rành nhất về các mối quan hệ Nga-Trung Quốc, nói về kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh và Tập được hưởng lợi từ một cuộc chiến tranh kéo dài của Moscow như thế nào. Friederike Böge là phóng viên chính trị về Trung Quốc, Bắc Hàn và Mông Cổ.
Friederike Böge: Thưa ông Gabujew, chính phủ Mỹ nói rằng, Trung Quốc xem xét việc cung cấp vũ khí cho Nga. Bây giờ tờ báo “Spiegel” (*) tường thuật rằng có các cuộc đàm phán về việc cung cấp máy bay không người lái Kamikaze. Có phải chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc chiến tranh ủy nhiệm?
Alexander Gabujew: Đây là một sự phát triển rất đáng tiếc. Chúng ta rồi sẽ biết là hợp đồng có thực sự được ký kết hay không và liệu máy bay không người lái Trung Quốc có được đưa đến Nga và tới chiến trường ở Ukraine. Đó sẽ là hợp đồng đầu tiên được biết đến, trong đó Trung Quốc cung cấp vũ khí đã được chế tạo xong, trái ngược với các hợp đồng trước đó đã giúp người Nga, có được các bộ phận cho các hệ thống radar và máy phá sóng. Một trăm máy bay không người lái chỉ là một con số nhỏ, nhưng đó là điều mà chúng ta nên theo dõi kỹ lưỡng.
Tôi không chắc rằng phương Tây có một quyền hành gì để ngăn chặn nó. Tuy nhiên, tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Trung Quốc sẽ thực sự công khai gửi vũ khí với số lượng lớn tới khu vực có chiến tranh. Cho đến nay, Trung Quốc luôn tuyên truyền rằng các cường quốc biết trách nhiệm sẽ không cung cấp vũ khí cho các khu vực có chiến tranh và Hoa Kỳ lại làm ngay điều đó trong khi Trung Quốc không đổ dầu vào lửa. Câu hỏi là: Điều gì có thể khiến Trung Quốc phá vỡ mẫu hình này? Tôi không nghĩ rằng chúng ta đang ở gần thời điểm Nga sụp đổ hoặc phải trả lại các khu vực đã chiếm đóng.
Friederike Böge: Giả sử Nga sẽ thua cuộc chiến này. Điều này có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc?
Alexander Gabujew: Nếu Putin bị lật đổ và một chính phủ dân chủ thân phương Tây lên nắm quyền, thì đó sẽ là một cơn ác mộng đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi không biết nhiều về mức độ mà Trung Quốc tin rằng nó có thể gây ảnh hưởng đến kết quả này. Những gì tôi thấy là Trung Quốc giúp chế độ của Putin duy trì hoạt động. Nó cung cấp đủ nguồn lực cho việc này: thị trường cho nhiên liệu của Nga, một chút công nghệ, thanh khoản bằng tiền tệ Trung Quốc Renminbi (ND: đồng nhân dân tệ) và cơ hội sử dụng hệ thống tài chính Trung Quốc. Theo tính toán của Trung Quốc, điều này có lẽ đủ để đạt được mục tiêu chính: một nước Nga độc đoán thân hữu đang ngày càng trở thành một đối tác cấp dưới.
Friederike Böge: Trung Quốc đã trình bày một văn kiện với mười hai điểm, trong đó đòi hỏi đình chiến và đàm phán hòa bình. Mục đích của Bắc Kinh là gì với văn kiện này?
Alexander Gabujew: Văn kiện chứa ngôn từ đặc biệt có lợi cho Nga. Nó chứa một vài điểm quan trọng như tính toàn vẹn lãnh thổ và việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng đây là những nguyên tắc mà Nga có thể chấp nhận trên lý thuyết. Sau đó, người ta có thể thảo luận về việc đâu là biên giới giữa Nga và Ukraine. Các điểm ngừng bắn ngay lập tức, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, lo ngại về việc mở rộng các liên minh quân sự, những điều mà rất gần với những luận điệu của Nga.
