Ghi chép thời sự dịch 2021 (Phần 3)
26-9-2021
Ngày 3.9.2021
Ông Lưu Bình Nhưỡng đại biểu quốc hội, nhân vụ cả nước, nhất là ở Hà Nội và Sài Gòn nhà chức việc vẽ ra đủ thứ giấy tờ, quy định, app này app nọ hành dân, ông lên tivi nói chỉ có mỗi cái giấy đi đường mà cứ lúng ta lúng túng, hết công an hành tới chính quyền hành, nay đòi thế này, mai đòi thế khác, chỉ khổ dân.
Ông Nhưỡng bảo rõ ràng Hà Nội đã không rút được bài học kinh nghiệm qua 2 lần dịch trước, cứ gây phiền hà cho dân. Ông ví dụ, đã có căn cước công dân gắn chip rồi, quản lý hiện đại 4.0 rồi, sao lại còn đòi giấy đi đường.
Cũng cái vụ hành dân đó, bác Nguyễn Thiện cho rằng nhà nước thực hiện bí quyết để người dân không dám ra đường là tạo ra ma trận, bày thật nhiều giấy tờ, thủ tục rắc rối khiến cho họ ngán ngẩm, chán chường, tặc lưỡi thà ở nhà cho rồi, dù biết rằng ở nhà thì đói, bệnh tật, căng thẳng, có khi phát điên.
Ngày 5.9.2021
Nhà thơ Đỗ Trung Quân, ông la hán gầy nổi tiếng với quê hương là chùm khế ngọt, than thở “3 tháng bị phong tỏa, cứ 16 + mãi thế này, không phải lockdown thì là cái của nợ gì hở trời”.
Chính phủ và Bộ dục quyết khai trường mặc dù dịch đang cực kỳ căng thẳng, chưa tới đỉnh, người nhiễm và người chết mỗi ngày một nhiều. Họ tuyên bố nơi nào có dịch thì tổ chức học trực tuyến. Cứ vào năm học mới, không oong đơ gì sất.
Báo Thanh Niên có bài điều tra, thống kê trong tổng số gần 700.000 học sinh trung học thì có khoảng 17.000 em không có thiết bị, máy móc tối thiểu để học trực tuyến, nhà không có đường truyền internet, hơn 5.000 em tuy có điện thoại thông minh nhưng nhà không có wifi, chưa đăng ký mạng.
Trong tổng số 647.253 học sinh tiểu học thì có tới 53.349 em gia cảnh rất khó khăn, không đủ điều kiện để học trực tuyến, trong số này có 19.669 em nhà rất nghèo, cha mẹ anh chị chạy ăn từng bữa, đến cái điện thoại rẻ tiền của Trung Quốc để học trực tuyến cũng không sắm được, 3.633 em gia đình không có đường truyền internet, 11.186 em nếu có cố học trực tuyến thì cũng chỉ một mình, không có ai hỗ trợ bởi người lớn phải đi làm kiếm sống…
Báo Tin Tức của TTXVN đăng bài “Tận cùng của sự thâm độc” lên án gay gắt những người mà tác giả bài báo cho rằng đã cố tình xúc phạm, dám đưa cả hình ảnh bộ đội giúp dân chống dịch ra đùa cợt. Bài báo yêu cầu chính phủ, công an phải có biện pháp mạnh trừng trị, phạt thật nặng, thậm chí khởi tố truy tố việc chống lại chủ trương chính sách của nhà nước, bôi xấu hình ảnh bộ đội cụ Hồ. Giọng điệu trong bài hệt như mấy chục năm trước, không khác gì thời cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, nội chiến.
Ngày 10.9.2021
Cao Tự Thanh gọi điện hỏi thăm, mày đã được tiêm vắc xin chưa. Mình thưa với hàn nho, rồi. Loại gì? Già nên được mũi Moderna. Mình nhại bài “Nữ dân quân miền biển” của nhạc sĩ Văn Lưu thời chống Mỹ hát cho y nghe “Chúng ta đây là nữ dân chài/Tuổi chúng ta vừa tròn đôi mươi” thành “Chúng ta nay tuổi đã cao rồi/Chích vắc xin chỉ thích mô đẹc na”.
Y bảo thế thì được, mày nhớ nói với vợ con mày, không tiêm thì thôi, còn đã tiêm thì chớ có tiêm vắc xin tàu. Những Sino.pharm, Sino.vax, Ve.ro Cell vê rô xiếc, đám nhập về chúng ca ngợi thế nào mặc mẹ chúng, mình đéo chích. Đù mẹ chúng nó, tao cả đời nghiên cứu về tụi T.àu, tao biết. Xét về sự giỏi và độ mưu mẹo thâm hiểm nham hiểm thì thằng T.àu nhất thế giới, ai dám đảm bảo vắc xin mà nó “ưu tiên” cho dân mình, nếu chích vào sẽ không bị vô sinh, tịt đường sinh đẻ, có khi hậu quả phải sau vài chục năm mới biết.
Ngày 15.9.2021
Ông em rể tôi điện hỏi dịch ra sao rồi anh, hết cấm đoán chưa, tôi bảo chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm, có khi họ còn kéo dài tới cuối tháng. Y nói chống dịch bằng quyết tâm chính trị và vũ lực (ngăn cản, cấm đoán, hàng rào dây thép gai, bộ đội, công an), hạn chế quyền sống của dân một cách duy ý chí… thì không thể nào có kết quả tốt được. Cai trị dân cũng vậy, cứ chủ trương đè nén bằng vụ lực, chuyên chính vô sản, nuôi dưỡng bộ máy cảnh sát công an để đối phó dân thì sớm muộn cũng hỏng, xây lâu đài trên cát.
Thằng cháu gần nhà tôi sửa điện lạnh nhận được điện thoại của khách hàng nhờ tới sửa cái tủ lạnh đang yên đang lành lăn đùng ra hỏng, hỏng lúc này bằng giết người, họ bảo vậy. Nó đi một lúc thì về, than quá nhiều chốt chặn, họ không cho đi, xua tay đuổi về, không có lý do chính đáng.
Nó kể một thôi một hồi bực tức, xong hỏi, cháu hỏi bác, sau này hết dịch thì người ta làm gì với đống hàng rào dây thép gai khổng lồ ấy, cả thành phố này chắc phải vài chục ngàn chiếc. Ông bố nó ngồi gần đó nghe được, thủng thẳng bảo mày trẻ người non dạ không biết đấy thôi, tao sống gần hết đời ở đất Sài Gòn này từ ngày “giải phóng” tới nay, gần nửa thế kỷ rồi, từ khi chưa đẻ mày, tao biết họ quá rõ. Họ thiếu thứ gì chứ thứ ấy không bao giờ thiếu, có khi còn chưa dùng hết. Họ hiểu người Sài Gòn quá mà.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.