Binh pháp trường kỳ cho Đài Loan: Tại sao giải pháp tốt nhất là không có giải pháp (Phần 1)
Tác giả: Jude Blanchette & Ryan Hass
Đỗ Kim Thêm dịch
Số tháng 1/tháng 2-2023
Suốt 70 năm qua, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thu xếp để tránh được thảm họa đối với Đài Loan. Nhưng các chính giới của Hoa Kỳ đang đồng thuận là, nền hòa bình này có thể không kéo dài lâu hơn nữa.
Hiện nay, giới phân tích và hoạch định chính sách lập luận rằng Mỹ phải sử dụng tất cả sức mạnh quân sự để chuẩn bị cho cuộc chiến với Trung Quốc ở eo biển Đài Loan. Vào tháng 10 năm 2022, Mike Gilday, Chỉ huy trưởng Hải quân Hoa Kỳ, cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đang chuẩn bị xâm chiếm Đài Loan trước năm 2024. Các dân biểu Quốc hội, bao gồm Seth Moulton, dân biểu đảng Dân chủ và Mike Gallagher, dân biểu đảng Cộng hòa, đã lặp lại quan điểm của Gilday.
Có những lý do vững chắc để Hoa Kỳ tập trung vào việc bảo vệ Đài Loan. Quân đội Hoa Kỳ bị ràng buộc bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act) năm 1979 để duy trì khả năng chống lại việc sử dụng vũ lực hoặc ép buộc đối với Đài Loan. Washington cũng có những lý do mạnh mẽ về chiến lược, kinh tế và đạo đức để giữ vững khi thay mặt cho hòn đảo. Là một nền dân chủ hàng đầu ở trung tâm châu Á, Đài Loan nằm ở vị trí cốt lõi của chuỗi giá trị trên toàn cầu. An ninh của Đài Loan là lợi ích cơ bản cho Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, cuối cùng, Washington phải đối mặt với một vấn đề chiến lược với yếu tố phòng thủ, không phải là vấn đề quân sự với một giải pháp quân sự. Hoa Kỳ càng thu hẹp trọng tâm nhắm vào các giải pháp quân sự, thì rủi ro đối với các lợi ích của Hoa Kỳ cũng như đối với lợi ích của các đồng minh và Đài Loan càng lớn. Trong khi đó, các binh pháp chiến tranh được đề ra tại Lầu Năm Góc và các Học viện nghiên cứu ở Washington có nguy cơ chuyển hướng tập trung từ những mối đe dọa gay gắt nhất trong ngắn hạn và các thách thức mà Bắc Kinh đưa ra.
Chuẩn mực duy nhất mà chính sách của Hoa Kỳ nên đánh giá là, liệu Hoa Kỳ có giúp duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan không, không phải liệu Hoa Kỳ có giải quyết được vấn đề Đài Loan một lần và mãi mãi hay giữ Đài Loan vĩnh viễn trong phe của Hoa Kỳ. Một khi nhìn theo cách này, mục đích thực sự trở nên rõ ràng: thuyết phục các nhà lãnh đạo Bắc Kinh và Đài Bắc rằng thời gian đang đứng về phía họ khi ngăn chặn xung đột. Mọi thứ mà Hoa Kỳ nên thực hiện là hướng tới mục tiêu đó.
Để giữ gìn hòa bình, Hoa Kỳ phải hiểu điều gì thúc đẩy sự lo lắng của Trung Quốc, bảo đảm rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không bị ép lui vào chân tường và thuyết phục Bắc Kinh rằng, sự thống nhất thuộc về một tương lai xa vời. Việc thống nhất cũng phải triển khai sự hiểu biết mang nhiều sắc thái hơn về các tính toán hiện tại của Bắc Kinh, một cách tính toán vượt ra ngoài suy đoán đơn giản và không chính xác mà ông Tập đang tăng tốc các kế hoạch xâm lược Đài Loan. Hỗ trợ cho Đài Loan sẽ củng cố không chỉ về mặt an ninh, mà còn cả khả năng chống trả và sự thịnh vượng của hòn đảo. Hỗ trợ Đài Loan cũng sẽ đòi hỏi các việc đầu tư mới của Mỹ trong các công cụ mà nó mang lại lợi ích cho hòn đảo ngoài lĩnh vực quân sự, bao gồm một chiến lược răn đe toàn diện hơn, nhằm đối phó với các chiến thuật cưỡng chế không rõ rệt của Bắc Kinh.
Giới phê bình có thể cho rằng phương cách này bỏ qua những vấn đề khó khăn trong nền tảng của cuộc đối đầu, nhưng đó chính là vấn đề: Đôi khi, chính sách tốt nhất là tránh mang lại những thách thức khó giải quyết, thay vào đó là trì hoãn và né tránh giải quyết vấn đề.
Thay đổi trên mặt biển
Trong những năm cuối của nội chiến Trung Quốc 1945-49, phe Quốc Dân Đảng thua cuộc, đã rút lui về Đài Loan, thiết lập một hiệp ước phòng thủ hỗ tương với Hoa Kỳ vào năm 1954. Tuy nhiên, năm 1979, Washington đã cắt đứt những mối quan hệ đó để có thể bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh.
