Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

Ở đời, phải biết mình là ai!

 

Ở đời, phải biết mình là ai!

Hà Nội có vẻ muốn học đòi với nhà giàu, cũng ra quyết tâm test diện rộng, may mà đã thay đổi, test tập trung hơn. Tuy nhiên, đây là một trong những vấn đề khiến tôi trăn trở nhất, bởi ngay cả một vài chuyên gia y tế cũng ủng hộ xét nghiệm diện rộng cho dân chúng.
Xét nghiệm đại trà mới nghe thì có vẻ hợp lý trong việc chống dịch nhưng với một đất nước nghèo như Việt Nam, lại là không hợp lý.

Hà Nội xét nghiệm 3,1 triệu mẫu, phát hiện 19 ca dương tính, chi phí chừng 600 tỷ đồng, mỗi ca tốn gần 30 tỷ đồng. Nhiều người lý luận, thà tốn thế nhưng nếu không phát hiện được thì sự tốn kém sẽ lớn hơn thế. Tôi biết, lý luận thì có nhiều và lý nào cũng có vẻ hợp lý nhưng vấn đề ở đây là nước ta nghèo, nghèo đến nỗi mà ông thủ tướng phải kêu gọi dân đóng góp cho quỹ chống dịch, thậm chí còn kêu gọi đóng góp cho chương trình “máy tính cho em”, mỗi giáo viên bị bắt buộc đóng góp một ngày lương. Hình như việc này chỉ có ở Việt Nam. Vậy Việt Nam cần phải xử lý dịch theo kiểu Việt Nam chứ không nên học theo Trung Quốc.

Điều này ông chủ tịch quốc hội có nói: “Chúng ta là nước nghèo, chống dịch phải hiệu quả nhưng chi phí thấp, phải tiết kiệm chi phí. Mẫu (xét nghiệm) đơn, mẫu gộp thế nào? Test nhanh thế nào? Một mẫu xét nghiệm PCR mất nhiều tiền, đắt hơn vắc xin nhiều.”

Như một chị bạn của tôi viết thì đến viện khám: xét nghiệm lần một, chiều lấy kết quả, xét nghiệm lần 2. Chưa có kết quả, sáng hôm sau quay lại thì xét nghiệm lần 3.

Thế này thì tiền tấn, sao nhà nghèo mà chơi sang quá vậy? Test như thể để cố tình tiêu thụ bộ kít, không cần đếm xỉa gì đến việc người bị test đã đi đâu, gặp ai, nguy cơ lây nhiễm đến đâu. Test như thể không có ngày mai, không test thì kit bị ế. Kì quặc vậy?

Trong khi ấy thì đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân cho biết kinh phí chống dịch của thành phố HCM hiện rất căng thẳng, dự toán cần 38.800 tỉ đồng, vậy nên đề xuất thủ tướng xem xét hỗ trợ gần 28.000 tỉ đồng. Đến 23-9, thông tin nhận được là sẽ cân nhắc hỗ trợ 2.000 tỉ đồng.

Xin thưa, việc thành phố HCM có rơi vào thảm cảnh với covid-19 như hiện nay, một phần do cách phân bổ ngân sách không hợp lý. Một thành phố đóng góp nhiều như vậy thì cần tái đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng một cách tương xứng. Nếu có tái đầu tư hợp lý thì đã không tắc đường, không ngập lụt tồi tệ như vậy. Và nếu đầu tư xây nhiều bệnh viện hơn, phát triển đội ngũ y tế tương xứng thì không bị quá tải như vừa qua.

Giờ tôi nói về vấn đề chính, tại sao không nên xét nghiệm diện rộng.

Lấy Hà Nội làm ví dụ, với 8 triệu dân. Nếu test đại trà thì có thể tới 6 triệu lượt test mỗi lần, và cứ mấy ngày lại test lại. Thử hỏi số tiền sẽ là bao nhiêu? Cầm cự được bao lâu?

Nhân loại sẽ phải chung sống với con covid-19 dài dài, bởi đơn giản là người đã tiêm vắc-xin có tải lượng vi-rút vẫn rất cao. Người ấy có thể không mắc bệnh, không sao nhưng vẫn có thể truyền vi-rút cho người khác.

Hà Nội có 8 triệu dân, như vậy là có tới 8 triệu điểm mà con covid có thể tấn công. Nếu ta cứ trong tư thế trực chiến, cứ vài ngày lôi người dân ra xét nghiệm lại thì sẽ tạo ra một sự căng thẳng trong xã hội không cần thiết. Cuộc chiến chưa được mấy hồi, toàn bộ xã hội sẽ kiệt sức mà chết.

Chống dịch như chống giặc, cần thông minh. Khi con vi-rút vô hình có thể hoành hành khắp nơi, ta cần phải tĩnh lại để quan sát thay vì vắt kiệt sức của lực lượng y tế, bắt người dân nườm nượp đi test, tạo điều kiện cho vi-rút lây lan.

Cách làm tốt hơn là khi một vài người có triệu chứng là lập tức tập trung mũi nhọn xét nghiệm và mở rộng theo mức độ cần thiết.

Theo tôi, đấy là cách làm hợp lý, thông minh với một đất nước nghèo. Xin được chia sẻ vài suy nghĩ, các bạn có thể bổ sung thêm. Xin cảm ơn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.