Tôi nghĩ người Nga sẽ nói rằng, đây là một cơ sở tốt cho các cuộc thảo luận. Ukraine và các đồng minh phương Tây của họ sẽ không chấp nhận văn kiện này. Trung Quốc sẽ nói rằng chúng tôi đã cố gắng và đưa Putin vào bàn đàm phán, nhưng những nỗ lực hòa bình của chúng tôi đã bị Hoa Kỳ ngăn chặn. Các nước trên thế giới ở phía Nam (Đông Nam Á, châu Phi và Nam Mỹ) sẽ nói rằng Trung Quốc là một cường quốc có kế hoạch hòa bình và nước Mỹ đã ngăn chặn nó. Ở châu Âu, cũng rất có thể một nước như Hungary cũng sẽ nói điều đó. Đó sẽ là một thắng lợi cho Trung Quốc.
Friederike Böge: Một số chính trị gia hy vọng rằng Tập Cận Bình có thể gây ảnh hưởng để Putin không sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông ta có ảnh hưởng gì đối với Putin?
Alexander Gabujew: Tôi nghĩ rằng ông ta có ảnh hưởng đến Putin và ảnh hưởng của ông ta đang tăng lên. Nhưng Nga sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Putin tin rằng chế độ và sự sống còn của ông ta bị đe dọa. Người Trung Quốc biết rằng họ không thể làm được gì nhiều. Một số nguyên thủ quốc gia châu Âu và chính phủ giả vờ làm như họ tin rằng Trung Quốc có ảnh hưởng về điều này.
Khi Thủ tướng Scholz đi Bắc Kinh, ông cũng có một chương trình nghị sự kinh tế. Nhưng ông ta cần một câu chuyện ngoại giao để nói rằng ông ta không chỉ tới vì BMW và Volkswagen. Tập Cận Bình nói điều gì đó rất tầm thường trong chuyến thăm viếng đó: việc sử dụng vũ khí hạt nhân là không được mong muốn. Nó giống như nói rằng bầu trời là màu xanh. Nó cũng không có gì là mới. Tuy nhiên, Scholz đã diễn tả như thể đó là một thành công đáng kể.
Friederike Böge: Trung Quốc nói rằng họ không có được lợi ích gì nếu cuộc chiến kéo dài. Đúng không?
Alexander Gabujew: Tôi không nghĩ rằng lợi ích của Trung Quốc bị suy yếu bởi một cuộc chiến kéo dài. Sự phụ thuộc ngày càng tăng của Nga sẽ có lợi cho Trung Quốc. Nó cung cấp cho Trung Quốc tiếp cận rẻ hơn kho báu đất đai, công nghệ quân sự của Nga nhạy cảm nhất, đường tới Bắc Cực, một lập trường thân thiện hơn của Nga về sự hiện diện của Trung Quốc ở Trung Á. Thứ hai, Hoa Kỳ phải đầu tư tài nguyên, vũ khí, năng lực và rất nhiều thời gian để ngăn chặn Nga không xâm nhập vào sườn phía đông của NATO. Điều này có thể sẽ cung cấp cho Trung Quốc nhiều không gian hơn ở Ấn Độ dương-Thái Bình dương và cơ hội tập trung vào Đài Loan và các ưu tiên khác.
Vương Nghị, chính trị gia nước ngoài hàng đầu của Trung Quốc, vừa mới có mặt tại Hội nghị An ninh München. Họ muốn làm một cuộc tấn công quyến rũ, nhưng ngược lại, lại làm tăng sự hoài nghi.
Điều này có liên quan đến sự ngộ nhận về liên hệ xuyên Đại Tây Dương. Giống như người Nga, người Trung Quốc tin rằng người châu Âu chỉ ủng hộ người Ukraine vì Hoa Kỳ đòi hỏi như vậy. Họ không hiểu châu Âu hoạt động như thế nào. Họ tin rằng nếu nước Mỹ cho phép người châu Âu được tự quyết định, họ sẽ bỏ mặc Ukraine và tiếp tục làm ăn với người Nga. Nghe có vẻ tức cười đối với những người theo dõi Hội nghị An ninh München, nhưng điều đó thật sự là như vậy.
_________
Chú thích:
(*) Russland verhandelt offenbar mit China über die Lieferung von Kamikazedrohnen (Spiegel)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.