Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Nước Nga sẽ đối mặt với ba thời điểm then chốt trong năm 2023

 

Nước Nga sẽ đối mặt với ba thời điểm then chốt trong năm 2023

Tác giả: Tatiana StanovayaCarnegie Endowment for International Peace, ngày 9 tháng 1 năm 2023

Người dịch: Lê Nguyễn

Trong năm 2023, nước Nga sẽ phải đối mặt với ba vấn đề chủ yếu: 1/ về kế hoạch của Tổng thống Vladimir Putin cho tương lai của chính ông, 2/ cuộc chiến giữa phe diều hâu và phe thực dụng trong giới tinh hoa 3/ và những thay đổi nhân sự sắp xảy ra trong chính phủ. Ba vấn đề này có thể sẽ định hình lại đất nước Nga.

Hơn mười tháng kể từ lúc bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, sự tương phản giữa cường độ của những cú sốc từ ngoài mà nước Nga phải đối mặt và sức ỳ trì kéo tương đối trong nước là rất nổi bật. Bất chấp những thất bại quân sự và các lệnh trừng phạt bởi cấm vận, hầu hết người dân Nga vẫn tiếp tục cuộc sống của họ như thể không có chuyện gì xảy ra, trong khi đó giới tinh hoa cố gắng không muốn nghĩ tới những gì ngày mai có thể mang lại, thay vào đó đã đặt trọn vẹn niềm tin của mình vào Putin.

Tuy nhiên, năm 2023 có thể chứng tỏ là một năm đầy kịch tính đối với nước Nga và là một năm cực kỳ quyết định cho việc phản kháng chống lại thay đổi của giới lãnh đạo nước này về ba câu hỏi nội bộ đặc biệt hứa hẹn sẽ định hình sự phát triển của nước Nga trong nhiều thập kỷ tới. 

Đầu tiên, Putin sẽ phải quyết định có tái tranh cử vào năm 2024 hay không. Hiến pháp Nga đã được sửa đổi vào năm 2020 nhằm cho phép ông được tiếp tục giữ chức tổng thống cho đến năm 2036. Hoặc theo cách khác, ông có thể tìm người kế nhiệm thay thế, nhưng để có đủ thời gian cho chiến dịch tranh cử, ông sẽ phải làm các việc đó vào cuối tháng 12 năm 2023.

Hiện tại, không ai biết chắc kế hoạch của ông ta là gì. Điều này chắc có chủ tâm, vì Putin rất thích giữ thật kín không cho giới tinh hoa biết nhiều về ông. Quả nhiên, như hồi mùa hè năm 2020, ông đã thuyết phục để thay đổi hiến pháp và giúp mở rộng quyền cai trị của mình với tư cách là người bảo vệ chống lại tình trạng bất ổn trong giới tinh hoa, những người mà ông cho là “cần phải làm việc chứ không phải quanh quẩn lo tìm người kế vị.”

Tiếp theo việc sửa đổi hiến pháp, cả thành viên ở phủ tổng thống lẫn giới tinh hoa đều hoạt động dựa trên giả định rằng Putin sẽ nắm quyền vô thời hạn. Ngày nay, câu hỏi then chốt là các tính toán của ông đã bị chiến tranh làm thay đổi như thế nào, đặc biệt qua thực tế cho thấy nó đã không diễn ra theo đúng kế hoạch.

Có một số người tin rằng nếu giải tỏa được các vấn đề và các mối đe dọa nghiêm trọng, chiến tranh có thể củng cố quyết tâm duy trì quyền lực của Putin qua khỏi 2024. Với sự khinh thường của ông đối với những người mà ông gọi là “những kẻ đào ngũ chính trị”—những người đã từ bỏ chức vụ của mình trong thời điểm khó khăn—ông ta khó có khả năng trở thành một người như họ.

Cũng có những người khác lại cảm nhận rằng Putin không chỉ muốn để bỏ ngỏ cho việc từ bỏ quyền lực, mà ông ấy còn có thể xem việc đó là một phần của giải pháp cho cuộc xung đột với Ukraine. Ngay cả khi điều đó có vẻ chỉ là mơ tưởng, một bộ phận của giới tinh hoa rõ ràng hy vọng rằng việc điều chỉnh lại như vậy cũng sẽ đủ để chấm dứt chuỗi thất bại gần đây của Nga.    

Tuy nhiên, cả hai bên đều không có gì chắc chắn về chủ tâm của ông ta. Trong mọi trường hợp, Putin rất nổi tiếng là người thích đưa ra quyết định vào giờ thứ mười một, thường dựa trên các yếu tố tình huống và bất chấp những kỳ vọng phổ biến.

