Nhân dân còn sức đâu mà “góp ý”!
Tại buổi họp báo chiều 26-9, ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng Ban chỉ đạo chống dịch TP.HCM – cho biết, đặt trong kế hoạch công tác tu sửa tôn tạo tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo và cải tạo, chỉnh trang công viên Mê Linh, dự kiến ngày 30-9 tới đây TP sẽ tiếp tục khởi công cải tạo, chỉnh trang khuôn viên bến Bạch Đằng (đoạn từ cột cờ Thủ Ngữ cho đến đoạn đối diện bảo tàng Tôn Đức Thắng).
Đến cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10, TP.HCM sẽ công bố thiết kế việc tôn tạo tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo và cải tạo chỉnh trang công viên Mê Linh.
“Sau khi công bố thiết kế việc tôn tạo tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo và cải tạo chỉnh trang công viên Mê Linh tại Sở Xây dựng, TP trân trọng đề nghị mọi người dân tham gia góp ý phương án trùng tu tượng như thế nào, màu sắc, những bức phù điêu ra sao và kể cả lư hương như thế nào”, ông Hải nói. (theo Báo Tuổi trẻ).
Thật tình, tôi nghĩ, 30-9, nếu được tháo gỡ giãn cách nghiêm ngặt toàn thành, cả chính quyền lẫn người dân có bao nhiêu việc phải làm, phải lo liệu, phải ứng phó. Chuyện cải tạo, chỉnh trang công viên chưa là “hoạt động thiết yếu”, dẫu đã trong kế hoạch thì cũng chưa khẩn cấp tới mức mà giữa ngổn ngang dịch bệnh, con virus SARS-CoV2 còn “sống chung” với người, giãn cách vẫn là điều kiện bắt buộc. Sao phải ngay hoặc sau ngày tháo gỡ phong tỏa, chi?
Còn nếu tỏ lòng thành kính trước Đức Thánh Trần, thì như hôm nay, không kèn không trống, chẳng báo chí truyền hình, hai ông đứng đầu đảng bộ và chính quyền thành phố đã đến thắp nhang, kính cẩn, lòng thành trước tổ tông Đức Thánh, là đã thấu trọn. Nay mai, trời yên bể lặng, không giông không gió thì các sư thầy thỉnh lư hương về lại, làm lễ an vị tại bức tượng Trần Hưng Đạo, là vẹn toàn. Nếu có xuống cấp thì trong tình hình này, đội ngũ chuyên môn thiết kế, xây dựng giám định và gia cố, sơn quét lại cho khang trang, tươm tất là vừa vặn mà cũng hợp nhẽ.
Lòng thành kính đâu cứ phải căn vào không gian rộng hẹp hay lư mới, tượng to. Nó cốt ở sự tôn nghiêm và tấm lòng của hậu thế trước tiền nhân mà suy xét từng việc làm, lối sống cho phải đạo.
Lật sách xưa mà đọc: Lý Thường Kiệt đã từng hạ lệnh trừng trị những kẻ ham mê ma quỷ đồng bóng và cho dẹp bớt các dâm từ -chỉ những đền thờ các vị thần không chính đáng và miếu thờ yêu quái.
Đến Quang Trung Nguyễn Huệ, người xuống chiếu bắt bỏ những chùa nhỏ ở các làng, đem số gỗ gạch ấy để cất mỗi huyện phủ một ngôi chùa khang trang, chọn những tăng nhân có học thức, có đạo đức mà coi chùa.
Nay, nếu bức tượng Đức Thánh Trần có bị xuống cấp, thì như đã nói ở trên, cần tu bổ, gia cố lại cho chắc, tươm tất, giữ gìn không gian xung quanh sạch sẽ. Là đủ. Chứ mở ra chi kế hoạch tôn tạo, chỉnh trang, còn mời nhân dân góp ý, mà nhân dân là ai, rộng lớn lắm, bao la lắm, nhân dân chỉ biết tìm về di chỉ, điểm thờ cúng, tượng đài để thắp nén nhang, cúi đầu, thành kính tưởng nhớ, tri ân, cầu nguyện… Còn đóng góp nào sắc màu, kiểu dáng, phù điêu, rồi cả cái lư hương, nó là việc của các nhà chuyên môn – cũng là đại diện ưu tú (và phải xứng đáng làm người đại diện) của nhân dân- hoặc của những vị thông tỏ về lễ nghi thờ cúng, tín ngưỡng.
Để nhân dân lấy lại sức mà gượng dậy, tìm phương sinh sống, làm lại sau những xơ xác, tan tác, mất mát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.