Từ quan to đến quan nhỏ - Những chân dung tương phản
BVN đang nghĩ đến một đề tài có vẻ như hấp dẫn: lượm lặt đó đây những chân dung xác thực từ các vị quan to đến quan nhỏ trên khắp đất nước với những việc làm tốt xấu tương phản giữa họ. Để làm gì? Để dân biết mà hoan nghênh những ai xứng đáng là “phụ mẫu chi dân” và tránh cho xa những đấng bậc cứ tưởng là cao sang, là vì dân, có ngờ đâu đấy là những kẻ chẳng ích gì cho dân, thậm chí là những con sâu mọt, tệ hơn nữa chúng còn làm cho đời sống người dân mất yên ổn, bị phiền hà và nhiều trường hợp bị xâm hại đến sức khỏe và tính mạng.
Dưới đây là một vài lượm lặt bước đầu. Mong rằng nhiều bạn đọc sẽ đồng hành với chúng tôi.
Bauxite Việt Nam
1. Hoan hô bí thư Hờ Rin xé rào để cứu Dân.
Có biết bao quan ngài lửa đang cháy nhà Dân rừng rực cứ đứng bên hàng rào chờ xe cứu hoả và lệnh dập cháy "đúng quy trình".
Bọn ấy nhiều vô kể. Chúng không bị cái uỷ ban chống tham nhũng tiêu cực của TBT Nguyễn Phú Trọng rờ đến bao giờ. Nhưng chúng mới là bọn ăn hại, gây bao khốn khổ cho Dân.
Nhưng cũng có không ít vị quan thấy lửa cháy nhà Dân thì xé rào, đạp rào xông vào tìm mọi cách tốt nhất dập lửa cứu Dân trước đã.
Một trong vị ấy là nàng Hờ Rin có cái tên dân tộc Tây Nguyên, bí thư quận 6, Sài Gòn.
Khi thấy dịch lan nhanh, không chờ hướng dẫn của bộ Y tế và sở Y tế TP, Hờ Rin chủ động phát thuốc kháng viêm, kháng đông cho F0 điều trị tại nhà ngay lập tức. (Phải đến giữa tháng 8, hai loại thuốc này mới được Sở Y tế chính thức hướng dẫn F0 sử dụng để điều trị tại nhà (túi thuốc.)
Lê Thị Hờ Rin (44 tuổi) nói:
"Mỗi giờ trôi qua mà không có thuốc là bao nhiêu bệnh nhân sẽ chuyển nặng, tử vong. Mình chần chừ thì đâu kịp".
Nhìn lại giai đoạn ấy, Hờ Rin thừa nhận lựa chọn "xé rào" của quận là hơi mạo hiểm, nhưng khi đó, số ca tử vong rất cao, không thể thấy có cách cứu dân hiệu quả mà không làm.
Nhưng cuộc xé rào này của bí thư quận 6 lại bắt đầu từ cuộc xé rào của chính bí thư thành uỷ Nguyễn Văn Nên.
Theo lời Hơ Rin kể cho báo ZingNew:
"Cuối tháng 7, ông Nguyễn Văn Nên gửi vào nhóm chung của bí thư các quận/huyện/TP một đơn thuốc với 2 loại là kháng đông và kháng viêm, với gợi ý là nên cấp cho Dân.
Hai loại thuốc này được dùng để điều trị có hướng dẫn cho F0 trong bệnh viện, khu cách ly. Tuy nhiên, thuốc này chưa được Sở Y tế hướng dẫn sử dụng ngoài cộng đồng”.
Trong khi hầu hết lãnh đạo quận huyện e ngại thực hiện gợi ý "xé rào" của bí thư Nên thì bí thư quận 6 Hờ Rin đã chủ động gặp các chuyên gia dịch tễ giỏi tham khảo thêm ý kiến và cách thức để đi đến quyết định xé rào.
Bí thư Hờ Rin nói với Zing:
"Thời điểm khó khăn như thế, nhiều ca tử vong như thế, với tư cách là người đứng đầu, tôi không thể nhìn thấy có cách giúp dân mà không làm.
Tại sao trong bệnh viện và khu cách ly dùng được mà chưa cho sử dụng ngoài cộng đồng?
Vì thuốc này có chống chỉ định đối với một số trường hợp. Vì vậy không ai dám chịu trách nhiệm khi các chống chỉ định xảy ra trong Dân.
