“Ma Đạo” thủ thỉ với Hòa thượng Thích Nhật Từ
24-9-2021
Trước sự phản ứng của dư luận về việc “khoa học đi cầu xin thánh linh”, nhiều ngày qua Thượng tọa Thích Nhật Từ thường xuyên đăng đàn đáp lại các chỉ trích đang nhắm vào ông. Ông gọi các chỉ trích đó là “sự xuyên tạc của kẻ xấu” và giáo huấn các đệ tử mình cần nhận thức đúng về Phật pháp để không đi vào đường “ma đạo”. Giải thích về “lễ cầu nguyện cho vaccine Nanocovax được lưu hành”, ông cho biết đó là điều rất đỗi bình thường, như là “lời chúc lành cho gia chủ” và đó là “quyền tự do tôn giáo”.
Thật đáng tiếc là sư Từ vẫn cố chấp, sân si bảo vệ cho kiểu cầu nguyện phi nhân quả, thiếu trí tuệ, và rời xa triết lý Phật giáo như tôi đã có bài viết phê phán. Vậy nên tôi tiếp tục có thêm bài nữa để thủ thỉ cùng Sư, nhưng lần này không phải vào dựa vào tinh thần Phật pháp, mà bằng một triết lý có thể bị xem là “tà ma ngoại đạo”, hầu giúp Phật tử thông hiểu về tâm thức nô lệ của con người khi tin vào “phép thuật thần linh” thông qua sự biến hoá của các nhà sư.
Kính bạch chư vị Phật tử,
Nếu như các chỉ trích, phê phán nhắm vào vụ việc vừa qua của sư Từ bị coi là “ma đạo”, thì tôi – đang đứng giữa vùng đất linh thiêng đầy phép nhiệm màu mà sang sảng tuyên bố rằng: “Tôi-chính là một con ma đạo”.
– Tôi, một con ma đạo và sư Từ có mối quan hệ tri âm với nhau, vì nhờ có tôi mà ổng mới có cái đem ra dọa dẫm đệ tử của mình, như cách mà người lớn lấy “ông ba bị” ra dọa con nít, cốt chỉ để cho chúng ngoan ngoãn, biết vâng lời và nghe theo sự sai bảo của ta.
– Tôi, một con ma đạo đã lật nhiều trang kinh Phật, để nghiền ngẫm về triết lý Phật giáo mà đi chất vấn các thầy tu đã “sáng tạo” ra các lề lối tu tập tước đi bản tánh tự nhiên của con người và thực hành các nghi lễ mê tín, nhằm mục đích thao túng người khác.
– Tôi, một con ma đạo luôn đi gieo rắc sự hoài nghi và thúc đẩy sự xét đoán lý trí trong mỗi Phật tử. Sự hiện diện của tôi là để thúc đẩy các Phật tử phải tự mình nâng cao sự hiểu biết về Phật pháp. Tu tập theo đạo Phật căn bản dựa trên nền tảng tự lực. Dùng chính kiến và tư duy độc lập để soi lối và dẫn đường giác ngộ cho chính mình, thay vì coi những lời giáo pháp học thuộc lòng của mấy ông sư là “chân lý”. Đó mới là con người trí tuệ để đi đến bậc giác ngộ.
– Tôi, một con ma đạo luôn cỗ vũ là con người phải biết sống đúng với bản năng con người. Phải biết mê tiền, mê sắc, mê địa vị… để bản thân tự nỗ lực, cố gắng hoàn thiện chính mình, tự mình vươn lên thành đạt trong cuộc sống, và thụ hưởng nó một cách có trách nhiệm. Đã là con người thì không thể bỏ đi bản năng tự nhiên này, để mãi sống theo sự dẫn dắt, sai bảo của kẻ khác trong sự ảo tưởng về phép màu thánh thần phù hộ, độ trì.
