Điều luật hình sự 331 không chừa một ai! Luật pháp
Hoài Nguuyễn
(VNTB) – Dùng Điều 331 Bộ luật Hình sự để trừng phạt một người bịa chuyện nói xấu người khác.
Nhà báo Đặng Thị Hàn Ni đã bị bắt với cáo buộc tội danh theo điều luật Hình sự 331 “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Quyền tự do dân chủ ở Việt Nam là một quyền được hiểu ra sao mà đã có khá nhiều công dân xứ này bị vi phạm hình sự thay cho điều chỉnh bằng pháp luật dân sự?
Thời gian qua, bà Đặng Thị Hàn Ni vướng nhiều lùm xùm liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) và bị bà Hằng từng có đơn đề nghị làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của bà Đặng Thị Hàn Ni liên quan đến hoạt động của quỹ Hằng Hữu.
Được cho là liên quan, luật sư Trần Văn Sỹ cũng bị tạm giam để điều tra theo đơn tố cáo của bà Nguyễn Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng. Luật sư Trần Văn Sỹ từng là Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long.
Có ý kiến, rằng trong chuyện đôi co của một số cá nhân trên mạng xã hội cuối cùng biến thành án hình sự với nhiều người bị bắt. Người dân – tức những người đóng thuế, coi như phải nuôi cơm tù cho họ một cách vô lý.
Điều 331 “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, có nội dung như sau:
Mức hình phạt tại Khoản 1 Điều 331 Bộ luật Hình sự, thì người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Người nào phạm tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Cái đáng bàn ở đây trong cụ thể vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, là vì sao các cơ quan bảo vệ pháp luật đã không xử trí ngay từ đầu khi chớm “dấu hiệu lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, mà để nó kéo thời gian rất dài, tạo nhiều hệ lụy có thể đưa đến “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”?
Lưu ý, trong các vụ án liên quan điều luật Hình sự 331, lâu nay phía cơ quan tố tụng thường bảo thủ với việc hễ ai đó chỉ cần có bất cứ hành vi nào mà “bề trên” cho rằng có “dấu hiệu lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, thì vụ án được lập và người phạm tội đã có thể phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.
“Bề trên” ở đây có thể là quan chức đầu ngành nào đó, hay đại diện cho quyền lực nhóm trong bộ máy chính quyền mà dân gian có lúc ví von rằng “trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết”.
Trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, ngay từ lúc ban đầu nhiều người đã hoài nghi cho rằng những mạnh miệng tố cáo hết người này đến người khác của bà chủ thành Đại Nam là do có thế lực chống lưng, với tên tuổi cụ thể luôn đó là một cựu thủ tướng khi ấy đang chuyển sang làm chủ tịch nước.
Nhà báo Đặng Thị Hàn Ni của báo Sài Gòn Giải phóngđược biết đến qua loạt bài về quán phở – cà phê Xin Chào ở trước cổng công an huyện Bình Chánh, TP.HCM. Thời điểm đó, những đồng nghiệp của bà Hàn Ni biết rằng bà có mối quan hệ thân tình với người đang giữ chức thủ tướng, và cả bí thư Thành ủy khi ấy là ông Đinh La Thăng.
Rất nhanh sau đó, cơ quan tuyên giáo đảng đã “đẩy” nhà báo Đặng Thị Hàn Ni lên như một cá nhân tiêu biểu chống tiêu cực với những “danh hiệu” như Bông hồng thép, Người truyền lửa truyền thông, Người dũng cảm đi tìm công lý, Người hùng trong làng báo, Hiệp sỹ công luận…
Nay thì hậu trường chính trị liên tục xáo trộn, và rất có thể để tạo làn sóng tin tức trước lần hội nghị trung ương sắp tới, vậy là “tìm con chốt thí” kiểu đưa ra lệnh trừng phạt một người vì bịa chuyện nói xấu một người khác, họ có thể dùng Điều 331, và như vậy vô hình trung vô hiệu hóa một điều luật sẵn có là tội vu khống.
Điều này tương tự muốn trừng phạt những người biểu tình bên ngoài các khu vực cho phép, gây tắc nghẽn giao thông, họ cũng có thể dùng Điều 331, và phớt lờ một tội danh sẵn có là tội gây rối trật tự công cộng.
H.N.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.