Biết điều này để an toàn cho Dân khi dùng thuốc, tôi yêu cầu các trạm y tế phường phải hướng dẫn rõ và kỹ cho người dân trước khi sử dụng (phải ăn no trước khi uống thuốc, sử dụng thêm thuốc hỗ trợ đối với bệnh nhân có bệnh về dạ dày…).
Tôi chủ động đề nghị bí thư 14 phường trong quận vận động để có 2 loại thuốc kháng đông, kháng viêm phát cho F0 điều trị tại nhà. Ngoài ra, phường có thể phát bổ sung các loại khác như thuốc hạ sốt, vitamin C…
Tôi biết khi đó mình yêu cầu một chuyện chưa có trong quy định và chưa được Sở Y tế hướng dẫn, nhưng vì tình thế cấp bách, mình phải lựa chọn và ra quyết định, không thể chần chừ.
Tôi dặn các phường khi điều trị F0 bằng thuốc này phải đưa xuống cho trạm y tế, hỏi rõ người dân có bệnh nền gì thì liên hệ bác sĩ của họ để phối hợp cho uống thuốc.
Tôi cũng thấy đây là một việc có phần mạo hiểm. Các phường cũng có chần chừ. Nhưng tôi phải rất quyết liệt, chần chừ đâu kịp. Mỗi giờ trôi qua mà không có thuốc là bao nhiêu bệnh nhân sẽ chuyển nặng, tử vong.
Trong quá trình này, tôi thường xuyên theo dõi, động viên các phường. Phường nào chần chừ, tôi sẽ xuống kiểm tra nhiều lần, theo rất sát. Tôi hỏi đã mua thuốc chưa, phát chưa, đi xuống tận nơi chưa, đã có ai uống chưa, uống rồi thì như thế nào.
May mắn, từ lúc dùng thuốc, các phường báo về số ca tử vong giảm hẳn. Uống chừng 5-7 ngày thì xét nghiệm ra âm tính. Nhờ đó, nhiều người yên tâm với cách làm này”.
Thật ra trước đó, từ tháng 6, bí thư Hờ Rin đã dám xé rào rồi. Do niềm tin vào các phương pháp phòng, kháng, chống bệnh sốt, ho, nhiễm khuẩn của Dân gian rất hiệu quả, bỏ qua những khuyến cáo tây y một chiều và khuôn mẫu cứng nhắc, bí thư Hờ Rin đã đề nghị các phường:
"Chủ động tăng cường tuyên truyền về các biện pháp nhằm nâng cao sức đề kháng của cơ thể như sử dụng chanh, sả, gừng, lá tía tô, xông các loại thảo dược có tinh dầu… theo y học cổ truyền, sử dụng các loại vitamin phù hợp…
Đồng thời, bí thư Hơ Rin cũng: "đề nghị Hội Phụ nữ quận 6 nấu nước chanh - sả - gừng chuyển vào khu cách ly cho bệnh nhân điều trị, đề nghị các phường chủ động mua hoặc vận động để có chanh - sả - gừng phát cho các hộ dân trên địa bàn, nhất là các hộ dân trong khu phong tỏa”.
Chính tinh thần dám chịu trách nhiệm đặt khẩu hiệu "Hiệu quả cứu Dân là trên hết" lên trên các hàng rào chằng chịt của thói quan liêu vô cảm, bí thư Hờ Rin đã góp phần quan trọng hạn chế được ca nhiễm bệnh, ca bệnh nặng, ca chết tại quận 6.
Báo Zing đưa tin:
"Trong các chuyến thị sát tại quận 6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhiều lần biểu dương lãnh đạo quận 6 vì quyết liệt "xé rào" để cứu dân. Ông nhận định quận rất sáng tạo, vận dụng rất tốt các biện pháp phòng chống dịch với mục tiêu hiệu quả trên hết, thể hiện tinh thần trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ”.
Vậy thì lẽ nào gã không hô to một câu:
Hoan hô bí thư Hờ Rin!
Ảnh: PTT Vũ Đức Đam và Hờ Rin.
2. Chặt chẽ gì kỳ vậy?
Đại hội đảng vừa thành công tốt đẹp thì Trần Văn Nam bí thư tỉnh uỷ Bình Dương, người được đại hội nhất trí cao bầu vào BCH Trung ương "theo đúng quy trình chặt chẽ" liền bị khởi tố.
