Chuyển động tàu sân bay, tàu Đại Dương, tàu Hải Dương 10
27-9-2021
Chuyển động của tàu sân bay Anh và Mỹ gợi ý một cuộc tập trận giữa ba nhóm tác chiến tàu sân bay có thể sẽ diễn ra ở Biển Philippines trong những ngày tới.
1. Tàu hộ vệ Anh xuyên qua eo Đài Loan thăm Việt Nam
Rạng sáng 27.9, tàu hộ vệ Anh HMS Richmond bất ngờ thông báo trên Twitter rằng tàu này sẽ từ Biển Đông băng qua eo biển Đài Loan để đến thăm Việt Nam.
Đây là động thái hiếm thấy bởi trước đây tàu chiến Mỹ chỉ thông báo về các chuyến băng qua eo biển này sau khi kết thúc.
Thậm chí, tàu Richmond cũng bật tín hiệu AIS để ai cũng có thể theo dõi hành trình của nó thông qua các ứng dụng theo dõi tàu biển.
Nó như một cách để phía Anh thể hiện đây là hành động băng qua vùng biển quốc tế bình thường và không đếm xỉa gì đến phản ứng của Trung Quốc.
Về chuyến thăm Việt Nam, có khả năng nó đã được lên kế hoạch từ lâu, nhưng được giữ kín đến phút cuối theo yêu cầu của phía Việt Nam.
2. Chuyển động tàu sân bay
Rạng sáng nay, tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng tàu tuần dương USS Shiloh đã rời Biển Đông thông qua eo Verde Island.
Đồng thời, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cũng thông báo rời Guam vào sáng nay.
Trong khi đó, tàu USS Carl Vinson cũng đã dịch chuyển xuống phía nam đảo Miyako và phía đông eo biển Ba Sỹ.
Nhóm tàu Úc do tàu đổ bộ tấn công HMAS Canberra dẫn đầu đã ghé vào Manila vào hôm qua, bắt đầu chuyến thăm kéo dài 3 ngày.
Những chuyển động của 3 nhóm tàu sân bay tạo cơ hội cho chúng cùng gặp nhau ở Biển Philippines trong những ngày tới.
Nếu cuộc tập trận này diễn ra, đây sẽ là lần đầu tiên 3 tàu sân bay hội tụ ở Tây Thái Bình Dương kể từ năm 2017.
Trong khi đó, tàu sân bay Sơn Đông vẫn ở phía nam Tam Á ngày hôm qua.
3. Tàu khảo sát Đại Dương
Cuối tuần qua, tàu khảo sát Đại Dương của Trung Quốc đã di chuyển vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.
Trong ngày 26.9, tàu này hướng đến vị trí của tàu khoan West Capella đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Malaysia. Đến khoảng cách khoảng 10 hải lý nó ngoặt sang phải, băng qua vùng đặc quyền kinh tế Brunei và chuyển sang nữa bên kia của vùng đặc quyền kinh tế Malaysia vào sáng nay.
Tốc độ di chuyển của tàu Đại Dương là 4-5 hải lý/giờ. Đây là tốc độ thường thấy của tàu Trung Quốc mỗi khi chúng tiến hành khảo sát.
Hộ tống tàu Đại Dương là tàu Hải cảnh 5202. Không loại trừ khả năng tàu 6307 cũng tham gia hộ tống nhưng tắt tín hiệu bởi tàu này di chuyển cùng 5202 từ Tam Á xuống Đá Chữ Thập trước đó.
Trước khi tiến vào thềm lục địa Malaysia, tàu Đại Dương đã từ Đá Chữ Thập di chuyển vào thềm lục địa của Việt Nam, nhưng giữa chừng nó đổi hướng.
Ít nhất một tàu Kiểm ngư Việt Nam được ghi nhận bám theo tàu này trong thời gian nó ở thềm lục địa với Việt Nam và khu vực xác định chung (Joint Defined Area – JDA) giữa thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia.
Trong khi đó, tàu Hải cảnh 5103 thường lượn lờ ở cụm bãi cạn Luconia đã trở về Tam Á.
4. Tàu Hải Dương Địa Chất 10
Ngày 26.9, ảnh vệ tinh của Sentinel 2 lần đầu tiên chụp được tàu Hải Dương Địa Chất 10 đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Indonesia.
Hình ảnh cho thấy nó được hộ tống bởi một số tàu hải cảnh hoặc tàu chiến Trung Quốc. Mặt khác, Indonesia cũng triển khai tàu tuần tra hoặc tàu hải quân đến khu vực.
Trong khi đó, tàu Hải cảnh 6305 cũng đã được tăng cường đến khu vực tham gia hộ tống tàu Hải Dương Địa Chất 10, gợi ý chiến dịch của tàu này sẽ tiếp tục kéo dài.
Như vậy, Trung Quốc đã cùng lúc triển khai hai tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của cả Indonesia và Malaysia.
Một nguồn tin cấp cao từ Jakarta gợi ý với tôi rằng Indonesia nhiều khả năng sẽ không công khai lên tiếng về tình hình cho đến khi giàn khoan Clyde Boudreaux kết thúc hoạt động khoan ở lô Tuna vào khoảng cuối tháng 10. Tuy nhiên, họ vẫn có những động thái phản ứng nhất định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.