Kể từ đó, Hoa Kỳ nỗ lực giữ hòa bình ở eo biển Đài Loan bằng cách ngăn chặn hai hành động có thể dẫn đến xung đột hoàn toàn: Đài Bắc tuyên bố độc lập và Bắc Kinh cưỡng chế thống nhất. Đôi khi, Hoa Kỳ đã kiềm chế Đài Loan khi lo ngại là hòn đảo này đang tiến quá gần đến nền độc lập.
Năm 2003, Tổng thống George W. Bush đứng bên cạnh Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, công khai phản đối “những bình luận và hành động” do Đài Bắc đề xuất mà Hoa Kỳ coi là gây bất ổn. Vào những thời điểm khác, Hoa Kỳ đã thể hiện sức mạnh quân sự trước Bắc Kinh, như đã làm đối với cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan vào năm 1995-96, khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton gửi một hàng không mẫu hạm đến vùng biển ngoài khơi Đài Loan để đáp trả một loạt các vụ thử nghiệm hỏa tiễn của Trung Quốc.
Những lời tuyên bố trấn an cũng quan trọng đối với phương sách của Hoa Kỳ. Đối với Đài Loan, Hoa Kỳ đã cam kết chính thức theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 về việc “giữ gìn và thúc đẩy các mối quan hệ rộng lớn, gần gũi và thân thiện về thương mại, văn hóa và các mối quan hệ khác” với Đài Loan và cung cấp vũ khí phòng thủ cho hòn đảo. Đối với Bắc Kinh, Hoa Kỳ đã liên tục tuyên bố, không ủng hộ sự độc lập của Đài Loan, kể cả trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2022. Mục tiêu là tạo ra khoảng cách biệt cho Bắc Kinh và Đài Bắc đình hoãn vô thời hạn việc xung đột hoặc đạt được một số giải pháp chính trị.
Trong nhiều thập niên, phương cách này đã vận hành hữu hiệu là nhờ vào ba yếu tố.
Thứ nhất, Hoa Kỳ duy trì ưu thế mạnh bạo so với Trung Quốc khi nói đến sức mạnh quân sự, điều này không khuyến khích Bắc Kinh sử dụng vũ lực thông thường để thay đổi mối quan hệ với Đài Loan một cách đáng kể.
Thứ hai, Trung Quốc tập trung chủ yếu vào sự phát triển kinh tế và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, trì hoãn việc giải quyết vấn đề Đài Loan.
Thứ ba, Hoa Kỳ đã khéo léo đối phó với những thách thức đối với sự ổn định trong eo biển, cho dù vấn đề bắt nguồn từ Đài Bắc hay Bắc Kinh, nhờ thế đã giúp giảm đi việc châm ngòi cho một cuộc xung đột.
Tuy nhiên, ít nhất trong một thập niên qua, cả ba yếu tố này đã phát triển đáng kể. Có lẽ sự thay đổi rõ ràng nhất là quân đội Trung Quốc đã mở rộng khả năng, do các việc đầu tư và cải cách gia tăng trong nhiều thập niên.
Năm 1995, khi Hoa Kỳ cho chiến hạm USS Nimitz ra khơi đi về phía eo biển Đài Loan, tất cả những gì mà Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (QĐGPNDTQ, PLA) có thể làm là theo dõi với sự phẫn nộ. Kể từ đó, tình trạng chênh lệch về quyền lực giữa quân đội hai nước đã thu hẹp một cách đáng kể, đặc biệt là ở vùng biển ngoài hải phận Trung Quốc.
Hiện nay, Bắc Kinh có thể tấn công dễ dàng các mục tiêu trong hải phận và không phận xung quanh Đài Loan, tấn công các hàng không mẫu hạm của Mỹ đang hoạt động trong khu vực, đánh bại các cơ sở trong phạm vi của Mỹ và đe dọa các căn cứ quân sự của Mỹ ở phía tây Thái Bình Dương, bao gồm các căn cứ ở Guam và Nhật Bản. Bởi vì QĐGPNDTQ có ít kinh nghiệm chiến đấu trong thế giới thực, hiệu quả chính xác của việc chiến đấu vẫn còn phải chờ xem. Dù vậy, khả năng phô trương lực lượng đầy ấn tượng của QĐGPNDTQ đã khiến cho Bắc Kinh tin tưởng rằng, trong trường hợp xảy ra xung đột, Quân đội có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các lực lượng của Hoa Kỳ và Đài Loan hoạt động xung quanh Đài Loan.
Bên cạnh việc Trung Quốc nâng cấp quân sự, hơn bao giờ hết, Bắc Kinh hiện đang sẵn sàng chống trả Hoa Kỳ và các nước khác để theo đuổi tham vọng rộng lớn. Bản thân ông Tập đã thu tóm được quyền lực lớn hơn so với những người tiền nhiệm gần đây, và ông dường như chịu nhiều rủi ro hơn khi nói đến Đài Loan.
Cuối cùng, Hoa Kỳ đã từ bỏ mọi giả đoán về việc hành xử như một viên trọng tài theo nguyên tắc cam kết giữ nguyên hiện trạng và cho phép hai bên đi đến giải pháp hòa bình của riêng họ. Trọng tâm của Hoa Kỳ đã chuyển sang việc chống lại mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra cho Đài Loan. Phản ánh sự thay đổi này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần nói rằng, Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự thay mặt cho Đài Loan trong một cuộc xung đột xuyên eo biển.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.