Còn Đỗ Thanh Bình, bí thư tỉnh uỷ Kiên Giang, được đại hội nhất trí cao bầu vào BCH Trung ương cũng "theo đúng quy trình chặt chẽ", thì tềnh hênh ngay trên Tivi cho hàng chục triệu Dân coi: gà mắc tóc.
Bình như trên sân khấu hài quay qua, quay lại lục đống giấy tờ tìm con số người bị nhiễm dịch ở tỉnh Kiên Giang của mình để trả lời thủ tướng. Từ sau cánh gà bỗng vang lên tiếng nhắc "tuồng" làm thủ tướng phải thốt lên: “ai biết thì ra mặt mà nói đi!".
Dân cười mà rơi nước mắt.
Lãnh đạo ăn cướp tiền Dân như bí thư Nam, hoặc vô cảm, chả biết Dân khốn khó như bí thư Bình, thì chỉ chết Dân thôi.
Đấy mới chỉ là mấy đồng chí bị lộ. Còn biết bao đồng chí chưa bị lộ nữa, trước sau rồi cũng có ngày bị lộ, bất chấp cái quy trình chọn nhân sự lãnh đạo gọi là "chặt chẽ" kia.
Khổ thế đấy, việc gì mà Dân không được nhúng tay vào thì bảo đảm hư chuyện hết.
Làm gì có cái "quy trình chặt chẽ” chọn người lãnh đạo nếu không có tai mắt của Dân?
3. Hãy xem nhận định khủng khiếp của bản án vụ con vích dưới đây
LS Lê Ngọc Luân
Cả công an, VKS huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) khẳng định và chứng cứ chứng minh rõ hai ngư dân hoàn toàn không biết 12 con rùa Biển bị chết là động vật nguy cấp, quý, hiếm nhưng HĐXX toà Ngọc Hiển tự suy diễn và đưa lập luận không có trong hồ sơ để kết tội, đó là: “Các bị cáo biết rõ cá thể Đồi mồi là cá thể được Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang chung sức bảo vệ nghiêm ngặt, cấm vận chuyển bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học…”.
Hành động đưa 12 cái xác chết từ ngoài biển vào đất liền để thờ cúng không biết ảnh hưởng như thế nào đến “đa dạng sinh học” như nhận định của toà? Và CQĐT đã kết luận họ không biết đó là động vật nguy cấp, quý hiếm thì sao mà xin phép và, pháp luật không có bất kỳ quy định nào buộc phải xin phép khi đưa rùa Biển chết ở ngoài biển vào đất liền thì bất hợp pháp điểm nào. Tôi không tin vào mắt mình khi đọc những dòng chữ của bản án.
Không dừng lại, HĐXX tiếp tục nhận định “Hành vi của bị cáo gây mất trật tự xã hội, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân”. Trời đất ơi, ngư dân cất công mang 12 xác chết con vật vào đất liền đưa đến Lăng chôn cất, thờ cúng và đeo tang theo nghi lễ đã được chính quyền cấp tỉnh công nhận là di tích văn hoá tồn tại hàng trăm năm nay thì “gây mất trật tự và gây hoang mang trong quần chúng nhân dân” ở chỗ nào? Cái này là HĐXX tự nghĩ ra để đưa vào bản án kết tội các ngư dân cho bằng được.
Phải chăng ngư dân cần vứt xác 12 con rùa Biển đã chết xuống biển thì mới không gây hoang mang bất ổn cho xã hội và sẽ bảo tồn được đa dạng sinh học?
P/S: Tôi đọc bản án kết tội của Thẩm phán thực sự lạnh gáy và ám ảnh mỗi đêm về. Thế nhưng, toà Ngọc Hiển đã thẳng tay tuyên người 10 năm, người 8 năm tù cho hành động không hề gây nguy hại cho xã hội. Thực sự KHỦNG KHIẾP #convich
4. Đồng chí tổ trưởng dân phố ném gạch vỡ đầu ông cụ 75 tuổi vì dám hỏi tiền nhà nước trợ cấp cho mình
T.N.
Ôi thôi, rặt nòi cộng sản rồi. Cấm có sai.
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Một ông cụ 75 tuổi bị ông tổ trưởng dân phố ném cục gạch vỡ đầu, máu me lênh láng chỉ vì ông cụ dám hỏi về các trợ cấp của nhà nước.