Do vậy, vấn đề năm 2024 đã trở thành nguồn lo lắng chính của giới tinh hoa. Nó sẽ tác động nhiều hơn bất kỳ vấn đề nào khác trong việc ảnh hưởng đến các sự kiện của năm 2023, năm mà giới chính trị hết sức cố gắng muốn tìm ra ý định của Putin và lập kế hoạch xung quanh chúng nhằm giảm thiểu rủi ro.

Vấn đề thứ hai có liên quan là sự chia rẽ ngày càng tăng giữa những người trong giới tinh hoa, một bên ủng hộ việc leo thang chiến tranh và một bên là những người cảnh báo không nên làm như vậy. Sự chia rẽ này xuất hiện sau khi Nga rút quân khỏi khu vực Kharkiv và từ bỏ thành phố trọng điểm Kherson, và được thúc đẩy bởi cuộc tấn công của Ukraine vào cây cầu dẫn đến Crimea, cũng như sau các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức cho việc sáp nhập các khu vực thôn tính được của Ukraine và đang chiếm đóng, và sau đó là sự mơ hồ của chính quyền về biên giới chính thức của Nga.

Những người theo chủ nghĩa thực dụng, bao gồm các nhà kỹ trị cũng như các quan chức cấp trung trong quân đội và các cơ quan an ninh, thống nhất với niềm tin rằng chiến tranh nên được tạm dừng và suy nghĩ lại, và rằng đất nước nên lựa chọn một chính sách thực tế hơn phù hợp với khả năng khá hạn chế của nó. Phe diều hâu thì kêu gọi Nga không chỉ dốc hết toàn lực sức mạnh quân sự chống lại Ukraine, mà còn tái cơ cấu triệt để hệ thống chính trị và kinh tế của chính họ. Nội dung thứ hai biến phe của họ trở thành một phe cách mạng (dù hiện tại vẫn ít nhất là ủng hộ Putin) với mục đích là thay thế một chính phủ mà họ coi là bị đình trệ.    

Cuộc chiến đấu giành quyền tối cao của họ được coi là một trong những cuộc đấu tranh chính trị quan trọng của năm 2023 và là cuộc đấu tranh chủ yếu xoay quanh các sự kiện xảy ra trên chiến trường: Nga càng tỏ rõ sự yếu kém về mặt quân sự, thì cuộc chiến giữa những người theo chủ nghĩa thực dụng với phe diều hâu sẽ càng ác liệt hơn. Điện Kremlin sẽ tìm ra cơ chế thích ứng để đàn áp bất đồng chính kiến—loại bỏ những cái không thích  hợp, nếu những cái đó được sử dụng để chống lại những người trung thành với chế độ.

Phe diều hâu sẽ tiến hành cuộc tấn công nhắm vào giới quân sự và các chính trị gia, những người như Yevgeny Prigozhin, kẻ khét tiếng đứng đầu công ty quân sự tư nhân Wagner, như họ đã làm. Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa thực dụng sẽ tô lên một bức tranh u ám đầy bi quan về chiều hướng của cuộc chiến tranh, tìm cách thu hẹp các mục tiêu chiến tranh của Moscow và buộc một sự thừa nhận rằng chiến thắng là không thể. Thông điệp của họ sẽ được giới tinh hoa phi quân sự đón nhận một cách nồng nhiệt, vì họ là những người đã bị bất ngờ bởi cuộc xâm lược và rất lo sợ cho hậu quả trung hạn của nó.

Tất cả những điều này khiến Nga bị mắc kẹt giữa một bên là sự điên cuồng quân sự và một bên là sự cân nhắc cẩn thận về khả năng giảm leo thang. Putin phải đối mặt với một sự lựa chọn: giữa việc tăng gấp đôi nỗ lực theo đuổi việc đánh bại Kiev cho bằng được hay là quay trở lại bàn đàm phán, với phương Tây nếu như không được với Ukraine.

Vấn đề then chốt thứ ba mà Nga phải đối mặt trong năm 2023 xoay quanh những thay đổi về nhân sự chính phủ, khả năng này xảy ra rất cao, cho dù khó dự đoán được ai sẽ thay thế ai.