– Tôi, một con ma đạo với lòng thù hận bằng cả trái tim và lý trí đối với những kẻ đáng bị hận thù. Ma đạo không phung phí Từ bi. Ma đạo muốn những tội nhân phải luôn luôn bị trả giá bằng sự trừng trị của pháp luật, và nó là giới hạn cuối cùng của sự trừng phạt. Đây là đạo đức của “ma đạo”. Đạo đức này rất khác với những kẻ đạo đức giả, miệng thì luôn kêu gọi mở lòng từ bi, nhưng tâm thức luôn nghĩ ra các hình phạt tàn độc đối với con người, như ném tội nhân vào vạc dầu sôi, xiên nướng, hoặc nguyền rủa con người biến thành súc vật ở kiếp sau.
– Tôi, một con ma cô đơn luôn miệt mài tìm kiếm “đồng bọn” đang vất vưởng ở trần gian để bầu bạn. Không lẽ những phép màu “siêu thoát” của thầy cúng đã tiễn vong hết bạn bè tôi đi về miền cực lạc? Chỉ còn lại con ma duy nhất đang ở thế giới siêu thực để nói chuyện với con người: Con người có trí tuệ, có sức mạnh, có sự sáng tạo, cùng tâm hồn thiện lương và quyền năng khoa học, hãy nỗ lực cải tạo thế giới thực mà mình đang sống, xây dựng một xã hội văn minh để mỗi người luôn tận hưởng sự vui sống và bằng an mỗi ngày. Đừng ảo tưởng viễn vông về phép màu của mấy ông thầy cúng.
Từ các cảnh tỉnh dành cho Phật tử, “ma đạo” trong thế giới siêu thực cũng có đôi lời nhắn gửi đến Thượng tọa Thích Nhật Từ, nếu ông coi việc cầu nguyện cho vaccine Nanocovax được lưu hành chỉ là “lời chúc lành”, thì mong ông cũng làm lễ cầu nguyện “chúc lành cho những những người tiêm vaccine này”. Nếu ông không làm được như vậy, chứng tỏ ông rất trí trá và lươn lẹo về cái gọi là Từ bi của ông. Còn nếu ông dám làm, tôi nghĩ các nhà khoa học làm ra vaccine này sẽ kiếm ông để chất vấn “từ bi mà thiếu trí tuệ” sẽ gây ra hậu quả gì?
Còn việc ông viện dẫn đến “quyền tự do tôn giáo” để bao biện cho cái lễ cầu nguyện này, như thể lên án người khác “chống phá Phật giáo” và xâm phạm đến niềm tin của Phật tử. Ở đây tôi xin nói rõ để ông hiểu về nguyên tắc cơ bản này:
(1) ông đang cầu nguyện cho vấn đề thuộc lĩnh vực công là vaccine, khi được lưu hành liên quan đến tất cả mọi người. Và,
(2) buổi lễ đó được ông phát trực tiếp lên facebook cho công chúng xem, nó vừa mang tính “truyền đạo” và đồng thời có thể tạo ra áp lực cho các nhà chuyên môn trước khi ra quyết định.
Một khi ông đã có chủ ý đánh động sự quan tâm của công chúng thì cộng đồng tham gia bình luận về vụ việc là điều hiển nhiên, đặc biệt trong bối cảnh vaccine đang là mối quan tâm của nhiều người. Cho nên, việc bình luận này là cách để họ bày tỏ quan điểm của mình, dù không cùng niềm tin tôn giáo với ông. Ông cần phân biệt công-tư rõ ràng, để không phải ngộ nhận các ý kiến phê phán, chỉ trích là “chống phá Phật giáo” hoặc xâm phạm đến niềm tin tôn giáo của mình.
Và cuối cùng, tôi cũng khuyến nghị đến ông một chuyện, khi ông thuyết pháp công khai cần tránh việc đem các tôn giáo khác đặt bên dưới để tôn lên tính ưu việt của tôn giáo mà ông đang theo. Khi nghe vài bài thuyết pháp của ông thì tôi thấy ông hay có cái tật này. Mỗi tôn giáo có hệ thống triết lý và niềm tin khác nhau, ông tu luyện để nhập vào cõi Niết bàn mà ông cứ “đâm chọt” vào cõi Thiên đàng, vậy sao được. Hài hoà tôn giáo hay tạo ra xung đột tôn giáo cũng từ chỗ này mà ra, nên xin ông lưu ý cho.
Các “ma đạo”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.