“Chiều nay, 14 Tháng Chín, 2021, anh Vòng A Lộc, tổ trưởng dân phố, ngụ tại khu phố 9 hẻm 172, ngay nhà số 10/3 Đô Đốc Long, phường Tân Quí, quận Tân Phú, Sài Gòn, đã lấy gạch ném ông Nguyễn Tiến Mạnh, 75 tuổi, cư dân của tổ dân phố do anh Vòng A Lộc làm tổ trưởng,” Facebooker An Thanh tức Linh Mục Lê Ngọc Thanh kể lại như vậy trên trang Facebook cá nhân.
Ông cụ 75 tuổi bị tổ trưởng dân phố ném gạch vỡ đầu. (Hình: Facebook An Thanh)
Facebooker An Thanh kể lại nguyên nhân dẫn đến vụ bạo hành do chính con gái của ông cụ Mạnh cho biết: “Cha tôi chỉ hỏi thăm ông ấy là mấy tháng trời bắt chúng tôi giãn cách theo Chỉ Thị 16 của thủ tướng chính phủ nhưng sao không thấy phường trợ cấp gì cho gia đình tôi dù chỉ là một cọng rau!!! Không ngờ ông tổ trưởng lại dùng hành động như ‘một thằng lưu manh’ dùng gạch chọi vào đầu cha tôi.”
“Chúng tôi không biết đây có phải là chỉ đạo ngầm khiến anh Vòng A Lộc làm một việc phạm pháp công khai giữa tổ dân phố nhắm vào ông Mạnh, một người cao niên không? Xin ông Mãi hỏi vị chủ tịch quận Tân Phú rồi cho dân biết,” Facebooker An Thanh đặt câu hỏi.
Hồi đầu Tháng Bảy, nhà cầm quyền CSVN loan báo số tiền hỗ trợ 26,000 tỷ đồng (hơn $1.1 triệu) cho các người dân gặp khó khăn vì đại dịch. Bên cạnh đó, nhà cầm quyền còn xuất từ kho gạo dự trữ an toàn, phát cho dân nghèo để người ta đừng chết đói. Việc phát tiền và phát gạo không cùng một lúc và không đồng đều dẫn đến nhiều kêu ca tại nhiều địa phương.
Tuần trước, ngày 8 Tháng Chín, báo VNExpress cho hay: “Hơn 140 hộ dân phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, được hỗ trợ gạo nhưng phải ký nhận 1.5 triệu đồng ($66), còn địa phương cho rằng ‘do lỗi kỹ thuật.’”
Ông Vòng A Lộc, tổ trưởng dân phố ở phường Tân Quí, quận Tân Phú, Sài Gòn, ném vỡ đầu ông Nguyễn Tiến Mạnh. (Hình: Facebook An Thanh)
Ngày 19 Tháng Tám, đài Á Châu Tự Do (RFA) cho hay một nhóm có tên “Những Người Chưa Nhận Được Trợ Cấp COVID” với gần 8,000 thành viên tham gia, trong đó có rất nhiều người phản ảnh rằng mình là lao động tự do, thất nghiệp do COVID-19 và đang trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn chưa nhận được một đồng nào do chính phủ trợ cấp.
Chính quyền thành phố trước đó đã thông báo số tiền hỗ trợ COVID-19 trong hai tháng Bảy và Tám, bao gồm tiền mặt cũng như nhu yếu phẩm cho lao động tự do mất việc làm, người nghèo và cận nghèo trong thành phố. Với số tiền hỗ trợ lần hai, giới chức Sài Gòn hứa hẹn rằng lao động nghèo, ai có mặt tại thành phố thì đều được hỗ trợ, không phân biệt tạm trú hay thường trú.
Ngày 6 Tháng Tám, trang mạng của “Công Đoàn Việt Nam,” tức tổ chức lao động do nhà nước CSVN thành lập, hướng dẫn “người lao động tự do chưa nhận được hỗ trợ, cần liên hệ với địa phương cư trú.” Tổ chức này còn cung cấp các số điện thoại để liên lạc, gồm cả “tiếp nhận thông tin, khiếu nại, tố cáo” là [0911041122].
T.N.
Nguồn: nguoi-viet.com
BVN lượm lặt đó đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.