Test Covid-19 và Học thuyết sốc
Giá một bộ test nhanh ở Đức là khoảng 25.000 VNĐ (có nơi vài chục cent, tương đương khoảng 13.000-20.000VNĐ, tuỳ nơi).
Việc tạo ra thảm họa hoặc chộp thời cơ của một cuộc thảm hoạ để kiếm lợi, kinh tế học gọi là “chủ nghĩa tư bản thảm họa”.
Khủng hoảng là một cuộc làm ăn lớn, siêu lợi nhuận. Có lẽ bạn đọc cần dạo qua thư văn kinh tế học để đọc câu chuyện về một lý thuyết kinh điển về “học thuyết sốc”.
Milton Friedman, cây đại thụ về kinh tế học thuộc trường phái Chicago, là cha đẻ của cái gọi là học thuyết này, cho rằng: chỉ một cuộc khủng hoảng – khủng hoảng thật, hoặc được cảm nhận là khủng hoảng – mới tạo ra sự thay đổi thực sự rõ nét về kinh tế. Khi cuộc khủng hoảng bùng nổ, những hành động nào được thực hiện phụ thuộc vào những ý tưởng đang trôi dạt xung quanh.
Theo vị giáo sư lừng danh của Đại học Chicago, khi xảy ra khủng hoảng, điều tối quan trọng là phải hành động ngay lập tức, tiến hành những thay đổi nhanh chóng và “không thể đảo ngược”.
Nó được ví như một biến thể của lời răn của nhà luận thuyết người Ý Niccolò Machiavelli, từ thế kỷ 15: “Cần gây những tổn thương nhất loạt”. Nếu bỏ qua giai đoạn cao trào của khủng hoảng để ra tay hành động, sẽ không còn cơ hội khác nữa.
Lợi dụng thảm họa, khủng hoảng là ý tưởng cốt lõi trong học thuyết và phong trào của Milton Friedman. Khủng hoảng, thảm họa như là nguyên liệu để khởi phát một cuộc sang chấn tập thể trên quy mô rộng khắp, nhằm tạo sự thay đổi để đoạt lợi theo ý muốn. Những nhà “tư bản thảm họa” luôn kỳ vọng một cuộc khủng hoảng để có thể nấu nồi cơm lợi nhuận của mình, có những trường hợp phải tạo ra khủng hoảng.
Dù rằng chủ nghĩa kinh tế của Friedman có thể áp dụng được một phần nhất định nào đó trong xã hội dân chủ, tuy nhiên mấu chốt của mô hình này là muốn triển khai đạt được hiệu quả tối đa, buộc phải có các điều kiện độc tài.
Học thuyết này được áp dụng rộng khắp trên thế giới, đặc biệt là trong chính sách công và quản trị công của các nhà nước. Ở những quốc gia mà các chính sách của trường phái Chicago được áp dụng từ mấy thập kỷ qua, có điểm đặc trưng là đều nổi lên một liên minh cai trị quyền lực giữa số ít tập đoàn lớn và một tầng lớp chính trị gia giàu có.
Xem ra khủng hoảng COVID-19 là ví dụ kinh điển của trò đoạt lợi qua khủng hoảng. Nó đáp ứng đủ các điều kiện tiên quyết của “Học thuyết sốc”:
(1) Khủng hoảng có tính chấn thương nhất loạt;
(2) Nhiều chính sách (trong đó có test COVID-19) là những hành động ngay lập tức, nhanh chóng và “không thể đảo ngược”;
(3) Có bóng dáng của sự hợp tung của giới chính trị và kinh tế;
(4) Thường diễn ra ở môi trường chuyên chế.
Và, nó dường như đã và đang là cơ hội làm đầy túi của không ít người. Đại chúng mới là những người cúng dường ngoan ngoãn, vĩ đại và đau khổ nhất.
Bài về Học thuyết Sốc tôi viết trên báo Người Đô Thị 5 năm về trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.