Một lý do khiến việc cải tổ gần như chắc chắn xảy ra là nhu cầu ngày càng tăng ở cấp cao nhất vì ý muốn đạt được tính năng động và hiệu quả. Xu hướng mời các nhà kỹ trị vào chính phủ của Putin có thể tăng thêm hơn nữa, với các nhân vật cấp cao trong nội các, quan chức điều hành ở phủ tổng thống và các cơ cấu quyền lực khác đều già cỗi và kiệt quệ vì chiến tranh và những thất bại quân sự buộc Putin phải tìm kiếm những ý tưởng mới. Một điều nữa là với cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, dựa vào lịch sử, cho thấy các cuộc cải tổ đều đã diễn ra hầu như trước tất cả các cuộc bầu cử tổng thống Nga, ngoại trừ một lần là không có thôi.  

Sự căng thẳng tích tụ lâu dài trong chính phủ đưa ra thêm một lý do nữa để mong đợi có những thay đổi nhân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov đang bị cáo buộc tham nhũng trong lực lượng vũ trang, trong khi FSB bị chỉ trích vì thất bại trong hoạt động tình báo. Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo an Dmitry Medvedev được cho là đã hoàn toàn thất bại trong mưu đồ này, và Thị trưởng Moscow Sergey Sobyanin là người quá thờ ơ với chính trị, trong khi thống đốc ngân hàng trung ương Elvira Nabiullina bị nghi ngờ bí mật phản đối chiến tranh.

Các nhân vật cấp cao của chính phủ đều không hài lòng với nhau: sự không ưa nhau này khiến Putin có lý do để thay đổi mọi thứ. Tuy nhiên, tính bảo thủ và sự e ngại của ông khi sa thải cấp dưới có thể sẽ khiến ông cố gắng đạt được sự cân bằng giữa ổn định và đổi mới. 

Những diễn biến định mệnh này sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các sự kiện trên chiến trường. Nếu đúng như những gì Kiev đã dự đoán, Nga sẽ tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào tháng 2 hoặc tháng 3, Nga sẽ có khả năng vấp phải một sự kháng cự đáng kể của Ukraine. Nếu không, Moscow sẽ tiếp tục từ từ bóp nghẹt Ukraine bằng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của nước này, và Kiev sẽ đáp trả bằng các cuộc tấn công nghi binh trên đất Nga.

Đời sống chính trị Nga sẽ vẫn chìm đắm trong bầu không khí ngột ngạt và nghiệt ngã của chiến tranh, để lại cho giới tinh hoa thêm nhiều nỗi lo lắng và sợ hãi hơn cho tương lai của họ. Việc giữ tuyệt mật và từ chối giải thích với bất kỳ ai của Putin sẽ chẳng giúp ích được gì cho tình hình. Sự đàn áp chắc chắn sẽ gia tăng, tất cả những người bất đồng chính kiến ​​sẽ bị hình sự hóa, các luật lệ mới của nhà nước sẽ được bổ sung vào, và những cái cớ mới sẽ được tạo ra nhằm tăng những bản án tù dài hạn hơn.

Trong năm 2023, cuộc chiến vốn đã mang tính lịch sử giữa Nga và Ukraine sẽ thể hiện toàn bộ tiềm năng biến đổi của nó, cuối cùng sẽ thay đổi nước Nga từ bên trong và làm căng thẳng thêm khả năng của các nhà lãnh đạo muốn đặt tình hình trong vòng kiểm soát và lên kế hoạch để đưa ra các quyết định.

Tatiana Stanovaya là thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế. Bà cũng là người sáng lập R.Politik, Thực tế  Chính trị Nga, một công ty phân tích chính trị và là thành viên của hội đồng nghiên cứu của L’Observatoire, trung tâm phân tích của Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp-Nga. Stanovaya đã có 15 năm làm trưởng phòng phân tích của Trung tâm Công nghệ Chính trị, một công ty tư vấn chính trị có trụ sở tại Moscow. Bà bắt đầu sự nghiệp của mình tại văn phòng công ty khai thác mỏ và thép Severstal ở Moscow.

Carnegie Endowment for International Peace, có trụ sở tại Washington DC,

Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cung cấp phân tích về các chủ đề và khu vực chính, bao gồm Đông và Nam Á, Châu Phi, Châu Âu, Nga và Âu Á, Trung Đông, dân chủ và quản trị, hạt nhân, tính bền vững và địa chính trị , các tổ chức toàn cầu, công nghệ và các khu vực địa phương, chẳng hạn như California.

Carnegie là tổ chức không có các quan điểm về các vấn đề chính sách công; các quan điểm trình bày ở đây là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Carnegie, của nhân viên hoặc của những người được ủy thác.

Nguồn:  Diễn Đàn Khai Phóng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.