Biếm: Quy trình chữa bệnh
27-2-2023
Một bệnh nhân nhập bệnh viện tuyến cuối trong tình trạng rối loạn trầm trọng các chức năng. Một cuộc hội chẩn được tổ chức khẩn cấp.
Đầu tiên là giáo sư Thanh Liêm. Ông này sau khi xem bệnh, cho rằng các tuyến dưới đã chẩn đoán bệnh sai, từ đó điều trị sai. Việc đầu tiên, ông đề nghị là phải xem xét trách nhiệm của các tuyến dưới. Theo ông, cần phải làm rõ, xem các tuyến dưới thực sự không chẩn đoán ra, hay là tiêu cực gì đó, bệnh này chẩn đoán bệnh khác để bán thuốc.
Giáo sư Quyết Liệt thì bảo rằng, bệnh nhân này cột sống thì bị vẹo, chân vòng kiềng. Cái này chỉ có mổ mới giải quyết được. Vì vậy, các anh muốn làm gì thì làm, nhưng tôi phải mổ cho bệnh nhân, chứ để một bệnh nhân vẹo cột sống, chân vòng kiềng vô tuyến cuối của chúng ta mà không được mổ chỉnh lại thì xấu cả mặt cái bệnh viện tuyến cuối của chúng ta.
Lúc này, giáo sư Cẩn Thận mới lên tiếng, rằng bệnh nhân đang có biểu hiện suy đa tạng, các anh cần tập trung vào cái gì để cứu sống bệnh nhân, chứ mỗi anh đi một đường thế này, thì bằng giết luôn bệnh nhân đi cho rồi. Ông ấy cho rằng, cần phải bù nước và điện giải, đánh kháng sinh mạnh, chứ khả năng bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết là rất cao.
Chưa kịp dứt lời thì giáo sư Lanh Lợi lên tiếng. Theo ông, kháng sinh thì cũng nên cho, nhưng nhớ nhắc bên hãng dược, rằng tất cả chúng ta ở đây đều đồng ý dùng kháng sinh đấy nhé. Nhân thể, ông cũng nhắc giáo sư Quyết Liệt, rằng nếu giáo sư Quyết Liệt có nhận được cái gì từ hãng dược, thì cũng nên nhớ, rằng có nhiều người tham gia buổi hội chẩn hôm nay.
Lúc này, giáo sư Chủ Tọa mới chậm rãi: “Thôi thì các anh cũng đã nói xong rồi, để tôi kết luận nhé. Bệnh nhân này nhiễm trùng tùm lum, đã thế lại còn nhiễm cả kí sinh trùng, vừa có nang gan, lại có nang thận, còn thêm loét dạ dày, xơ đỉnh phổi… Các anh cần phải có cái nhìn tổng thể, để có thể điều trị được bệnh, chứ mỗi anh mỗi phách, thì làm sao hết bệnh.
Tôi thấy là tất cả các anh cần phải ra tay, giáo sư Thanh Liêm xác định cho tôi tuyến dưới nào làm sai, làm bậy, rồi báo cho bên Ủy ban kiểm tra xử lí. Giáo sư Quyết liệt sắp xếp để mổ ngay cho người ta. Song song đó, giáo sư Cẩn Thận điều chỉnh nước điện giải và đánh kháng sinh. À mà này, hôm qua đại diện hãng dược A có ghé gặp tôi đấy, kháng sinh của họ tốt lắm.
Ngoài ra, trong ngày mai phải cho bệnh nhân nội soi tiêu hóa, nội soi phế quản, có cái polyp nào thì cắt ngay đi. Trong hai ngày nữa, giáo sư Lanh Lợi báo cho bên khoa Niệu và khoa Ngoại Tổng quát tiến hành mổ cắt nang thận, bóc tách nang gan. À, mà giáo sư Lanh Lợi cũng theo dõi việc các hãng dược vô tiếp xúc với các bên nhé”.
Lúc này, giáo sư Cẩn Thận xin phép nói. Ông cho rằng cơ thể bệnh nhân hiện đang rất yếu, cần phải ưu tiên cái gì làm trước, cái gì làm sau. Theo ông thì việc đánh kháng sinh và bù nước, điện giải cần làm trước. Khi nào bệnh nhân hồi phục khá thì làm những việc kia sau. Theo ông, mổ nang gan, nang thận, mổ cột sống hay chân thì để từ từ.
Giáo sư Chủ Tọa nghe đến đây thì cao giọng: “Đúng là tư tưởng chủ bại. Chúng ta phải có tinh thần tổng tấn công, chứ chưa đánh mà đã bàn lui. Chúng ta đã chiến thắng mấy đế quốc, ý lộn, mấy trường hợp nhiễm trùng nặng, cứu sống mấy bệnh nhân rồi. Chúng ta có trình độ, có y đức, lại có sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt. Tại sao lại không cố gắng mà cứ bàn lui”.
Giáo sư Cẩn Thận quay sang hỏi nhỏ giáo sư Hồi Sức ngồi bên cạnh: “Mấy trường hợp nhiễm trùng nặng mà chúng ta cứu sống, đã ai cai được máy thở, và đáp ứng các kích thích chưa?”. Giáo sư Lanh Lợi ngồi ngay cạnh đó nói lớn: “Sao giáo sư Cẩn Thận lại ám chỉ rằng mấy ca nhiễm trùng nặng mà chúng ta cứu sống là sống thực vật? Vài bữa nữa là họ tỉnh lại thôi mà”.
Nghe thấy thế, giáo sư Chủ Tọa đập bàn cái rầm: “Thực vật thì đã sao? Các anh đừng có mà phản động. Cứu cho họ không bị chết mà các anh còn đòi hỏi gì? Thực vật không phải là sống hả? Đã bao giờ bệnh viện của chúng ta đạt được những thành tựu sáng chói lòa như vậy chưa? Thôi, kết thúc hội chẩn. Cứ như ý kiến của tôi mà làm”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.